Viêm khớp dạng thấp còn có tên gọi khác là bệnh thấp khớp. Đây là căn bệnh tự miễn dịch, diễn biến mãn tính và nó tiến triển với các biểu hiện ngay tại khớp, ngoài khớp hoặc cũng có thể là toàn thân. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các đối tượng từ 30-50 tuổi. Và tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 2-6 lần tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới. Nếu như bạn đang quan tâm đến căn bệnh này và muốn thoát khỏi tình trạng viêm khớp dạng thấp thì có những điều gì cần ghi nhớ? Để giải đáp thắc mắc này thì các bạn hãy cùng với chúng tôi đi tìm hiểu chi tiết qua nội dung chia sẻ dưới đây nhé!
1. Nguyên nhân của bệnh viêm khớp dạng thấp
Theo y học hiện đại, bệnh viêm khớp dạng thấp do hệ thống tự miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức và không phân biệt được tế bào gây bệnh với tế bào cơ thể. Chúng tự tấn công lại chính cơ thể người và gây tổn thương trực tiếp đến các khớp. Do đó, viêm khớp dạng thấp được xếp vào loại bệnh tự miễn, tức cơ thể tự tạo ra các kháng thể chống lại chính nó.
Có một số yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp:
– Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có tác động trực tiếp gây nên viêm khớp dạng thấp. Bệnh có liên quan đến kháng nguyên hóa hợp tổ chức HLA DR4 (60-70% bệnh nhân có yếu tố này, trong khi tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ là 30%).
– Yếu tố cơ địa: Bệnh viêm khớp dạng thấp có liên quan đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% trường hợp trên 30 tuổi).
– Một số tác nhân gây bệnh khác: Có thể là virus, vi khuẩn, môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, do rối loạn chuyển hóa lắng đọng canxi…
Trong Đông y, viêm khớp dạng thấp được xếp vào chứng Tý, có nguyên nhân do phong hàn thấp nhiệt xâm phạm vào gân, xương, kinh lạc, gây tắc nghẽn và đau sưng. Thấp khớp là từ dân gian để chỉ tình trạng một hay nhiều khớp bị sưng đau. Thấp khớp được chia làm 2 thể là thấp khớp cấp tính (mới bị trong 3 tuần) và thấp khớp mãn tính.
2. Biểu hiện của bệnh viêm khớp dạng thấp
Theo Hội Thấp khớp học của Mỹ thì viêm khớp dạng thấp có một số triệu chứng cơ bản:
– Đau sưng ở nhiều khớp: Đây được coi là biểu hiện cơ bản nhất của viêm đa khớp dạng thấp. Các cơn đau xảy ra ở nhiều khớp giống nhau (có tính đối xứng) trên cơ thể, trong đó hay gặp nhất là các khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp ngón gần bàn tay, khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, khớp ngón chân. Các khớp khác như: khớp háng, cột sống, khớp vai thì ít có triệu chứng sưng đau.
Cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng và kéo dài hơn 30 phút; có thể đau một hai hôm thì giảm rồi đau lan sang khớp khác. Theo nghiên cứu, có khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu đau sưng và viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân…
– Ngoài biểu hiện sưng đau nhiều khớp, người bệnh còn có thể bị cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ. Bệnh biểu hiện càng rõ rệt khi thay đổi thời tiết hoặc khí trời ẩm ướt. Nếu chụp phim thì thấy mọc gai do lắng đọng canxi, dày khớp hoặc hai khớp dính vào nhau, làm hạn chế vận động ở đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, khớp gối, khớp cổ bàn chân, khớp khuỷu và xuất hiện một số hạt nhỏ dưới da.
Bệnh thường khởi phát từ từ, tăng dần và ít có trường hợp bắt đầu đột ngột, cấp tính. Ngoài ra, trước khi xuất hiện triệu chứng tại khớp, người bệnh có thể có các biểu hiện như: mệt mỏi, giảm cân và có triệu chứng sốt như cảm cúm. Nếu xét nghiệm máu thường thấy công thức bạch cầu cao, máu lắng cao. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Tình trạng viêm sẽ tiến triển nặng dần và dẫn đến dính khớp, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế.
