Điều đáng nói là tất cả các phương tiện, cơ sở vật chất đều là của công, nhưng bác sĩ (BS) mổ dịch vụ (DV) lại hưởng gần một nửa số tiền phẫu thuật. Chính điều này đã dẫn đến hệ lụy: BS dành phần ưu tiên cho mổ DV.
Lấy việc công làm lợi riêng
Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình TP.HCM (BV CTCH) hiện có tổng cộng 14 phòng mổ. Làm việc với PV, bác sĩ Trần Thanh Mỹ – Giám đốc BV cho rằng, trong giờ hành chính BV dành cho các ca bệnh mổ chương trình (CT), còn mổ DV chỉ làm ngoài giờ (sau 16 giờ trở đi). Tuy nhiên, điều BS giám đốc nói không đúng như những gì diễn ra bấy lâu nay ở BV công này. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trừ hai phòng mổ cột sống (phòng mổ 1 và phòng mổ 7), thỉnh thoảng có thêm phòng mổ 3 (mổ chi dưới) thì thời gian dành cho mổ CT kéo dài, còn lại các phòng mổ khác, BN được xếp mổ CT, phần lớn đến khoảng 11 giờ, hơn 11 giờ là xong, thời gian còn lại được dùng mổ toàn các ca DV. Thậm chí, vào các ngày thứ tư, thứ sáu, phòng mổ số 9 được dùng cho các ca mổ DV trong giờ hành chính và gần như suốt cả ngày; còn phòng mổ D hầu như ngày nào cũng mổ DV trong giờ hành chính.
Bác sĩ ưu tiên mổ DVXin nêu ra đây một số ngày để làm ví dụ: ngày 4.1.2012, BS N.L mổ 8 ca DV; BS Th. mổ 5 ca DV. Ngày 27.12.2011, BS Q.T và BS C. mổ 11 ca DV; BS N.L mổ 6 ca DV; BS A. mổ 5 ca DV; BS B.T mổ 4 ca DV. Ngày 18.11.2011 BS B. mổ 6 ca DV. Ngày 11.11.2011 BS G. mổ 6 ca DV. Ngày 31.8.2011 BS T.L mổ 6 ca DV. Ngày 29.8.2011, BS M. và BS H. mổ 5 ca DV. Ngày 30.8, BS Nh. và BS Q.T mổ 6 ca DV… |
Theo tư liệu chúng tôi có được, hầu như ngày nào BS của BV CTCH cũng chiếm dụng giờ công để mổ DV, thậm chí mổ rất nhiều ca trong giờ hành chính. Chính vì vậy nên lượng BN mổ DV tại đây ngày nào cũng nhiều gấp 2, gấp 3 lần so với lượng bệnh mổ CT. Xin nêu ra đây một số ngày để minh chứng: ngày 21.12.2011, phòng mổ số 6 chỉ có 3 ca bệnh được xếp mổ CT (với mức độ bệnh vừa phải), nên đến khoảng 11 giờ là xong, thì ngay sau đó, “bánh mì kẹp thịt” được áp dụng – BN mổ DV được “nhét” vào. Cụ thể là mổ cho BN V.T.P (từ 11 giờ 30 – 13 giờ); cùng ngày, các phòng mổ khác cũng được dùng mổ DV, như: mổ BN T.N (9 giờ 15 – 11 giờ 30); BN N.N.S (10 giờ – 11 giờ 20); BN L.S (13 giờ 5 – 14 giờ 5); BN T.V (14 giờ 15 – 14 giờ 35); BN H.H (14 giờ 10 – 15 giờ 30); BN N.V.M (13 giờ 50 – 16 giờ 40); BN T.Q.L (15 giờ 20 – 16 giờ 40); và còn rất nhiều ca bệnh mổ DV khác nữa ở phòng mổ D cũng làm trong giờ hành chính.
Giám đốc BV Trần Thanh Mỹ lý giải, số lượng bệnh mổ DV trong ngày nhiều là vì mổ DV chỉ dành cho các trường hợp mổ nhỏ, bệnh nhẹ. Nhưng, thực tế không hề đúng như thế, mà theo danh sách BN mổ DV chúng tôi có được cho thấy, hằng ngày có rất nhiều ca mổ DV là những ca mổ lớn, ca bệnh nặng. “Cũng cùng một phòng mổ, nhưng ngày mổ CT thì mổ ít ca, còn ngày mổ DV thì BS lại mổ đạt năng suất cao, mổ được nhiều ca bệnh hơn rất nhiều”, một người của BV này nói.
Hưởng tiền mổ cao chót vót
Lâu nay, các BV thường “than khổ” chính sách mức tiền trả cho một ca mổ của BS rất “bèo”, chỉ bằng “vá cái ruột xe”. Nhưng thực chất, trong nơi này, lúc khác đó chỉ là bề nổi, là giá tiền tính theo BHYT, mà trong đó nhà nước đã chi trả thêm bằng lương hằng tháng cho BS. Còn tảng băng chìm, mà người ngoài không hề biết được đó là, thu nhập của các BS phẫu thuật viên, nhất là những BS tận dụng cơ sở BV công làm DV triệt để là rất lớn.
