New England Journal of Medicine tròn 200 tuổi!

Tháng này (4/2012) kỉ niệm 200 năm ngày tập san New England Journal of Medicine(NEJM) ra đời. Một tập san y khoa có một lịch sử 200 năm quả là đáng nể. Nhân chuyện này làm tôi liên tưởng đến tham vọng có một tập san y khoa Việt Nam viết bằng tiếng Anh, nhưng có lẽ cũng chỉ là một … giấc mơ.

Nejm_logo2011

NEJM được xem là “kinh thánh” trong y khoa. Không biết từ bao giờ NEJM trở thành một diễn đàn quan trọng bậc nhất trong y khoa. Những công trình được công bố trên NEJM thường có tầm ảnh hưởng lớn. Chẳng thế mà NEJM có hệ số tác động (impact factor – IF) cao ngất ngưỡng (gần 50). IF của tập san NEJM còn cao hơn cảScience, Nature, Cell. Điều này dễ hiểu vì dữ liệu trên NEJM là bằng chứng khoa học cho thực hành lâm sàng, cho việc hoạch định chính sách y tế. Tác giả có công trình công bố trên NEJM được sự kính nể của đồng nghiệp. Ở Viện Garvan, một bài trên NEJM thì mỗi tác giả được tặng 1000 AUD. Tiền mặt! Có người thậm chí còn nói không cần giải Nobel, chỉ cần có vài bài trên NEJM là đủ để lưu danh hậu thế!

Không ngờ NEJM đã 200 tuổi! Hồi nào đến giờ tôi vẫn tưởng rằngBritish Journal of Medicine (BMJ) hay Lancet của Anh mới là những tập san có lịch sử lâu đời hơn NEJM, nhưng tôi sai. Tập san BMJ được thành lập từ ngày 3/10/1840. Tập san Lancet ra đời năm 1823. Nhưng NEJM ra đời năm 1812, trước BMJ 28 năm và trước Lancet 11 năm. Mĩ là “thế giới mới” mà xem ra còn cấp tiến hơn cả mẫu quốc Anh! Cho đến nay, NEJM là tập san y khoa lâu đời nhất thế giới.

Theo lịch sử thì NEJM thật sự thành lập từ năm Tháng Chín năm 1811. Người khởi xướng tập san là Bs John Collins Warren và James Jackson. Lúc đó, hai bác sĩ này đặt tên cho tập san là New England Journal of Medicine and Surgery and Collateral Branches of Science. Chủ trương lúc đó của tập san là công bố những công trình nghiên cứu không chỉ trong y khoa mà còn cả khoa học và … triết học. Mãi đến tháng 1 năm 1812 tập san mới ra mắt số đầu tiên, và xuất bản 4 lần một năm.

Năm 1823 một tập san khác có tên là Boston Medical Intellegiencer ra đời, dưới sự điều hành của Jerome V. C. Smith. Nhưng Boston Medical Intellegiencer gặp khó khăn về tài chính, nên New England Journal of Medicine and Surgery and Collateral Branches of Science mua luôn, và nhập lại thành tập san có tên mới làBoston Medical and Surgical Journal, và xuất bản hàng tuần.   Đến năm 1928 thì Boston Medical and Surgical Journal đổi thành New England Journal of Medicine cho đến ngày hôm nay.

Quan điểm (thật ra, nói đúng hơn là vision) của những người chủ trương NEJM là rất cao, rất tham vọng. Nói chuyện trước hội nghị các biên tập y khoa, Leartus Connor định nghĩa và muốn NEJM là một trường y, một chương trình nội trú, một tập sách giáo khoa, và một hiệp hội y khoa. Sau 200 năm hoạt động, các tổng biên tập của NEJM có thể tự hào rằng họ đã đạt được tham vọng đó. NEJM quả thật là một trường y và bộ sách giáo khoa. Phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) những công trình quan trọng trong y khoa đều được công bố trên NEJM. Có biết bao dữ liệu xuất bản trên NEJM đã đi vào sách giáo khoa.