3. Cách điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mãn tính có thể kéo dài năm đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục và kết hợp chặt chẽ giữa nội khoa, vật lý trị liệu cùng các phương pháp điều trị ngoại khoa. Trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng, điều trị nội khoa không mang lại kết quả thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để chỉnh sửa các khớp và gân bị phá hủy hoặc thay thế chúng.
Điều trị nội khoa
Trong điều trị nội khoa, người bị viêm khớp dạng thấp thường được chỉ định thuốc Tây nhằm chống viêm giảm đau và tùy thuộc mức độ, người bệnh sẽ sử dụng các loại thuốc khác nhau.
Mức độ nhẹ: Trường hợp có các khớp viêm và đau ít, vận động khá dễ dàng thì dùng các thuốc giảm đau chống viêm thông thường như: aspirin, chloroquin kết hợp với điều trị vật lý trị liệu, xoa bóp…
Trung bình: Khi nhiều khớp bị viêm gây hạn chế vận động thì người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng một trong các thuốc chống viêm nonsteroid như: indomethacine, diclofenac; piroxicam và kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu.
Mức độ nặng: Khi viêm sưng nhiều khớp nghiêm trọng, bệnh nhân không đi lại được thì cần dùng các thuốc corticoid liều cao, D-penicilamin, methotrexate.
Khi viêm khớp dạng thấp đã được điều trị, kiểm soát, người bệnh cần kết hợp các phương pháp sau nhằm tránh bệnh tái phát và tiến triển nặng hơn:
– Dùng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau không có Steroid như lbuprofen
– Dùng phương pháp cơ học như Chiropractic hoặc các phương pháp cơ học khác
– Thuốc ngăn hệ miễn dịch, thuốc tiêm khớp.
Vật lý trị liệu
Ngoài việc sử dụng thuốc Tây trong điều trị thì các phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp giảm đau khá hiệu quả cho người bệnh:
– Dùng tia hồng ngoại: Dùng 3-5 liều sinh lý, từng ngày chiếu 300-400 cm2 và chiếu kín toàn bộ khớp đau, vùng lân cận, sau đó nghỉ 2-3 ngày cho phản ứng đỏ da giảm bớt rồi lại chiếu tiếp. Mỗi đợt 5-6 lần chiếu và một liệu trình 3-4 đợt hỗ trợ điều trị.
– Dùng sóng ngắn: Sóng ngắn làm tăng bạch cầu đến các khớp viêm và làm tăng khả năng di chuyển của thực bào, do đó có khả năng chống viêm, giảm đau khá tốt.
– Nhiệt trị liệu: Phương pháp này sử dụng nhiệt nóng sẽ nâng cao tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ, giúp giảm đau chống viêm. Nâng cao tuần hoàn làm cho phân tán những chất trung gian viêm, nâng cao nuôi dưỡng và phục hồi nhanh các tổn thương tại khớp.
– Ngâm nước nóng: Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có thể ngâm mình trong nước nóng, nước muối, nước khoáng thiên nhiên để giúp lưu thông khí huyết, làm giảm đau khớp.
– Chườm nóng tại khớp: Bệnh nhân có thể dùng paraffin, túi nhiệt, bùn nóng, cát nóng, chườm lá ngải cứu nóng bọc vải để chườm lên vùng khớp bị viêm.
Theo các chuyên gia về xương khớp, khi bị viêm khớp dạng thấp, nếu chỉ uống thuốc giảm đau, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm trong một thời gian ngắn nhưng sau đó bệnh sẽ tái phát do không chữa trị được tận gốc.
Ngoài ra, các loại thuốc Tây y sử dụng trong thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, ảnh hưởng đến gan thận, dạ dày. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể điều trị bằng y học hiện đại nhưng giai đoạn sau có thể kết hợp sử dụng phương pháp của Đông y. Để tìm hiểu rõ hơn về viêm khớp dạng thấp thì các bạn vui lòng click TẠI ĐÂY để tìm hiểu chi tiết nhé!
Chúc bạn sức khỏe!
Xem thêm:
— Bệnh xương khớp và dinh dưỡng phòng bệnh
— Viêm xương khớp không nên ăn gì?