Chuyện Y học trong Kiều – Phần 2

B= Một vài nghi vấn y học trong Kiều
1. Thuốc mê của Khuyển Ưng
Trước hết là vấn đề thuốc mê gì được dùng đã khiến nàng Kiều mê man trong mười mấy ngày liền khi Khuyển Ưng bắt cóc nàng từ Lâm Truy đem về Vô tích. Trong câu 1645, Nguyễn Du nói:
Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biét gì.
Kỳ thực, theo nguyên bản củaThanh Tâm tài tử, hai tên Khuyển Ưng đã bôi vào miệng một thứ thuốc độc khiến nàng ngây không nói năng được. Rồi chúng đỡ lên ngựa chạy miết 150 dặm dường rồi vực xuống thuyền ra cửa biển. Vì bị trúng thuốc độc, cho nên hai mắt trợn trừng mà không nói năng gì được, nhưng chúng biết nàng có tánh tiết liệt, nên không dám cho uống thuốc giải độc, cứ để nàng mê man bất tỉnh, rồi cho thuyền vượt ra bể. Chỉ sau mấy hôm đã về đến cửa Thái thương lại sang thuyền khác về huyện Vô Tích, đưa thẳng vào phủ họ Hoạn.

y-hoc1
Thuốc mê gì đã dùng cho Kiều đã làm cho nàng nằm mơ màng suốt thời gian dài như vậy? Trong những truyện kiếm hiệp Trung hoa, chúng ta đôi khi thấy nói đến ở trong những hắc điếùm thường dùng những loại mê dược hay những thứ mê hồn hương. Vừa rồi, tôi xem TV thấy nói đến những điều bí mật chưa ai giải thích như hiện tượng Zombie do những phù thủy Vaudoo ở đảoHaiti khiến những nạn nhân chết đi rồi đem chôn, một thời gian sau thì được đào lên cho sống lại. Một học giả Mỹ nghi rằng giới phù thủy đã dùng gan mật của con cá nóc gai ngoài biển, loại cá này ở Nhật bản vài người vẫn ăn cho là ngon lắm, nhưng phải làm thịt cẩn thận, tuy nhiên cũng có nhiều truòng hợp trúng độc chết. Dr Sallet trong Tập san Đô Thành hiếu cổ ( Bulletin des Amis du Vieux Huê) số năm có viết trong bài Thuốc Mê nhắc đến loài rắn đẻn. Trong truyện Kiều, hai tên Khuyển Ưng là dân côn đồ sống trên mặt biển, biết đâu chúng đã biết dùng những thuốc độc gốc hải sản tương tự. Ngoài ra, trong kho dược liệu Trung Y, cũng thấy nói đến những mê-túy dược vượt qua tầm khả năng khảo sát nghiên cứu của chúng ta. Vậy tôi xin để tồn nghi

2 – Hỏa thiêu cái thây vô chủ
Một vấn đề khác tạm gọi là Luật Y và Tội phạm học được nêu lên liên quan đến sự kiện Khuyển Ưng dùng một thây ma vô chủ đem quăng vào đám lửa để ngụy tạo làm thi thể của Thúy Kiều:
Sẵn thây vô chủ bên sông,
Đem vào để đó lộn sòng ai hay?
Vấn đề này được thi hành một cách tuyệt hảo nên không ai khám phá ra. Khuyển Ưng lột áo xác chết đổi cho Thúy Kiều giả làm đàn ông,rồi chúng chụp một cái mũ và quàng một áo vải xanh lên mình nàng rồi đỡ lên ngựa chạy ra cửa. Còn thây ma thì chúng tẩm dầu thông mà quăng trong đám nhà cháy, khiến người ta về sau :”
Trong tro thấy một đống xương cháy tàn,
Ngay tình ai biết mưu gian,
Hẳn nàng thôi lại, còn bàn rằng ai?