Nhưng NEJM cũng gặp vài sóng gió trong thời gian qua. Một trong những sóng gió lớn nhất là vụ thuốc Vioxx mà có lẽ bất cứ ai trong y khoa cũng đều có nghe qua. Năm 2000, NEJM công bố một công trình về Vioxx. Nhưng ngay sau đó, nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng trên JAMA và BMJ tỏ ra nghi ngờ dữ liệu đó chưa đầy đủ hay có chọn lọc (selective data). Đến năm 2004, Merck (công ti sản xuất Vioxx) quyết định thu hồi Vioxx vì nguy cơ nhồi máu cơ tim. Lúc đó, người ta mới phát hiện Merck từng trả cho NEJM 826,000 USD để in bài báo đó như là một tài liệu phục vụ cho … quảng cáo. NEJM cũng “mất mặt” vì sự việc này một thời gian. Nói chung, các tập san lớn thì lúc nào cũng có vài mảng tối bên cạnh những hào quang lấp lánh. NEJM không phải là một ngoại lệ.

Ngày nay, NEJM phải đối phó với nhiều thử thách. Có thể nói rằng NEJM là một cơ chế bảo thủ. Trong khi thế giới xuất bản khoa học đã thay đổi nhanh chóng với Open Access và internet thì NEJM vẫn không thay đổi đáng kể so với hàng trăm năm trước. Điều này dẫn đến sự bất mãn của nhiều độc giả và các nhà khoa học. Thử thách thứ hai là ngày càng có nhiều tập san ra đời và cạnh tranh quyết liệt với các “đại gia” như NEJM, BMJ, Lancet, JAMA, v.v. Ngày nay, dù NEJM vẫn còn đứng đầu bảng, nhưng IF không còn trên con số 50 nữa. Có nhiều người phê bình rằng NEJM đã trở thành tập san của RCT (randomized controlled trials) mà thiếu những công trình khoa học cơ bản khác. NEJM cũng lắng nghe, nhưng cho đến nay vẫn chưa lay chuyển đáng kể.

NEJM ra đời từ một vài cá nhân thuộc một hiệp hội y khoa địa phương (chứ không mang tầm vóc quốc gia). Đó là một bài học quí báu cho những ai nghĩ rằng cần phải có một hiệp hội quốc gia mới ra một tập san khoa học có giá trị. Vấn đề không phải là hiệp hội tầm vóc quốc gia hay địa phương; vấn đề là có những người có tâm huyết và có tầm để lèo lái tập san đến thành công.

Một trong những “giấc mơ” tôi hay mơ là Việt Nam chúng ta có một tập san y khoa viết bằng tiếng Anh và phấn đấu có trong danh mục ISI. Các nước chung quanh ta như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Singapore, v.v. đều có tập san y khoa tiếng Anh và có trong danh mục ISI. Tại sao Việt Nam ta không làm được? Chúng ta có người trong và ngoài nước có kinh nghiệm xuất bản y học. Tôi đã giải bày ý định thành lập một tập san y khoa trong vài bài viết trước đây. Tôi thậm chí còn đi thuyết phục vài đồng nghiệp ở Hà Nội, và được các bạn ấy ủng hộ nồng nhiệt. Nhưng cuối cùng thì vẫn chỉ là ủng hộ tinh thần, mà không thành sự thật, vì nhiều vướng mắc và khó khăn. Theo tôi thấy và biết, chính sách về xuất bản ở Việt Nam là một rào cản lớn để có một tập san khoa học viết bằng tiếng Anh. Nếu y học Việt Nam muốn hội nhập quốc tế thì có lẽ trước hết phải rở bỏ cái rào cản này.

Tham khảo:

Podolsky SH, Greene JA, Jones DS. The evolving roles of the medical journal. N Engl J Med 19/4/2012.

Làm gì để quốc tế hoá tập san khoa học VN.

http://www.statistics.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=157:lam-gi-de-quoc-te-hoa-tap-chi-khoa-hoc-viet-nam&catid=79&Itemid=87

Nguồn blog của GS Nguyễn Văn Tuấn – vnguyenvantuan.net