Thông điệp ngày loãng xương thế giới 2011 và lợi thế Việt Nam

Loãng xương (còn gọi là yếu xương, xốp xương, thưa xương, rỗ xương) là trình trạng xương giòn, dễ gãy do giảm khối lượng và suy yếu cấu trúc vi thể xương.

Trên thế giới, từ 50 tuổi trở lên 1/3 nữ và 1/5 nam bị gãy xương do loãng xương. Gãy xương do loãng xương nguy hiểm như nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành hoặc đột quỵ do tăng huyết áp. Chủ đề Ngày Loãng xương Thế giới 20/10/2011 do Quỹ Loãng xương Quốc tế phát động lần thứ 15 là: “Ngừa loãng xương bằng canxi, vitamin D và thể dục”. Đây là dịp để các tổ chức thiện nguyện trên 90 nước hoạt động cả năm nhằm thức tỉnh toàn cầu ý thức phòng, chẩn đoán và trị loãng xương cũng như các bệnh xương khác.

loangxuong

Canxi là khoáng chất quan trọng đối với cơ và hệ xương. Canxi đặc biệt cần cho trẻ em và tuổi mới lớn, độ tuổi sinh xương mạnh nhất. Ở tuổi trưởng thành, canxi cần để duy trì mật độ khoáng xương. Canxi có nhiều trong sữa, sữa chua, phô mai, đậu, tôm, cá, sò. Nhu cầu canxi hàng ngày ở người khoẻ mạnh là 800 mg/ngày có thể bù đủ bằng thức ăn giàu canxi.

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi, hạn chế mất xương và giảm té ngã. Sinh tố này do hai nguồn cung cấp:  (1) 90%-95% da tạo ra khi tiếp xúc với nắng, loại này giúp giảm gãy xương và ngã hơn loại sau; (2) 5%-10% nhờ ăn, loại này có nhiều trong mỡ cá, sữa. Chỉ cần 8% da cơ thể (da mặt và tay) tiếp xúc với nắng mùa hè khoảng 30 phút mỗi ngày là đủ tạo 800 UI vitamin D đáp ứng nhu cầu. Quỹ Loãng xương Quốc tế đề nghị bổ sung 800-100 UI/ngày cho người dễ bị loãng xương và người từ 60 tuổi trở lên.

Ngoài canxi và vitamin D, đạm rất quan trọng để phát triển, duy trì xương và cơ, để hấp thu canxi, để giảm ngã. Nhu cầu đạm hàng ngày 1 g/kg qua các thức ăn giàu đạm như thịt, trứng, cá, đậu, tầu hủ, phô mai.

Áp phích Ngày Loãng xương Thế giới 2011.

Thể dục có lợi cho xương và cơ dù tuổi nào; thể dục giảm té ngã đến 25%-50%. Thể dục vừa sức, mỗi 30 phút hàng ngày như đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe, nâng tạ.

Lợi thế và thực tế Việt Nam

Việt Nam là một trong số ít nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nắng nóng, đồng thời có cây trái bốn mùa cũng như nhiều sông suối nhiều và biển nên nguồn tạo vitamin D dồi dào, nguồn bổ sung canxi và đạm phong phú; ngoài ra, là nước nông nghiệp chủ lực nên dân chúng không đến nỗi quá bận rộn để không có thời gian thể dục. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc năm 2010 và 2011 tại Tp HCM cho thấy: (1) 46% nữ và 20% nam từ 18 đến 87 tuổi thiếu sinh tố D và (2) 29% nữ sau mãn kinh và 10% nam trên 50 tuổi bị loãng xương.

Để lợi chi (cost-effective) mỗi người nên đi khám và khi đó căn cứ thực trạng sức khoẻ mà thầy thuốc sẽ tư vấn ngừa loãng xương phù hợp.

Ba bước ngừa loãng xương thật đơn giản nhưng “bà còng đi chợ trời mưa”* cứ vang vọng mỗi khi gặp “lưng còng” trên khắp nẻo chữ S.

Bao giờ mới hết cảnh “lưng còng” tại Việt Nam?

ThS Đào Duy An