Vào thời xưa, ở Trung Hoa và Việt Nam, nhà cầm quyền đã có những phương pháp điều tra thực giả khi khám xét nhữngtử thi như chúng ta xem trong phim về chuyện Bao Công tra án. Tôi nhớ hình như bác sĩ Dương Bá Bành có trình luận án y khoa tiến sĩ về phương diện luật y gọi là Tẩy Oan Lục ( Tài liệu ghi chép về phương pháp làm sáng tỏ để rửa nhữngđiều oan ức). Với phương pháp xưa, trước một thây ma còn tương đối nguyên vẹn hình hài hay chưa cháy hết thì quan tra án có thể biết được thây ma ấy chết trôi hay chết cháy qua sự rạch buồng phổi khám nghiệm coi xem sũng nước hay đen sạm vì khói, về coi xem đàn bà hay đàn ông thì coi xương chậu thì biết được phần nào. Trong Kiều thì đống xương hoàn toàn cháy tàn nên khó mà biết mưu gian
3- Ngụy tạo sự thanh tân của gái trinh
Một vấn đề luật y khác trong Kiều là sự ngụy tạo màng trinh ( xử nữ mạc) của phái nữ qua câu của Mã Giám sinh:
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên
Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?
Có điều lạ là tôi dò kỹ trong cuốn Kim Vân Kiều bằng Hán văn của Thanh tâm Tài Nhân lại không có câu nào đả động thật rõ. Bản dịch Việt ngữ của Tô Nam Nguyễn dình Diệm như sau:
Âu là ta hãy… rồi khi về đến hàng viện, ta lại mượn màu trang điểm, thì nó cũng vẫn hoàn nguyên.
Thành ra, đây là bằng chứng rằng Nguyễn Du là một người lịch lãm chuyện đời! Nhà thơ Việt Nam rõ ràng đã dựa vào kiến văn của mình mà nói thêm về mánh khóe ngụy tạo này từ cuốn sách nói về xóm Bình Khang. Biết đâu cụ Chánh sứ đã lén mua nó khi đi sang sứ bên Trung Hoa và nhét kỹ vào hành trang khi trở về nước . Bản Kiều của Kiều Oánh Mậu chú rõ như sau: “Trong chốn thanh lâu, sau khi tiếp khách xong thì dùng vỏ lựu đem sắc lấy nước rồi lấy máu trích ở mào gà ( là cốt lấy màu đỏ) đem mà rửa, giả làm gái tân. Điều đó thấy chép ở sách Bắc lý chí ”. (2)
[ Chú thích số 2: Bắc lý chí là sách gì vậy?
Tôi đã tìm thấy cuốn này ở thư viện Oriental Gest Library ở trường Đại học Princeton ở New Jersey. Tôi lại thấy sách này được R.H. Van Gulik nhắc rắt kỹ trong cuốn biên khảo Sexual Life in Ancient China: Bắc lý chí , như tên gọi là cuốn sách ký sự về xóm yên hoa ở thôn làng phía bắc ( Bắc Lý – Pei-li) của kinh dô Tràng An đời Đường ( 618 – 907 A.D.) còn gọi là Bình Khang lý (P’ing –k’ang –li) [sau này ở Sài gòn, nhóm Bình Xuyên đã dùng lại tên này]. Cuốn Bắc lý chí ( Pei-li-chih ) đuợc viết bởi Tôn Khải văn sĩ đời Đường đã tả kỹ về cái xã hội ăn chơi (demi-monde ) của những thư sinh lên Tràng An dự thí, thi rớt bất đắc chí ở lại miệt mài ăn chơi. Những gái làng chơi ở đây đi mạt hạng không biết chữ lên đến những kỹ nữ thượng lưu giỏi về đàn hát, vũ điệu, lại có người nổi danh thi phú hay như Từ Nguyệt Anh, Tiết Đào. Những mụ Tú bà ở đây được gọi là “giả mẫu” hay “bảo mẫu”, rất khắc nghiệt dạy những gái chơi nhiều tài nghệ phục vụ khách hàng dưới những làn roi tàn nhẫn. ]
Tra cứu về nước vỏ lựu và máu mào gà, tôi thấy trái cây thạch lựu ( Punica granatum) có vỏ gọi là Thạch lựu bì chứa nhiều tannin nên có tính thu liễm, kháng khuẩn, trị kiết lị; dân gian Trung hoa dùng để trị tiêu chảy, và bịnh sa hậu môn và chứng són đái. Nước vỏ lựu với tính thu liễm đã cầm máu và đặc biệt làm co rút âm đạo. Còn máu mồng gà ( Kê quan huyết), theo Bản thảo cang mục, có nhiều ứng dụng trong đó có sự trị đau vùng sinh thực khí và dùng dắp vào âm đạo khi bị rách vì bị hiếp dâm.(Blood from the comb: taken for painful genitalia, applied to lacerations of the vagina due to rape… Chinese Materia Medica by Bernard E. Read). Xem như vậy nước vỏ lựu phối hợp với máu mào gà từng là một phương pháp trị liệu hơn là một hình thức ngụy tạo sự thanh tân cũa người con gái!
