Công ty bán thiết bị vệ sinh nhận… đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1

Thông báo không nhận đăng ký tại cửa hàng Apollo chiều 15/12

2-infonet-pentaxim2-1450223473343-83-0-420-660-crop-1450223829538

Có mặt tại showroom trưng bày thiết bị vệ sinh Apollo 461 Cộng Hòa (phường 15, quận Tân Bình) chiều 15/12, nhân viên bảo vệ ở đây hỏi luôn: “Đến đăng ký tiêm vắc xin hả, hết thuốc rồi, về đi” rồi chỉ tấm bảng được viết tay bên ngoài hàng rào: “Hiện tại chúng tôi đã nhận đủ số lượng đăng ký vắc xin về đợt I, khi nào có vắc xin về đợt tiếp theo chúng tôi sẽ thông báo sau”.

cong-ty-ban-thiet-bi-ve-sinh-nhan-dang-ky-tiem-vac-xin-5-trong-1

Bên trong cửa hàng, hai nhân viên lễ tân quay cuồng bận rộn trả lời điện thoại.

Một nhân viên tên Lê Minh cho biết, chỉ trong buổi sáng 15/12, tại đây đã nhận đặt cọc đăng ký tiêm vắc xin cho hơn 200 bé và hiện nay đã hết thuốc nên không nhận đăng ký nữa.

Đứng làm thủ tục tại quầy lễ tân, chị Trần Thị Phương (quận Tân Bình) tâm sự, chị mới sinh con được gần 2 tháng, sốt ruột về tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ, nghe bạn bè trên facebook bảo nhau là ở đây có thuốc nên vội đến đăng ký vào sáng 15/12.

 

Chị cho biết, vì lo không có thuốc để tiêm cho con nên chị đã đăng ký 3 liều vắc xin và đóng tiền đặt cọc 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi về nhà bàn bạc, chị quyết định trả lại 1 liều.

Ngay lập tức, một người khác đang đứng chờ đã xin luôn liều vắc xin được trả lại kia để đăng ký cho con mình.

 

Phiếu thu tiền đặt cọc 500.000đ/liều vắc xin

Trong phiếu thu tiền đặt cọc, công ty này ghi khá rõ ràng:

“Trước ngày tiêm chậm nhất một ngày, gia đình mang phiếu đặt cọc này đến công ty nộp tiếp phần tiền còn lại và nhận phiếu tiêm, địa điểm tiêm do nhân viên công ty hướng dẫn chi tiết” và yêu cầu “Không chuyển nhượng giấy đặt vắc xin cho bé khác”.

Tuy nhiên, những người đóng tiền đặt cọc cũng không hề biết con mình sẽ được tiêm vào ngày nào, tiêm ở đâu, chỉ nhận được một thông báo chung chung: Sẽ có vắc xin vào tháng 1/2016 và khi nào có lịch tiêm, nhân viên Apollo sẽ gọi điện thông báo (!)

Đứng trong cửa hàng bán toàn thiết bị vệ sinh, chị Phương cho biết: “Tôi cũng lo lo khi thấy đây không phải là cơ sở y tế hay tiêm chủng gì, nhưng thấy họ đăng công khai như vậy chắc là phải đảm bảo.

Họ cũng nói là thuốc do công ty dược nhập về, là thuốc Pentaxim của Pháp”.

cong-ty-ban-thiet-bi-ve-sinh-nhan-dang-ky-tiem-vac-xin-5-trong-1 (2)

Bên trong cửa hàng Apollo trưng bày bán các thiết bị vệ sinh

Anh Thành (quận Thủ Đức) cũng đang đứng chờ được đăng ký cho biết, vì lo lắng cho sức khỏe của con, lại không tin vào chất lượng của vắc xin Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên suốt thời gian qua anh chạy khắp nơi để tìm thuốc.

Thấy nơi này thông báo có Pentaxim, anh vội đến để hy vọng đăng ký được một suất tiêm cho con.

Trước các câu hỏi về nguồn gốc, nơi tiêm, giá tiền của loại vắc xin này, nhân viên tên Lê Minh giải thích, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim do Công ty Dược phẩm trung ương I nhập khẩu, Apollo chỉ làm dịch vụ nhận đăng ký chứ không trực tiếp tiêm hay cung ứng thuốc.

Địa điểm tiêm, phiếu tiêm cũng do Công ty dược cung cấp cho bên dịch vụ để trao lại cho người đăng ký. Giá một liều vắc xin 5 trong 1 đăng ký tại đây là 2 triệu đồng, chưa tính tiền khám tại các điểm tiêm chủng.

Nhân viên này cho biết, đợt này có 2.000 liều vắc xin Pentaxim của công ty dược cung ứng cho địa bàn TPHCM qua dịch vụ của Apollo. Qua 4 ngày thông báo, đến chiều 15/12, Apollo đã “bán” hết được số vắc xin này.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, cả hai loại vắc xin Pentaxim và Quinvaxem có tỷ lệ phòng ngừa và tai biến như nhau.

Tuy nhiên, do tâm lý của các bậc phụ huynh trước các thông tin về những ca trẻ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem nên đổ xô tìm đến Pentaxim. Ngoài ra, việc công ty Apollo nhận đăng ký tiêm chủng như vậy là hoàn toàn sai.

Theo quy định, các công ty dược phẩm sau khi nhập khẩu vắc xin sẽ trực tiếp cung cấp cho các điểm tiêm chủng chứ không được thông qua một công ty trung gian như thế này.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng đặt câu hỏi nghi vấn: Tại sao một công ty chuyên bán trang thiết bị vệ sinh lại được phép nhận đăng ký tiêm vắc xin? Loại thuốc này có đảm bảo chất lượng hay không?

Giá tiền 2 triệu đồng/liều vắc xin tại công ty này là quá cao so với giá chung của vắc xin dịch vụ (khoảng từ 630.000đ – 800.000đ/liều) và liệu các cơ quan quản lý có biết được hoạt động này hay không?