Quay trở lại BV CTCH, mỗi tháng BS phẫu thuật viên thu nhập từ tiền mổ DV từ vài chục triệu đến hơn cả trăm triệu đồng. Theo bảng phân chia tiền mổ DV tại BV này, thì BS phẫu thuật viên hưởng từ 35 – 40% trên giá tiền của từng loại mổ DV. Trong khi đó, giá mổ DV ở đây bình quân từ 1,5 – 5,5 triệu đồng/BN, tính ra, mỗi ca mổ DV phẫu thuật viên sẽ hưởng từ 500.000 đến 2,2 triệu đồng. Một ngày có khi BS mổ 3 ca, 5 ca, 7 ca, thậm chí có ngày hơn 10 ca DV, như thế, số tiền nhận được lên đến cả chục triệu đồng/ngày là vậy.
Đó là chưa kể nhiều ca mổ DV được cộng vào những khoản tiền khó hiểu. Cụ thể, có những trường hợp mổ DV, tiền công mổ 5,5 triệu đồng, nhưng BS ghi trên phiếu mổ cộng vào thêm phẫu thuật loại III (nghĩa là cộng thêm 3 triệu đồng nữa), thành ra người bệnh phải trả đến 8,5 triệu đồng. Theo nhân viên của BV, khoản tiền cộng thêm này không có trong quy định nào cả, mà tùy từng phẫu thuật viên cho cộng vào (?!).
Việc phân chia tiền mổ DV được BV CTCH áp dụng thế nào? Ví dụ cụ thể, một ca mổ DV nếu tiền công mổ 5,5 triệu đồng thì sẽ được chia như sau: BS phẫu thuật được 2,2 triệu đồng; BS gây mê 500.000 đồng; ê kíp phòng mổ + hồi sức 760.000 đồng; khoa có BN nằm điều trị 120.000 đồng, và chi cho các khoản khác… Với BS gây mê hồi sức, mặc dù thu nhập từ tiền mổ DV hằng tuần, hằng tháng có thấp hơn so với BS phẫu thuật viên, nhưng con số cũng không hề nhỏ chút nào. Chúng tôi lấy ví dụ trong một tuần gần cuối tháng 9.2011 (6 ngày), 12 BS gây mê hồi sức tham gia 372 ca phẫu thuật, với số tiền DV được hưởng là 144 triệu đồng, tính ra trong 6 ngày, mỗi BS gây mê hưởng tiền mổ DV là 12 triệu đồng, bình quân 2 triệu đồng/ngày (!). Chính vì vậy, có dư luận từ nội bộ BV này rằng, ai kéo được bệnh, giới thiệu để BS mổ DV thì sẽ được chia 10% trên số tiền phẫu thuật mà BS nhận được (?!).
Không thể phủ nhận mức ngân sách đầu tư cho hoạt động BV công hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động chuyên môn và quản lý của đội ngũ y, BS; chính sách đãi ngộ thầy thuốc còn quá bất cập cần được điều chỉnh kịp thời, nhất là trong tình trạng BV quá tải triền miên. Song, dù vậy cũng không thể vin vào lý do “tự cứu” để làm biến tướng DV y tế, làm mất đi ý nghĩa của y đức và chức năng nghề nghiệp.
Không mổ DV thì cứ… chờSáng 6.2, khi chúng tôi đến trước phòng mổ của BV CTCH đã thấy rất đông người nhà ngồi đợi các BN. Bà N.T.Đ (55 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) tâm sự: “Đây là lần thứ 3 con trai tôi phải đến BV này mổ vì tai nạn giao thông. Người ta khuyên mổ DV nhanh, không phải nằm chờ nên tôi ráng xoay tiền lo cho nó. Hai lần mổ nối gân chân và sắp lại xương rồi, chi phí đi lại, ăn ở cũng tốn hơn 20 triệu đồng. Tưởng đã xong, nào ngờ còn sót lại một ngón tay bị gãy. Lần này họ cũng gợi ý mổ DV nhưng tôi lo tiền không nổi. Vậy là họ cứ hẹn hết lần này đến lần khác. Chờ gần 20 ngày rồi mới được kêu đi mổ đó”.
Chị Bé (23 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang) ngồi đợi dượng mổ chân cũng kể: “Lúc làm hồ sơ họ bảo mổ gì gì đó tiện lợi, nhanh chóng chúng tôi có hiểu đâu, nhưng thấy chi phí gần 5 triệu đồng cao quá nên không đồng ý. Sau đó họ bảo chờ đến lượt, gần hai tuần sau dượng mới được kêu đi mổ”. (Hà Minh) |
Thanh Tùng
Nguồn: Báo Thanh Niên Online