Xin nói thêm: Nước sắc Hoa mồng gà (Quan kê hoa_ Celosia argentea Linn) cũng là một chất thu liễm và cầm máu dùng cho các gái trinh sau khi thành thân lần đầu ( curing continued bleeding as after-effect of a virgin’s first copulation and pain after defloration) Thư tịch Trung quốc rất phong phú với hàng chục trước tác về tính dục học tạm gọi là những dâm điển, dâm kinh qua nhiều triều đại, đọc lại rất thú vị về phương diện lịch sử và văn hóa cho chúng ta. Nhưng giá trị của những trước tác này trên phương diện thuần túy khoa học hiện đại vẫn là một diều cần khảo sát thực nghiệm lại, ví dụ trong cuốn Động Huyền tử chứa những phương dược sau: bên cạnh những thuốc trị những dau dớn sau khi màng trinh bị thủng còn có những thuốc làm lớn dương vật, thuốc làm hẹp âm đạo; lại có những phương thuốc nghe như huyền thoại bảo dảm biến một người dàn ông bình thường thành một hoạn quan bằng cách dùng mỡ hươu vì sách thuốc xác nhận rằng mỡ hươu ảnh hưởng mạnh đến sự cường tráng tính dục nên đàn ông chớ lại gần! ( trang 154 – Sexual life in Ancient China – Van Gulik).
4- Sự chết đứng của Từ Hải
Đọc Kiều ai cũng lấy làm lạ về hiện tượng chết đặc biệt này.
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữ vòng.
Trơ như đá vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
Theo y khoa, đối với người sống, người ta đôi lúc ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân đứng sững như một tượng sáp gọi là hiện tượng giản quyết (catalepsis). Dorland’s Illustrated Medical Dictionary giải thích về Catalepsis như sau: “A condition characterized by a waxy rigidity ( flexibilitas cerea) of the muscles so that the patient tends to remain in any position in which he is placed; it occurs in organic and psychological disorders and under hypnosis”
Truyện Tàu nhiều sách nói đến những tráng sĩ dũng mãnh và tính nóng như lửa thuộc vào loại người “nộ khí xung thiên”, tóc râu dựng ngược lên khi nóng giận đến nỗi mão đội đầu phải rớt ra. Từ Hải chính là loại người này qua lời thơ tả:
Từ công nghe nói thủy chung,
Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang
Về phân loại về tính khí (humeur) thì Từ Hải thuộc “type sanguin”như Trương Phi, nóng giận mặt đỏ bừng và la hét đến nỗi nóc nhà văng cả ngói. Loại này dễ chết vì tai biến não mạch hay não bộ trúng phong ( cerebral apoplexy). Thành ra chuyện bị cơn giản quyết (catalepsis) làm cứng người vì uất hận tối đa rất có thể xảy ra cho Từ Hải khi bị vây hãm bất thình lình thành ra vô cùng tuyệt vọng. Từ Hải đã cứng người trước khi bị hằng trăm mũi tên ghim bắn vào làm cho chết hẳn chăng? Tôi xin thỉnh ý các ý kiến cao minh về giả thuyết này.
