Chữ u xơ (fibrome) phát xuất từ nguồn gốc sợi (fibreuse) của khối u khi nhìn bằng mắt trần, còn u cơ (myome) chỉ nguồn gốc cơ của khối u này. Nhưng sự chính xác mô học ưa thích thuật ngữ léiomyome (u của mô cơ trơn) hay fibromyome ( u cơ và sợi) hơn. Ở Hoa Kỳ, vô địch thế giới về cắt bỏ tử cung, cứ 3 phụ nữ có 1 phải chịu phẫu thuật này trước năm 60 tuổi và vì lý do bị u cơ trong gần 2/3 trường hợp. Trái lại, ở Châu Âu, cuộc đấu tranh để gìn giữ tử cung được phát động từ 20 năm nay. Ngoài phẫu thuật cổ điển cắt bỏ tử cung bằng đường bụng và bằng đường âm đạo đối với những tử cung bé nhỏ hơn, các kỹ thuật bảo tồn gia tăng để gìn giữ sự vẹn toàn vật lý của các phụ nữ, khả năng sinh đẻ của họ, cũng như để tránh tình trạng són đái sau mổ (cắt bỏ tử cung làm gia tăng nguy cơ bị són đái 5 đến 10%).
Các u cơ dưới thanh mạc (myomes sous-séreux), to lớn nhưng ít gây xuất huyết, hiếm khi làm khó chịu bệnh nhân. Những bệnh nhân này lo ngại hơn trong trường hợp u cơ dưới niêm mạc (myomes sous-muqueux), chịu trách nhiệm rong kinh dồi dào. Không có điều trị thuốc men nào làm biến mất được các u cơ tử cung. Điều trị có tính chất triệu chứng trong lúc chờ đợi tuổi mãn kinh vì vào thời kỳ này, nếu không điều trị bằng hormone thay thế (THS), thì các u cơ này sẽ thu nhỏ lại. Các progestatif làm giảm sự phì đại của nội mạc tử cung, các anti-fibrinolytique cải thiện sự xuất hiện các cục máu đông, và một liều cao oestrogène có thể làm ngưng một đợt xuất huyết cấp tính. Các thuốc điều trị triệu chứng này nhường chỗ cho phẫu thuật dưới mọi dạng thức.
Nên phẫu thuật hay là sao?
Chúng ta có sự lựa chọn giữa phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay chỉ cắt bỏ các u cơ, hoặc làm tan rã chúng bằng cách hủy bỏ phân bố mạch của chúng hoặc bằng một tác nhân vật lý làm hủy hoại. Sự lấy đi các u cơ trơn tử cung (myomectomie) được thực hiện bằng mở bụng (laparotomie), nội soi (coelioscopie) hay nội soi tử cung (hysteroscopy), bằng dao điện hay bằng siêu âm và, mới đây hơn, bằng tia laser. Sự làm tiêu cơ (myolyse) có thể được thực hiện bằng cách làm nghẽn mạch (embolisation), dưới sự kiểm soát của rọi quang tuyến, những động mạch tử cung bởi những vi phần tử (microparticules) (polyvinylalcool hay microsphènes). Kỹ thuật này dường như hay hơn cắt bỏ u cơ tử cung (myomectomie) bởi vì với phẫu thuật sau đó cứ hai trường hợp có một trường hợp tái phát. Sự làm nghẽn mạch (embolisation) có thể được thực hiện dưới gây mê tại chỗ, nhưng cần điều trị chống đau sau giải phẫu. Một dạng thức làm tiêu cơ (myolyse) khác : làm tiêu lạnh bằng nội soi (cryolyse sous coelioscopie), cho phép làm đông giá và gây chết mô ở nhiệt độ âm 50 độ C. Một kỹ thuật tốn kém nhưng ít đau đớn sau thủ thuật.
HN (Nguồn: LE GENERALISTE 16/10/2008)