Đạo đức nghề nghiệp không tách khỏi hoàn cảnh xã hội

Thầy thuốc càng phải có bởi ở nghề khác, nếu người phục vụ có thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí gian dối thì thiệt hại nhiều khi chỉ ở sự thiệt thòi về kinh tế, sự đi lại vất vả của người được phục vụ. Nếu thầy thuốc thiếu y đức thì thiệt hại lớn hơn nhiều vì liên quan tới sinh mạng con người và cạnh đó, sự tổn thất về tâm lý càng lớn hơn rất nhiều so với sự tổn thất về tiền bạc.
Thế nhưng thầy thuốc cũng là con người và nghề y dù cao quý đến mấy cũng là một nghề trong xã hội. Đã là con người và nghề trong xã hội thì luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội. Khó có thể trong một xã hội luôn tồn tại sự vòi vĩnh trước đối tượng phụ thuộc lại có một đội ngũ nhân viên y tế hoàn toàn có y đức! Nói vậy không có nghĩa là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, thầy thuốc không cần quá chú trọng y đức.

Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy lương cán bộ công chức, viên chức nước ta còn thấp và để có một chiếc xe máy thôi chẳng hạn thì có lẽ phải dành dụm đến lúc gần về hưu mới mua được. Thế nhưng xe máy của cán bộ ta nhiều đến mức đã thành vấn nạn tắc đường mà Bộ Giao thông vận tải vẫn loay hoay trong những giải pháp. Vậy thì ngoài việc làm ở công sở, họ còn phải bươn chải làm thêm để tăng thu nhập và từ lâu đã có câu lương chính thành phụ và lương phụ thành chính, việc chính thành phụ và việc phụ thành chính. Lương thầy thuốc cũng như mọi công chức, viên chức khác và họ cũng phải làm thêm. Đã làm thêm thì việc chính dễ bị xao nhãng.

Trong mọi công việc thì công việc chữa bệnh không thể xao nhãng.Thế nhưng không làm thêm thì lấy tiền đâu cho con học thêm, trả tiền điện thoại, điện nước, xăng xe, đi đám cưới, đám ma… Muốn giải quyết mâu thuẫn này cần nhìn nhận nghề y là nghề đặc biệt và cũng cần có cách cư xử đặc biệt chứ không thể kêu gọi y đức chung chung.

Theo tôi, bộ đội, công an có lương đặc biệt vì bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trật tự xã hội, vậy thì thầy thuốc bảo vệ sức khoẻ toàn dân sao không thể có lương đặc biệt như bộ đội, công an? Bệnh tật cũng là kẻ thù của con người, của xã hội đấy chứ!

Tăng lương không phải là biện pháp duy nhất nâng cao đạo đức nghề nghiệp, song là một thái độ xã hội cần thiết.

Đạo đức nghề nghiệp ngoài chuyện thái độ tận tình còn là trình độ nghề nghiệp. Hiện nay, các bác sĩ ra trường muốn nâng cao tay nghề đều mong làm việc tại các bệnh viện lớn. Bệnh nhân cũng có tâm lý muốn khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn dẫn đến tình trạng quá tải trong khi bệnh viện huyện, tỉnh không đông, có thể gánh được sự quá tải này. Nguyên nhân cũng vì đầu tư trang thiết bị cho y tế huyện, tỉnh còn thiếu. Trình độ thầy thuốc cấp huyện chưa cao. Không có nhiều bệnh nhân thì làm sao nâng tay nghề lên được. Vì thế, bệnh viện huyện cần được nâng cấp và thầy thuốc giỏi từ các bệnh viện lớn cần thường xuyên thay nhau về địa phương chữa cho dân cũng là giúp các thầy thuốc địa phương nâng cao tay nghề. Làm được điều này, sự quá tải ở các bệnh viện lớn giảm mà dân đỡ khổ vì đi lại xa xôi, tốn kém, tiết kiệm được rất nhiều.

Ở các ngành khác trong xã hội, để chống tiêu cực, chúng ta đang đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng y tế không thể đơn giản hoá trong việc thăm khám được. Các cơ quan giảm biên chế nhưng y tế cần tăng biên chế.

Vẫn biết đất nước còn nghèo, còn khó khăn, song cần đầu tư cho y tế những tỷ lệ thích đáng trong việc phân bổ ngân sách.

Y đức là đạo đức thầy thuốc, song cần đặt y đức trong mối quan hệ xã hội và tình hình thực tế hiện nay. Những con sâu làm rầu nồi canh trong ngành y vẫn còn đâu đó nhưng để hết sâu không phải chỉ là sự kêu gọi mà trước hết phải bằng những thiết chế, những điều kiện để thầy thuốc yên tâm hành nghề.

Nguyễn Văn Dương

Nguồn suckhoedoisong.vn