C- Những khía cạnh về y học trong xóm Bình Khang
1) Mạng lưới buôn người vào đời Minh
Truyện Kiều xảy vào đời nhà Minh, xuyên qua truyện này chúng ta thấy rằng mạng lưới mua con gái đem vào chốn lầu xanh dăng bủa khắp nơi như tên Mã Giám sinh di mua Kiều: Dạo tìm khắp chợ thì quê, Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi! khiến cho nàng phải lưu lạc từ Bắc Kinh qua Lâm Truy rồi xuống Vô tích ở vùng GiangNam. Giang Nam nói chung là phần đất đai nằm ở phía nam sông Tràng giang Dương tử từ nhiều triều đại đã nổi danh là trù phú thịnh vượng nhất là từ thời Nam Tống. Giang Nam là nơi thu hút những đế vương tìm xuống để du hí hành lạc , ví dụ như chuyện Càn Long du Giang Nam. Đại Vận Hà chính à con đuòng thủy đạo nối liền hai miền bắc và nam Trung Hoa, rất tiện cho sự thông thương. Từ thế kỷ 15, 16, Giang Nam lại thêm trù phú với sự tăng cường hoạt động của các hải cảng dọc duyên hải miền Nam, nền ngoại thương về các hàng hóa tơ lụa và những vật liệu khác được trao đổi rất nhộn nhịp ở đây.với . Sự buôn lậu cũng hoành hành ở đây cũng như nạn hải khấu cũng phát sinh, do đó mới có sự nổi dậy của Từ Hải. Cũng từ đó, mới có sự gặp gỡ giữa tướng cướp này với Thúy Kiều tại nhà điếm ở Châu Thai vùng Triết giang.
2) Những xóm Bình Khang vùng Giang Nam
Nam Kinh là kinh dô nhà Minh ở Giang Nam là một thành phố nổi danh có nhiều ổ điếm, nhất là ở bến Tần Hoài trên Đại Vận hà với những chiếc thuyền sơn sặc sỡ, kết hoa treo đèn gọi là Hoa phường, trên đó người ta ăn chơi hành lạc thâu đêm. Có nhiều cây bút ghi chép lại những việc xảy ra trong chốn thanh lâu vào triều Minh ở Nam kinh, Tô châu, Dương châu như Bản Kiều tạp ký của Dư Hoài, Tần Hoài sĩ nữ biểu của Tào Đại Chương v.v… Qua những tạp ký trên, người ta thấy những xóm bình khang đã ảnh hưởng mạnh về văn hóa vùng Giang Nam vì đây là nơi lai vãng chơi bời của giới học giả, văn thi và nghệ sĩ khiến cho vùng này nổi tiếng lịch lãm về sắc đẹp và tài nghệ của những kỹ nữ, nhiều khúc hát cũng như bản tấu khúc đã được sáng tác ở đây và còn lưu truyền đến thời nay. Thúy Kiều chính là một trong những mẫu người tài sắc trong đám kỹ nữ Giang Nam vậy. Tuy nhiên, cuộc đời hoa phấn trong rượu ngon và hát ngọt cũng có những khía cạnh đen tối của nó.
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình sót xa!
Nghề kỹ nữ là một nghề phải chiều chuộng và chung đụng thân xác với biết bao người mà mình không thích, nếu từ chối tránh sao cho khỏi roi vọt của Tú bà:
….
Hoa tươi bảo chắp cành khô
Mỹ nhân sánh với côn đồ cũng ưng.
Gặp thối miệng vổ răng khôn tránh,
Lở ghẻ hay bệnh tật chẳng nề.
Hễ mà hơi tỏ ý chê,
Ra tay đánh mắng tức thì chẳng sai.
Sống làm vợ muôn người chưa đủ,
Thác đi mồ vô chủ ai hay
( Bài” Khóc trời”, thơ của Tô Nam dịch bài “Khốc Hoàng thiên” trong nguyên tác)
3) Vành ngoài bẩy chữ vành trong tám nghề là gì?
Vấn đề huấn luyện để chiều chuộng khách trong giới bình khang là một chuyện ly kỳ do nhiều kinh nghiệm tích lũy nhiều đời của những Tú bà lão luyện truyền lại [ về sau được gom lại thành một bí kíp như cuốn Thượng hải phụ nữ nghiệp kính đài nằm trong bộ sưu tập Trung Hoa Đồ thư ký thành biên tập sách (1918)]. Tôi xin nói kỹ trong một bài sau. Một kỹ nữ muốn thành công phải hội đủ về 1) Sắc : Đẹp tự nhiên thì hiếm nên phải dựa vào cái đẹp nhân tạo như dung dáng, bộ tịch, lời ăn tiếng nói
2)Nghệ: Mánh lới cầm giữ khách
3) Tình: chơi đòn tâm lý giả thực nan phân về tình cảm với khách
4) Biến thái: Biết linh động biến hóa khôn lường để lừa bịp khách không thương tiếc.
