“Nhà rùa học” không đồng ý đề nghị đưa rùa Đông Mô thay “cụ rùa”

Theo TS Nguyễn Quang Tề (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Trưởng nhóm cứu chữa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm năm 2011), cá thể rùa ở Hồ Gươm (người dân quen gọi là “cụ rùa”) đã sống đến vài trăm tuổi, thuộc nhóm thọ nhất thế giới.

“Trong lần cứu chữa năm 2011, chúng tôi chưa xác định chính xác tuổi của cụ rùa. Tuy nhiên, ước tính cụ rùa đã vài trăm tuổi.

Cụ rùa cũng đạt đến kích thước tối đa với chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg. TS Tề cho biết thêm, cá thể rùa sống lâu nhất trên thế giới được ghi nhận là 180 năm.

cu-rua-16fe8-1453302566147-80-0-417-660-crop-1453302606715

“Vì thế, “cụ rùa” hồ Hoàn Kiếm thuộc loài sống lâu nhất thế giới”, TS Tề cho hay.

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về rùa Hoàn Kiếm, xác cụ rùa đang được bảo quản tại phòng lạnh của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để chờ xử lý, có thể làm tiêu bản lưu giữ.

Ông Đức cũng khẳng định, việc làm tiêu bản rùa Hồ Gươm để lưu giữ hoàn toàn khả thi và việc này nếu được sẽ do các chuyên gia thực hiện giống với tiêu bản đang có trong đền Ngọc Sơn.

Cụ thể, các nhà khoa học sẽ lấy hết phần nội tạng của rùa ra, tiêm chất chống thối vào những chỗ không lấy được cơ ra. Sau đó thì sấy, rồi cho thuốc chống mốc vào…

Trước đề nghị đưa rùa Đồng Mô về Hồ Gươm thay cho “cụ rùa” đã chết của một chuyên gia, PGS.TS Đức đã bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến này.

Ông nêu quan điểm, thực tế, về hình thái, rùa Đồng Mô và rùa Hồ Gươm khác nhau rất nhiều. Chưa kể, môi trường ở Đồng Mô cũng khác và sạch hơn so với môi trường hiện tại của hồ Hoàn Kiếm.

“Theo tôi, nên tìm một “cụ rùa” nào gần gần với “cụ rùa” Hồ Gươm thì có thể chấp nhận được còn đưa rùa Đồng Mô vào thì nó không giống với rùa ở đây. Cho nên đưa vào nó không hay.

Còn cụ thể thế nào sẽ phải do cơ quan quản lý Nhà nước, hội đồng khoa học quyết định”, ông Đức nói.