Bảo hiểm xã hội là hình thức chia sẻ và xử lý rủi ro của cả xã hội. Về bản chất, bảo hiểm xã hội chính là một chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng một quỹ tiền tệ từ đóng góp của người lao động, với mục đích đảm bảo hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ gặp phải những biến cố làm giảm hoặc mất khả năng lao động, bao gồm cả nghỉ hưu.
Bảo hiểm xã hội hướng tới những mục tiêu an sinh lâu dài, giúp người lao động có thể tồn tại trước những biến cố, qua đó đảm bảo sự ổn định của cả xã hội, chứ không phải phục vụ mối lợi trước mắt của từng cá nhân riêng rẽ.
Vì thế tôi cho rằng việc “về một cục” là không nên. Nó vừa không phù hợp với cả tính chất bảo hiểm, lẫn tính chất xã hội, đồng thời tiềm ẩn sự bất ổn xã hội ở thì tương lai. Hãy tưởng tượng nếu người lao động đua nhau về một cục thì ai sẽ lo an sinh xã hội cho những con người này khi họ không còn sức lao động hay gặp sự cố nào đó? Lúc ấy nghiễm nhiên mọi gánh nặng sẽ bị đẩy lại lên vai xã hội một cách vô lý.
“Về một cục” cũng tương tự như việc lấy của để dành ra ăn ngay. Đó sẽ là nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội. Nhất là khi những người “về một cục” lại thường là nhóm người lao động có thu nhập thấp. Vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách bảo hiểm xã hội như hiện tại, không áp dụng hình thức trợ cấp một lần như trước đây.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nhiều người ưa thích nhận trợ cấp một lần, thậm chí các công nhân còn bãi công để đòi hỏi quyền này?
Trước hết, ở nước ta hiện nay, có rất nhiều đối tượng sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Đặc biệt là với nhóm công nhân may mặc, giày da… tại các doanh nghiệp FDI vốn có tuổi nghề ngắn và chịu sự đào thải rất khắc nghiệp từ chủ sử dụng lao động. Ngoài ra còn có những nỗi lo về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hay sự trượt giá khiến lương hưu chẳng có mấy giá trị.
Nhưng bên cạnh nguyên nhân hợp lý này thì tôi cho rằng vấn đề còn nằm ở tư duy ngắn hạn của người lao động. Trong xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều người chỉ quan tâm đến cái lợi nhỏ trước mắt, chứ không tính đến lợi ích lâu dài, thậm chí vô trách nhiệm với chính tương lai của mình. Đồng thời họ cũng chỉ quan tâm đến bản thân, mà chẳng đoái hoài đến tính xã hội, cộng đồng.
Tuần vừa rồi, tôi gặp anh của một người bạn từ Điện Biên về Hà Nội khám bệnh. Bác này đã than thở rằng, nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần) giờ thiệt thòi, chẳng có chế độ gì. “Mình giờ già đau ốm luôn, tiền hồi đó cũng chỉ nhận được mấy trăm nghìn chẳng làm được việc gì, chỉ ăn rồi cũng hết”, anh ấy nói. Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên thảo luận Quốc hội hôm trước cũng chia sẻ một câu chuyện ở thủy điện sông Đà rằng lao động tại đây sau khi về một cục và tiêu hết một cục đó là hoàn toàn trắng tay, cực kỳ khó khăn. Nhiều gia đình nhận một cục, và tạo ra một “hậu Sông Đà” kéo dài dai dẳng.
Bảo hiểm xã hội là dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism). Chủ nghĩa cộng đồng là sự chia sẻ giá trị và mục tiêu của cộng đồng nhằm đạt được sự ổn định của xã hội, duy trì những liên kết của xã hội. Do hướng tới lợi ích của số đông, nên đôi khi trong một số trường hợp chủ nghĩa cộng đồng sẽ bắt buộc phải hạn chế quyền của cá nhân cũng như quyền của một nhóm nhỏ hơn. Nếu chiếu theo quan điểm này, nhà chức trách hoàn toàn có quyền bác bỏ yêu cầu cho phép “về một cục”.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng, đấy sẽ là một sự lựa chọn khó khăn vì nhiều người lao động đang đấu tranh sửa điều luật của Bảo hiểm xã hội theo hướng, họ có quyền nhận bảo hiểm trước thời hạn nghỉ hưu. Nhưng về phương diện quản lý xã hội thì tôi tin rằng việc dũng cảm thi hành một quyết định cần thiết, dù vấp phải khó khăn, là điều rất quý giá.
Trong trường hợp tiếp tục luật trả lương hưu như hiện nay, nhà chức trách cũng phải nghiên cứu và thi hành những chính sách hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc đóng bảo hiểm đủ 20 năm như tôi đã đề cập ở trên. Ví dụ như đối với những ngành nghề đặc thù có thể bắt buộc doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội với tỉ lệ cao hơn bình thường, đổi lại người lao động sẽ được rút ngắn yêu cầu về số năm tối thiểu đóng bảo hiểm; tạo sự dễ dàng trong việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cường năng lực quản trị, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Australia Tony Abbott, khi bị hỏi liệu ông có lo ngại những chính sách vốn được coi là hà khắc của mình sẽ khiến ông bị mất phiếu, đã trả lời đại ý, ông tin rằng lịch sử sẽ công bằng hơn cử tri.
Phan Tất Đức