Cũng nên nhắc đến một kỹ nữ danh tiếng cận đại Kang SuZhen ( Khang Tú chân ?) đã viết hồi ký đời mình qua cuốn Ngã đích Kỹ nữ Sinh hoạt ( Đởi kỹ nữ của tôi) và cuốn Thanh lâu hận phô bày những khía cạnh bi thảm của đời mình. Nàng đã tố cáo những tú bà đã cho những gái của mình uống thuốc để tuyệt đường sanh sản để càm chân họ tkhông thoát khỏi nghiệp gái giang hồ, khỏi toan tính chuyện hoàn lương , lấy chồng và sinh con đẻ cái nữa .
4)Hệ luy về y khoa trong đời những kỹ nữ
Những hệ lụy của cuộc đời kỹ nữ là ngoài sự bạc đãi của những Tú Bà là sự rủi mang thai và những bịnh phong tình.
a. Hệ lụy mang thai
Thai nghén là một tai nạn nghề nghiệp mà những kỹ nữ rất quan tâm cố tránh. Vào đời Minh, đàn ông đã dùng những bao bọc dương vật để ngừa thai gọi là âm giáp (yin chia) theo Van Gulik nhưng không mô tả hình thức và chất liệu ra sao . Trong chốn thanh lâu, như ta thấy, kỹ nữ thường dùng những toa thuốc hành huyết như Tú bà đã cho Thúy Kiều uống để điều hòa kinh nguyệt (emmenagogic).
Theo sách Tàu những thứ này dùng mạnh cho phụ nữ có thai sẽ trở thành xảo thai ( abortifacient), nhưng thực tế ra sao không thấy thư tịch y khoa nào xác nhận. Kinh nghiệm dân gian đôi lúc lại nói đến một vài thứ cây quen thuộc như rau răm ( Polygonum odoratum), hột Mãng cầu ( Annona squamosa), hột đu dủ (Carica papaya), lá và trái Bồ quân ( Flacourtia cataphracha)… mà những phụ nữ có thai cấm dùng.
Tuy nhiên, Trung Hoa lục địa có lẽ là quốc gia duy nhất hiện nay đang muốn nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm cổ truyền dùng thảo mộc trong chương trình kế hoạch sinh sản trên bình diện dại qui mô cho cả nước. Trong cuốn Xích cước Y-sinh Thủ sách của Ủy ban Y tế cách mạng tỉnh Hồ Nam ( bản dịch Anh ngữ là A Barefoot Doctor’s Manual – Cloudburst Press of America Inc. 1977) có chỉ dẫn cho những thầy thuốc nông thôn (đi chân đất) vài toa thuốc dùng trong kế hoạch sanh sản nhưng chỉ dùng làm phương tiện phụ trợ thứ yếu sau thuốc viên, vòng xoắn… vì kết quả và công hiệu hạn chế đến một mức nào thôi ( effective to a certain extent!). Trong sách có dề ra nhiều toa ngừa thai như dùng các thứ cây sau: mã-vĩ tùng (Pinus Massoniana), tánh huyết liên (Coniogramme japonica), bát giác liên ( Dysosma auranticcaulis), thất diệp nhất chi hoa ( Paris polyphylle), trái Tông thụ ( Trachycarpus excelsa) … công dụng ngừa thai đến một năm(?); lại có vài toa uống để tuyệt sản (?)với các cây như Tông thụ (nói trên), Mãn thiên tinh ( Hydrocotyle rotundifolia), kim oạt nhĩ ( Carpesium divaricatum), .Tôi chưa kiếm ra thư tịch y khoa về sự lượng giá những thảo mộc trên về lâm sàng và thí nghiệm trên loài vật… Có lẽ vì vậy mà cuốn thủ sách y-sinh trên vẫn chủ trương dùng những phương pháp hiện đại như thuốc viên, vòng xoắn làm phương tiện chính yếu! (3)
