Đọc đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng: hẳn Khin Myint Maung phải sở hữu những công trạng rất đặc biệt thì mới giành được danh hiệu này. Nhưng sự thật không phải thế. New York Times mô tả thành tích của Khin Myint Maung như sau: “Hàng ngày, Khin Myint Maung có khoảng 12 tiếng làm nhiệm vụ ở một trong những nút giao thông hỗn loạn nhất thành phố. Anh ấy gỡ rối và chống ùn tắc giao thông bằng một thái độ kiên nhẫn, không mệt mỏi và vui vẻ, hài hước”. Sự mô tả ấy rõ ràng không giống với chiến tích một người anh hùng. Bản thân tờ báo cũng bình luận như vậy. Vậy tại sao Khin Myint Maung tuy không có thành tích phi thường, mà vẫn được cộng đồng tôn vinh? Bởi thái độ và trách nhiệm tuyệt vời trong công việc của anh đã thuyết phục được người dân.
Bất chấp tình trạng giao thông ở Yangon ngày một xấu đi (do sự quá tải phương tiện, đặc biệt là ôtô sau khi Myanmar mở cửa), Khin Myint Maung luôn thi hành chức trách với một nụ cười tười trên môi. Đặc biệt là khác với phần lớn cảnh sát tại Myanmar, Khin Myint Maung không bao giờ vòi vĩnh, “làm luật” với lái xe. Dù cho mức lương tháng của anh chỉ tương đương 150 USD. Tức là Khin Myint Maung sẽ phải tích lũy cho đến khi về hưu mới đủ tiền để mua ôtô, với điều kiện anh không được tiêu một đồng lương nào.
Điều này đã khiến cho dân chúng đặc biệt yêu mến anh. Đến mức, khi Khin Myint Maung vắng mặt vài ngày vì việc riêng, tình trạng giao thông ở chốt mà anh này vẫn điều khiển đã trở nên tuyệt vọng: mọi người không chịu di chuyển và bấm còi liên tục vì nhớ anh.
Câu chuyện của Khin Myint Maung làm tôi nhớ đến một người cảnh sát giao thông ở Việt Nam. Đó là Thượng tá Lê Đức Đoàn. Giống như Khin Myint Maung, bác Đoàn cũng chỉ là một sĩ quan bình thường, không chức vụ, nhưng vẫn nhận được tình cảm đặc biệt từ người dân. Hình ảnh những tài xế biết bác Đoàn sẽ làm việc buổi cuối cùng trước khi về hưu, nên cố lái xe qua cầu Chương Dương, chỉ để vẫy tay chào bác – thực sự rất đẹp và xúc động.
Tất nhiên, tình cảm người dân dành cho bác Đoàn chẳng phải tự nhiên mà có. Tương tự như Khin Myint Maung, nó cũng bắt nguồn từ quá trình công tác đầy tâm huyết và đức độ của bác Đoàn. 20 năm liên tục gắn bó với cầu Chương Dương bất kể nắng mưa; cứu sống hàng chục trường hợp có ý định tự tử; mang đến cho người tham gia giao thông cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng, song vẫn đảm bảo cái uy của người thực thi pháp luật. Trên Facebook có hẳn một trang “Hội những người hâm mộ thượng tá Lê Đức Đoàn”. Đã có rất nhiều bạn chia sẻ những kỷ niệm với bác Đoàn: như việc bác từ chối nhận tiền chung chi, nhưng vẫn tha bổng sau khi đã nghiêm khắc nhắc nhở, yêu cầu họ chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông. Những câu chuyện ấy tuy bình dị nhưng lại để lại rất nhiều xúc cảm.
Tôi cho rằng những cá nhân như Khin Myint Maung và Thượng tá Lê Đức Đoàn thực sự đáng ngưỡng mộ, là tấm gương của xã hội. Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần những con người không màng danh vọng, tiền tài, hết lòng, hết sức thi hành chức trách của mình, với một cái tâm sáng như họ. Nhưng tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu người sẵn sàng dấn thân trở thành những anh hùng trong đời thực như Khin Myint Maung và bác Đoàn, hay người ta thích tiền tài và danh vọng hơn?
Phan Tất Đức