Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não, liệt nửa người, bán thân bất toại) là chức năng não mất đột ngột do động mạch não bị vỡ hoặc bị tắc bởi cục máu đông tại chỗ hoặc từ nơi khác đến. Tỷ lệ đột quỵ ở người lớn Việt Nam khoảng 3%. Trong đời cứ 6 người thì có một người bị đột quỵ bất kể tuổi tác mà 80% đột quỵ lại xảy ra ở dân các nước đang phát triển và dẫn đến cứ mỗi 6 giây thì có một người chết do đột quỵ.
Ngày Đột quỵ Thế giới 29/10/2012 do Tổ chức Đột quỵ Thế giới khởi xướng bên cạnh tiếp nối chủ đề chung “1 trong 6” từ năm 2010 đến năm 2013 thì có chủ đề cụ thể là “Vì tôi quan tâm đột quỵ…” nhằm giúp mọi người biết cách phòng, chữa đột quỵ và giúp đỡ người bị đột quỵ. Đột quỵ là một thảm họa sức khỏe (gây chết người chỉ sau bệnh tim mạch và gây tàn tật chỉ sau bệnh sau sút trí tuệ) nhưng ngừa được 80% trường hợp. Những người sống sót sau đột quỵ có 20% cần giúp để đi lại, 70% không thể làm việc được như trước đột quỵ và 50% không thể làm bất cứ việc gì.
Có 6 bước mà bất cứ ai cũng phải biết để tránh và giảm đột quỵ:
- Biết và kiểm soát các tình trạng nguy cơ đột quỵ của mình: tăng huyết áp, đái tháo đường và loạn mỡ máu.
- Giữ cân nặng chuẩn thông qua ăn uống lành mạnh như ăn lạt, ăn nhiều rau, trái cây và cá, ăn ít mỡ động vật.
- Nếu uống rượu bia thì uống chừng mực.
- Tập thể dục điều độ mỗi 30 phút hằng ngày như đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe, bơi.
- Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
- Biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Sáu dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ xuất hiện đột ngột là:
- Tê hoặc yếu một bên mặt, một tay hoặc một chân đặc biệt là yếu một bên thân thể.
- Đi khó khăn, mất thăng bằng hoặc ngã khuỵu.
- Lú lẫn, nói hoặc hiểu khó khăn.
- Nhìn khó khăn một hoặc hai mắt.
- Chóng mặt.
- Nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Chữa trị tích cực tại bệnh viện càng sớm càng tốt nhằm cứu vãn não bị tổn thương, giảm tối đa tử vong và tàn tật.
Ở một đất nước 90 triệu dân, 70% dân chúng sống tại nông thôn, thói quen ngàn đời là “nước đến chân mới nhảy”, thường tự chữa bệnh và ưa chữa bằng phương pháp dân gian, hằng năm 200.000 ngàn người bị đột quỵ mà một nửa thì chết, chỉ có 14 trung tâm đột quỵ trong khi đột quỵ lại là một cấp cứu cho nên mỗi thầy thuốc từ thị thành đến nông thôn khắp nước Việt phải giúp người dân một nắng hai sương biết đột quỵ là gì cũng như kiểm soát tình trạng nguy cơ đột quỵ-công việc vốn phụ thuộc nỗ lực cá nhân chứ không phải thiết bị hiện đại.