[ Chú thích số 3: Về những khảo sát thí nghiệm hiện đại, một vài thứ đã gây chú ý đặc biệt như cây Dâm bụt hay Bông bụp ( Hibiscus rosa sinensis Linn.) được Pételot và nhiều tác giả ghi nhận về công hiệu điều kinh: ở Nam Dương, dâm bụt tăng cường với hột đu đủ ghi nhận làm trụy thai ( Burkill), Thí nghiệm của Kholkute và Udupa ( 1976) dùng trích ly của hoa dâm bụt trên các chuột bạch cái có thai từ 1 đến 10 ngày chứng minh dâm bụt đã ức chế sự đậu trứng ( nidation) hay chống lại sự bám trứng vào thành tử cung ( anti-implantation). Kholkute (1977) lại thí nghiệm dâm bụt trên chuột bạch đực chứng minh dâm bụt có tính chống nhất thời trên sự sản xuất tinh khí ( anti- spermatogenic effect). Ngoài ra còn có những thí nghiệm có kết quả đáng tin với hoạt lực chống sinh sản của những cây sầu đâu ( Azadirachta indica), cam thảo dây (Abrus precatorius), cây đuôi công trắng ( Plumbago zeylanica).]
b. Hệ lụy bệnh Phong tình
Bệnh phong tình trong ngôn ngữ Pháp là cú đá của thần Ái tình còn tiếngTrung Hoa gọi là “Phong Lưu bệnh” vì phần lớn là bệnh của những người phong lưu lăn lóc vào chơi trong chốn nguyệt hoa gồm những chứng lậu mủ, hạ cam và dương mai.
Về bịnh phong tình trong xóm bình khang, R.H. Van Gulik trong cuốn Sexual life in Ancient China viết trong chương Triều đại Minh như sau: Trong những thời đại trước, sự chung chạ tính giao với những kỹ nữ và gái điếm không bị rủi ro mắc phải chứng bệnh phong tình. Như đã nói ở chương VII trước, vài thể bệnh lậu mủ đã có thể xảy vào những thời xưa. Nhưng cho đến những năm cuối triều đại Minh, sự truyền nhiễm các chứng này không gây ra một tỷ số làm hoảng hốt. Những cơ hội nhiễm trùng bị giảm thiểu vì thói quen sạch sẽ mà dân Tầu thường có trong sự tính giao. Đọc những tiểu thuyết dâm tình đời Minh, ta thấy đàn ông và đàn bà quen rửa bô phận kín truóc và sau khi giao cấu, nhiều chất nhờn làm cho trơn ( lubricants) như chất thạch agar- agar ( su soa rau câu) bôi lên những vết thương nhỏ hay trầy da trên bộ phận kín đã ngừa nhiễm trùng. Đàn ông tùy lúc thường dùng một bọc phủ đầu bô phận của mình, gọi là âm giáp nói là để ngừa thai hơn là vì lý do vệ sinh. Tuy nhiên, vào khoảng đầu thế kỷ 16, một trận dịch giang mai đã phủ một màn đen trên cuộc sống vô tư lự này.
Sự khởi đầu và lan tràn của chứng binhphong tình đáng sợ này có thể lưu dấu trong một số sách y khoa đương thời. Lương y Du Biên trong phần tục biên của cuốn truóc tác Y thuyết ( in năm 1545 đã bàn luận về đặc tính trị liệu của cây sarsaparilla và nhận xét rằng: “ Vào những năm cuối đời Hoằng trị ( 1488 – 1505), dân gian bị tàn phá vì chứng binh ngoài da ác liệt khởi phát từ vùng Quảng Đông. Vì người dâncủa trung nguyên Trung Quốc không quen với bịnh nàynên gọi nó là Quảng sang hay cũng gọi là Dương Mai sang vì những chỗ lở hình dáng giống hoa dương mai.” Lương y nay đã tả chính xác những vết lở dương mai và những triệu chứng đi kèn và thêm rằng cây Sarsaparilla và thủy ngân trị liệu mau chóng cho các bệnh nhân. Những nhận xét của ông được xác nhận trong những truóc tác y khoa khác đương thời, một số còn thêm những truòng hợp lâm sàng đủ chi tiết.
