Theo thống kê cho thấy, phần lớn nguyên nhân gây các vết thương bỏng là do bỏng dầu, nước sôi và bỏng lửa. Tuy nhiên, bất kể là vết bỏng lớn hay nhỏ thì việc sơ cứu vết thương đúng cách là rất quan trọng để tránh làm vết thương sâu thêm, bị nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Thế nên, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách sơ cứu vết bỏng đúng cách, tránh gây thêm nhiều hậu quả về sau.
Bỏng là tình trạng không hiếm gặp, bất kì ai cũng có thể là nạn nhân chỉ với một sơ xuất nhỏ. Bị bỏng là một trong những tai nạn nguy hiểm gây đau rát kéo dài và để lại các vết sẹo, co kéo cơ, nếu bị nặng có thể dẫn đến tàn phế suốt đời thậm chí là tử vong.
1. Cách sơ cứu khi bị bỏng nhẹ
Các vết bỏng nhẹ thường là các vết bỏng nhỏ do dầu bắn, bỏng bô xe hoặc nước sôi. Đối với các vết bỏng này nếu biết cách sơ cứu vết bỏng kịp thời có thể hạn chế phồng rộp và giảm tối đa mức độ gây tổn thương của vết bỏng.
Khi bị bỏng nhẹ bạn thực hiện các bước sơ cứu sau:
Bước 1: Cần nhanh chóng rời xa vùng gây bỏng sau đó xả nhẹ nước để vệ sinh vùng da bị bỏng. Sau đó, tiếp tục xả nhẹ nước mát lên vết thương trong vòng ít nhất 15 phút.
Làn nước sẽ làm dịu mát vết thương, tránh vết bỏng lan sau hơn gây sưng tấy và phồng da. Các bạn không nên chườm đá và vết thương nhé, việc đó có thể làm vết thương trở nên tệ hơn đấy.
Bước 2: Chuẩn bị một miếng gạc mới hoặc tấm vải nhỏ sạch, có sát khuẩn để băng lại vùng da bị bỏng (nếu vết thương tương đối nhổ có thể dùng băng cá nhân), tránh bụi bẩn xâm nhập vào vết bỏng.
Bước 3: Trường hợp bỏng nhẹ và diện tích bỏng nhỏ, bạn vẫn có thể tự chăm sóc, điều trị tại nhà. Vùng da bị bỏng có khả năng tự liền, còn trường hợp vết bỏng có diện tích lớn, bỏng nặng hơn, nên sơ cứu cơ bản ban đầu rồi nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở, trung tâm y tế nơi gần nhất kịp thời điều trị.
2. Cách sơ cứu vết bỏng khi quần áo bị cháy do tiếp xúc với lửa
Đây là một trong những trường hợp bỏng nguy hiểm khi lửa cháy lan lên quần áo, gây ra bỏng nặng. Nạn nhân lúc này thường hoảng loạn, những lúc này bạn cần bình tĩnh và sơ cứu nạn nhân theo những bước sau:
Bước 1: Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đem nạn nhân đến nơi an toàn. Lưu ý không cởi bỏ quần áo nạn nhân để tránh gây tróc da, có thể dùng kéo để cắt quần áo bao quanh vết bỏng.
Đối với đám lửa đang cháy bạn có thể sử dụng cát, nước, áo khoác ngoài hoặc tấm vải lớn để dập.
Bước 2: Ngâm ngay chổ bị bỏng vào trong nước sạch mát hoặc đặt nạn nhân dưới vòi nước đang chảy (nhiệt độ tốt nhất khoảng 15 – 20 độ C), trong khoảng thời gian là 15 – 20 phút. Việc này là để giảm lây lan vết bỏng, giảm đau và phù nề.
Nếu bị bỏng hóa chất thì thời gian ngâm khoảng 20 – 30 phút.
Bước 3: Tiếp theo, bạn băng bó vết thương bằng băng gạc vô trùng ngay tại chổ. Tuyệt đối không bôi, đắp bất cứ loại thuốc, hoá chất nào lên vết bỏng và giữ cho vết bỏng được sạch.
Bước 4: Người bị bỏng rất cần uống nhiều nước, bạn nên tiếp nước ngay. Ngoài ra, có thể pha nước đường với chút muối ăn hoặc dung dịch Oresol để phòng ngăn ngừa sốc bỏng.
Bước 5: Cố gắng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi bệnh nhân còn tỉnh táo, tránh chuyển đi khi nạn nhân còn đang sốc, hoảng loạn..
Lưu ý rằng đối với nạn nhân bị bỏng do điện giật, có trường hợp bị ngưng thở, tim ngừng đập, ngay lập tức phải sơ cứu nạn nhân tại chỗ, đặt nạn nhân nằm xuống nền đất cứng, hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân thở lại và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.
Những lưu ý khi xử lý vết bỏng
- Nhiều người truyền tay nhau về việc bôi kem đánh răng, kem trị bỏng lên vết bỏng sẽ nhanh khỏi, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Các chất này khi bôi lên sẽ làm vết bỏng tệ hơn và có khả năng gây lở, nhiễm trùng.
- Bạn cũng không nên chườm đá lên vết thương, khi vết thương bỏng đột ngột gặp lạnh sẽ làm cho lớp biểu bì da co rút lại, làm vết bỏng sâu và dễ viêm. Bạn chỉ nên dùng nước mát để làm mát vết thương.
- Tuyệt đối giữ vết thương thật sạch để tránh gây nhiễm trùng
- Nếu người bị bỏng là trẻ nhỏ, người thân cần phải bình tĩnh, trấn an và sơ cứu cho con, tránh để trẻ bị sốc khiến tình trạng tệ hơn
Các gia đình nên hết sức thận trọng đối với mọi tác nhân có nguy cơ gây bỏng như khu vực bếp, ổ điện, bật lửa, bàn là, đồ ăn vừa nấu xong,….Đồ đạc trong nhà cần được sắp xếp một cách hợp lý và luôn chú ý quan sát trẻ nhỏ hiếu động, tránh để con tiếp xúc với các vật dễ gây bỏng.
Tốt nhất mỗi nhà đều nên sắm riêng cho mình một chiếc bình chữa cháy để phòng hờ các trường hợp cháy xảy ra. Đặt biệt là ai cũng cần nên biết cách sơ cứu vết bỏng để xử lý vết bỏng một cách kịp thời, bảo vệ tốt sức khỏe cho gia đình, người thân.
> Xem thêm:
Hướng dẫn cách làm 8 món ăn giải độc gan hiệu quả
Chăm sóc vết thương hở nên kiêng gì?