Ung thư là một trong những bệnh lý nguy hiểm và trở thành nỗi ám ảnh của mọi gia đình. Đặc biệt, tỷ lệ ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Vậy bạn đã biết về nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh đã được khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế hàng đầu này chưa? Cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây để rõ hơn nhé!
Thực trạng đáng buồn về căn bệnh ung thư hiện nay tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê gần đây, mỗi năm Việt Nam có hơn 94.000 người chết vì ung thư và tỷ lệ mắc mới lên tới 200 nghìn người và con số này đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Trong số đó, 80% bệnh nhân ung thư đến khám và được phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều đặc biệt, bệnh ung thư có thể dự phòng được. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu cho biết 1/3 bệnh ung thư là hoàn toàn phòng tránh được, 1/3 bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Ngày nay, việc điều trị ung thư vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào phát hiện ở giai đoạn nào. Bệnh ung thư là bệnh mãn tính, bệnh phát triển trong giai đoạn lâu dài mà chúng ta không phát hiện ra. Chúng ta chỉ phát hiện khi bệnh đã có các triệu chứng. Ung thư là căn bệnh khó điều trị với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Việc nhận biết sớm được các nguyên nhân ung thư có thể giúp bạn phòng ngừa được rủi ro mắc phải chứng bệnh nan y này.
Điểm danh “top” những nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư:
1. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền gây nên bệnh ung thư các loại chiếm tới 20% trên tổng số ca mắc ung thư. Một trong những rối loạn di truyền có liên quan đến nguy cơ ung thư gia tăng là hội chứng Lynch – hội chứng ngăn chặn các tế bào sửa chữa DNA của chúng khi xảy ra tổn thương. Điều này có thể dẫn đến ung thư ruột kết và ung thư tử cung ở người trẻ. Một yếu tố di truyền khác là họ gen BRCA có khả năng gây ung thư vú và buồng trứng.
Đặc biệt với những người phụ nữ có mẹ, chị gái mắc ung thư vú trước đó thì nguy cơ ung thư vú của họ cao hơn người bình thường rất nhiều. Các giáo sư uy tín khuyến cáo những người này nên khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần để sàng lọc sớm ung thư vú vì nguy cơ mắc ung thư vú của họ cao gấp 4 – 6 lần.
2. Hút thuốc lá thường xuyên
Nhóm mắc ung thư có nguyên nhân từ bên ngoài chiếm 80% trong đó thuốc lá là tác nhân đầu tiên phải kể đến. Chỉ tính riêng thuốc lá đã chiếm trên 30% nguyên nhân gây ra ung thư. Hút thuốc gây ung thư phổi, nhưng cũng gây ra bệnh ung thư vòm họng, ung thư miệng, ung thư thực quản, và thậm chí cả ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tụy và ung thư dạ dày… Trong khói thuốc người ta đã tìm ra 43 chất sinh ung thư bao gồm: benzopyren, nitrosamin, cadmium, niken, toluidin… và những người không hút thuốc sống cùng người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh bệnh liên quan tới thuốc lá, nhất là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy biện pháp tốt nhất là không hút thuốc.
3. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn thức ăn nhanh và uống nước ngọt có thể là nguyên nhân ung thư. Bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ gây ung thư như thịt chế biến, đồ hộp, đồ uống có đường và carbohydrate tinh chế. Đồng thời xây dựng chế độ ăn tập trung vào thực vật bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ các loại đậu để bổ sung chất xơ, dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
4. Ngồi nhiều không vận động
Các chuyên gia Đức cho biết, số lượng các tế bào miễn dịch tăng lên khi mức độ hoạt động tăng, khi ít vận động thì các tế bào miễn dịch giảm, từ đó làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư. Còn các nhà y khoa Nhật Bản phát hiện ra rằng, hầu hết các bệnh nhân ung thư dạ dày thường ăn quá nhiều và ít vận động; Kết quả của nhiều nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra rằng 40-50% xác suất người ít vận động là “ứng cử viên” dự bị của nhóm người mắc bệnh ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt. Bởi vậy nên các chuyên gia khuyên rằng, nên làm việc mỗi hai giờ lại dành ra 15 phút để vận động, thư giãn nhẹ nhàng.
Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư?
Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho biết việc duy trì chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý đóng vai trò chìa khóa trong việc làm giảm nguy cơ ung thư.
Không hút thuốc: Hầu như ai trong chúng ta cũng đều biết hút thuốc là có thể gây ra ung thư phổi. Tuy nhiên, đó không phải là tác hại duy nhất của thói quen xấu này. Hút thuốc lá còn có thể gây ra hàng loạt các căn bệnh ung thư khác như ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, ruột, cổ tử cung, tuyến tụy và thận. Thậm chí việc hút thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Do đó, không hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm từ cây thuốc lá là một biện pháp ngăn ngừa ung thư quan trọng.
Xây dựng và duy trì chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn giàu hoa quả, rau, protein không chỉ tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn các sản phẩm thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, giảm lượng đường và ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì đã qua tinh chế cũng là những cách ngăn ngừa ung thư hữu hiệu.
Hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lao động mặc quần áo bảo hộ và khẩu trang khi làm việc trong môi trường nhiều hóa chất độc hại, hạn chế sử dụng các chất tạo mùi thơm trong nhà và các vật liệu xây dựng có chứa amiăng.
Thường xuyên bôi kem chống nắng: Ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách hữu hiệu để ngăn ngừa căn bệnh này. Hãy đi lại ở những khu vực râm mát, che chắn những vùng da thường lộ ra ngoài, sử dụng kem chống nắng và hạn chế sử dụng giường tắm nắng để có làn da nâu.
Tích cực tập luyện thể dục thể thao: Tập thể dục, thể thao thường xuyên có thể giúp duy trì nồng độ các hoocmon trong cơ thể ở mức ổn định, tránh cho tình trạng tích mỡ, béo phì, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Vận động tích cực không chỉ tốt cho tim và phổi, mà còn giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư một cách hiệu quả.
Khám sức khỏe định kì: Đây được biết đến là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ cao. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.
Đa phần những người mắc ung thư tại Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thường rất thấp. Bệnh ung thư không chỉ là nỗi đau, sự khó khăn, nặng nề của bệnh nhân và gia đình mà còn là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn ngừa khả năng mắc bệnh ung thư.
Với những tổng hợp và chia sẻ về các nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh này, chúng tôi hi vọng quý bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân yêu trước bệnh ung thư.