Tìm hiểu về bệnh u nang buồng trứng

U nang buồng trứng được chia ra thành 2 loại chính là u nang cơ năng và u nang thực thể. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về 2 loại này nhé.

1. U nang cơ năng

Khối u sinh ra do rối loạn chức năng buồng trứng, không có tổn thương thực thể. Là những nang nhỏ, mọng nước và được bao bên ngoài lớp vỏ mỏng. Loại u này chỉ gặp ở phụ nữ còn hành kinh, tiến triển nhanh và mất đi sau vài chu kỳ kinh nguyệt.
U nang cơ năng bao gồm nang bọc noãn và nang hoàn tuyến:

u-nang-buong-trung

2. U nang thực thể

Thường là lành tính, tuy nhiên vẫn có khả năng ác tính, có thể gặp các loại dưới đây:

a. U nang nước

Là u lành tính, thường có vỏ mỏng, cuống dài, có chứa dịch trong, thường không dính vào xung quanh.  Đôi khi có nhú ở vỏ nang, thường là ác tính.

b. U nang nhầy

Nang có nhiều thùy, có thể rất to, thành nang dầy có 2 lớp: Lớp ngoài là tổ chức xơ, lớp trong là thượng bì trụ đơn, trong nang có chứa chất nhày đặc màu vàng. Nang nhày có thể dính với các tạng xung quanh.

– Chẩn đoán: Bệnh nhân thường có cảm giác nặng ở tiểu khung, phần lớn không có triệu chứng. Thường chẩn đoán dựa vào khám tiểu khung thấy khối u to biệt lập với tử cung, mật độ chắc, ấn không đau. Tử cung thường bị đẩy lệch sang một phía hố chậu. Nếu nang nhỏ cần chẩn đoán phân biệt với:

+ Chửa ngoài tử cung: Khám thấy khối u cạnh tử cung, ấn rất đau, có tiền sử tắt kinh, ra huyết.

+ Ứ nước vòi trứng: Có tiền sử viêm nhiễm, có khối u cạnh tử cung, di động khó, ấn đau.

+ Có thai trong tử cung: Tắt kinh, tử cung thường mềm, di động theo tử cung, HCG (+).

+ U xơ tử cung.

+ Cổ trướng: Phân biệt khi u nang to choán hết ổ bụng.

– Điều trị: Phẫu thuật cắt bỏ nang, nếu bệnh nhân chưa có con thì bóc tách khối u nang để lại phần lành buồng trứng, nếu bệnh nhân cao tuổi nên cắt bỏ cả buồng trứng.

c. U nang bì

Thường gặp nhất là u quái (Teratoma) và khối u tế bào mầm, có thể gặp ở tuổi sinh đẻ, tuổi sau mãn kinh hoặc trẻ em. 10% Teratoma gặp khi mang thai. Thành nang có cấu trúc như da: Có lớp sừng, mô mỡ, tuyến mồ hôi, trong nang chứa tóc, răng, tổ chức bã đậu.

– Triệu chứng và chẩn đoán: Thường không có triệu chứng, thường phát hiện khi mổ lấy thai hoặc khi chụp xquang thấy răng trong u…

– Điều trị: Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất, để tránh tỉ lệ ác tính của khối u nên thường cắt cả buồng trứng.

d. Tiến triển và biến chứng

– Xoắn u nang: Đau dữ dội, vã mồ hôi, choáng, buồn nôn, rối loạn nhu động ruột. Xử trí: Mổ cấp cứu cắt bỏ nang không tháo xoắn.

– Ung thư buồng trứng: Gặp trong u nang nước có nhú trong vỏ nang.

– Vỡ u nang: Thường xảy ra sau khi xoắn nhiều vòng hoặc do va đập, chấn thương u nang.

– Nhiễm khuẩn u nang: Xảy ra sau khi xoắn u nang, nhiễm khuẩn làm u nang to lên, dính vào các tạng xung quanh, triệu chứng lâm sàng giống như trong viêm phúc mạc tiểu khung.

– Nang chèn ép tiểu khung: Chèn ép trực tràng, bàng quang, niệu quản. Nang to tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ trướng.

-Có thai kèm theo u nang: U nang có thể gây sảy thai, đẻ non, u tiền đạo. Bởi vậy, chỉ định mổ cắt u nang nên chờ đến tháng thứ 4 để tránh sảy thai. Nếu có xoắn u nang thì mổ ngay bất kỳ lúc nào.

Trên đây là các loại u nang mà chúng tôi đã chia sẻ với các bạn. Tuy đạy là căn bệnh lành tính nhưng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây những hậu quả lớn dẫn đến bị ung thư buồng trứng. Chúc các bạn sức khỏe tốt.

Nguồn: chuaungthu