Một trện dịch thứ hai xảy vào năm 1630 và được miêu tả chi tiết trong sách Mai sang bí lục do lương y Trần Tự Thành in vào năm 1632. Tất cả những nguồn thư tịch này gọi chứng bị là Quảng sang hay Dương mai sang.[ Theo Van Gulik, chữ Mai viết là hoa mai, nhưng cũng có sách viết là Môi là loại nấm. Hiện nay danh từ Mai độc hay Môi độc vẫn còn dùng ở Tầu và Nhật bản ( bai-doku)] Nhân chữ Quảng Sang, tôi xin nói về nguồn gốc của bệnh dương mai trên toàn thế giới. Các học giả một thời đã bàn cãi về chuyện dương mai nguyên từ trước chỉ phát khơiû và giới hạn ở vùng Hispaniola hay đảo Haiti, nhưng nhà thám hiểm Christopher Columbus đem đoàn thủy thủ khởi hành từ Seville vào tháng 8 năm 1492 qua Tân Thế giới (Mỹ châu) lần thứ hai ghé đảo Haiti rồi trở về Tây ban nha vào tháng ba năm 1493. Chính đám thủy thủ này đã đem dương mai mà truyền khắp Âu châu, rồi sau đó truyền khắp thế giới trong đó có Trung Hoa với hải cảng Quảng Đông, nên do đó mới có tên Quảng sang! Nhưng một số học giả khác tin ngược là dương mai đã hiện diện ở Cựu Thế giới từ xa xưa rồi. Thành ra về bàn luận về nguồn gốc bện dương mai có hai thuyết phái: phái hậu- Columbus và phái tiền- Columbus.
Dựa vào tờ hôn thư viết vào ngày 15 tháng 4 năm Gia tĩnh thứ 11 ( tương đương năm 1533 dương lịch) khi Thúy Kiều bán mình để làm tiểu thiếp của Mã Giám sinh, thì ta thấy nàng đã bắt đầu hành nghề kỹ nữ trong thời gian mà bệnh hoa liễu có thể mới sơ phát ở Trung Quốc vài thập niên truớc cuốn Y thuyết của Du Biên vào năm 1545. Thúy Kiều là kỹ nữ hạng thương lưu kén khách trong đám vương tôn công tử và biết cẩn thận giữ vệ sinh dùng thuốc rửa nên không bị nhiều rủi ro bị bệnh như nhóm những gái mãi dâm ( gọi là Phiêu) của xóm bình khang hạng bét như hồi ký của Gaspar da Cruz người Bồ đào nha đến Quảng đông năm 1556. [ Dựa vào những tiểu thuyết dâm tình của vài văn thi sĩ Tầu vào cuối đời Minh, một điều đáng để ý là tuy có tả nhiều chi tiết kỹ và rẻ tiền về sự tính giao, nhưng lại không nói đến những thác loạn bệnh lý như chứng cuồng dâm hay khổ dâm như dùng roi quất và chứng đồng tính luyến ái ]
Nói thêm về sự vệ sinh và trị bệnh phụ khoa, một toa thuốc cổ truyền (herbal washes)cho phụ nữ bơm trong rửa ngoài âm đạo gồm xà sàng tử, hoàng bá, khổ luyện tử, câu kỷ tử sắc lên pha với hàn the ( bạch phàn hay minh phàn _ aluminium potassium sulfate). Còn thuốc mỡ thoa thì pha dầu mè đen, đương qui, tử thảo với sáp ong vàng và mỡ heo để thoa trên những vết trầy hay thương tích, ngứa mẩn.
