Thỏa hiệp với gian dối

Câu chuyện mới đây về những học sinh lớp 7 ở Quảng Trị không viết nổi tên mình, chỉ làm được những phép tính cộng trừ đơn giản khiến tôi ngỡ ngàng. Làm thế nào mà những học sinh như vậy vẫn lên lớp đều đều?

Theo tôi đây là hậu quả của bệnh thành tích và sự thiếu minh bạch của nền giáo dục. Ở nước ta, tình trạng “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến, xảy ra cả ở những bậc học cao hơn. Rất nhiều cử nhân, thạc sĩ thậm chí tiến sĩ cũng “ngồi nhầm lớp” tương tự các em học sinh ở Quảng Trị. Bởi sau khi tốt nghiệp, họ không có kiến thức cũng như những kỹ năng tương ứng với bằng cấp của mình. Có nhiều trường hợp, gần như tất cả những gì người ta thu được khi hoàn thành bậc học chỉ là một tấm bằng. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy?

hoc_sinh_WUFJ

Câu trả lời rất đơn giản. Đấy là do sự dễ dãi, thậm chí là cả tiêu cực trong việc đánh giá kết quả học tập. Nếu quá trình khảo thí diễn ra nghiêm túc và thực chất, chắc chắn không xảy ra câu chuyện thật mà như bịa ấy. Chúng ta đang cố gắng đổi mới giáo dục. Nhưng dường như việc đổi mới chỉ mới chú trọng đến cải cách chương trình học và tuyển sinh đầu vào. Theo quan điểm của tôi, việc đánh giá quá trình, đánh giá kết quả đầu ra có giá trị quan trọng không kém hai yếu tố chương trình học và đầu vào (nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn).

Nghiêm túc và minh bạch trong thi cử và đánh giá chính là yếu tố mang tính sống còn để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nếu chúng ta vẫn buông lỏng đầu ra, vẫn để xảy ra hiện tượng “ngồi nhầm lớp” thì mọi sự cải cách chắc chắn đều là vô nghĩa. Bởi khi ấy học sinh, học viên chẳng cần học nhưng vẫn có thể bằng cách nào đó (không loại trừ khả năng gian lận và tiêu cực) để đạt được tấm bằng, thậm chí là bằng đẹp.

Trong cùng khoảng thời gian xảy ra chuyện “ngồi nhầm lớp” ở Quảng Trị, ở Australia cũng có một scandal liên quan đến giáo dục.

Cách đây vài tháng nhà chức trách Australia phát hiện ra một công ty có tên MyMaster chuyên cung cấp dịch vụ viết luận văn và làm bài thi trực tuyến cho các sinh viên đang theo học tại nước này. Và tuần trước, các trường đại học của Australia đã công bố kết quả điều tra xử lý của mình. Trong đó News South Wales là trường duy nhất không quyết định đuổi học sinh viên, nặng nhất là bị đình chỉ học 18 tháng. Còn các trường khác đều có sinh viên bị đuổi. Ngay cả Đại học Sydney, nơi đã đào tạo ra 6 trong số 28 thủ tướng của Australia (bao gồm đương kim Thủ tướng Tony Abbott) cũng không bưng bít vụ việc. 15 sinh viên của trường này bị phát hiện gian lận còn 60 trường hợp khác vẫn đang bị điều tra. Các trường của Australia còn tuyên bố rằng ngay cả những người đã tốt nghiệp cũng có thể bị tước bằng nếu bị phát hiện gian lận.

Có thể thấy nền giáo dục của những nước phát triển coi trọng sự trong sạch và thực chất trong học thuật đến như thế nào. Họ không chấp nhận, không thỏa hiệp với gian lận. Điều này khác với ở nước ta, khi chuyện “chạy đầu vào”, “chạy đầu ra”, “đi thầy” vẫn được nói đến hàng ngày, hàng giờ như một thực trạng. Trong khi, luận văn thì được sao chép và mua bán rộng rãi một cách dễ dàng.

Giáo dục thực sự là gốc của mọi con người, mọi vấn đề. Vì thế, làm sao trông chờ có được một xã hội văn minh, phát triển, minh bạch, nói không với tham nhũng, khi mà chính quá trình giáo dục vẫn cho người ta cơ hội tiếp xúc với sự gian dối.

Phan Tất Đức