Trung hoa đã dùng thủy ngân sống và muối thủy ngân như Calomel (Mercurous chloride) gọi là Thủy ngân phấn hay Khinh Phấn để trị hoa liễu. Tuy nhiên những thứ này rất độc mà chỉ có hiệu quả chận đứng nhẹ vì không diệt nổi Spirochaeta pallida và còn gây nhiều vết da mẩn nên bị thay thế bằng những thuốc có muối thạch tín ( Arsenic trioxide) _ Arsenic được người Tàu gọi là Thạch Tín vì phần lớn đá này nguyên được khai thác ở tỉnh Tín châu ( Trung quốc). Theo sách Belles de Shanghai – Prostitution et sexualité en Chine aux Dix-neuvième et Vingtième siècles _ Christian Henriot , 1997, hai thứ thuốc dùng thạch tín như “606” ( six-cent- six)và “914” (neuf-cent- quatorze) còn được dùng đến mãi năm 1945 khi mới áp dụng thuốc trụ sinh.
Về cây Sarsaparilla dùng trị hoa liễu, thì tôi tra cứu những sách y dược Trung Hoa không thấy nói đến, nhưng Tổng hợp Anh Hán Đại Từ điển chú âm tên này là “Tán nhĩ sa” _ đọc là Xan –ơ- xa) dùng để trị liệu thấp khớp do bệnh Mai- độc; tự điển Larousse chú là cây này gốc ở Mễ và Á Châu. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ nói người Pháp nhập cây này vào Việt Nam làm nước giải khát quen gọi là nước Xá xị ( Mỹ là root beer)!
Còn bệnh lậu mủ, trước khi dùng trụ sinh, tôi thấy trong cuốn Chinese Herbs của John D. Keys có sưu tầm một toa Trung y gồm những thứ sau : Ích mẫu hoa, Cỏ tranh, Sậy, Tim bấc, Mã đề, Thạch tùng, Bồ công anh, Quắc Mạch, Địa vị tử, Khổ sâm sắc lên uống, Hiệu quả ra sao thì không rõ, nhưng tôi kể ra làm tài liệu của y học Trung Hoa đã quan tâm điều trị bệnh này.
Qua cuốn Belles de Shanghai ( Những kiều nữ đất Thượng hải) của Christian Henriot về nạn mãi dâm tại Trung quốc vào hai thếkỷ XIX và XX, ta thấy rằng sự diều trị bệnh phong tình đã phần lớn chuyển qua thuốc Tây y với các thuốc dùng Arsenic và Bismuth trước thời đai cùng kháng sinh và trụ sinh. và nạn mãi dâm ở Trung quốc lục dịa vẫn tồn tại ngay dù sau năm 1949 một cách lén lút..

KẾT LUẬN
Chuyện y khoa trong Kiều là một đề tài táo bạo tôi mạo muội nêu ra dựa vào sự sưu tầm những tư liệu và những trước tác Trung Y. Tôi kỳ vọng rằng chúng soi rọi rất nhiều trong sự tìm hiểu những hệ lụy về nỗi đau đớn và bệnh tật trên thể xác của nhân vật Thúy Kiều.
Câu của Terence nói : Homo sum: humani nil a me alienum puto có nghĩa là “Tôi là người, cái gì liên quan đến người thì không xa lạ với tôi” câu này nào có khác gì lời thơ của Nguyễn Du “Thịt da ai cũng là người”! Do đó, cái đau khổ của một nguòi sống trước chúng ta hằng trăm năm dù thời thế có đổi thay, trình độ khoa học kỹ thuật có biến chuyển thì cái đau, cái khổ nào có khác gì cái đau mà chúng ta ngày nay đang có !
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Những giòng lệ thương cảm của người đời sau không thể nào ứa ra khi chúng ta không có cùng một tần số tơ lòng với cổ nhân cọng với một sự tìm hiểu sâu xa.
Mục đích của y khoa là gìn giữ sức khỏe và chữa lành những bệnh (Littré). Nhưng đối với cái khổ đau và hệ lụy của kiếp người thì y khoa nào có giúp gì đâu, nhất lại là những điều khổ lụy lại do chính đồng loại của người gây ra như nhận định của Plaute (Homo homini lupus) mà Bacon và Hobbes nhắc lại : Người là lang thú đối với người! Ngày nào mà tình trạng này còn tồn tại thì ngày ấy những tiếng khóc đứt ruột mới mẻ còn văng vẳng vang lên. Và truyện Kiều đọc lên vẫn thấy hay và thấm thía đối với chúng ta!

LÊ VĂN LÂN (Nguồn: Ngô Đồng – dactrung.net)