Chuyện Sim Lim và ý thức cá nhân

Chuyện ở Sim Lim khiến tôi nhớ đến bài viết đầu tiên của mình trong mục Góc nhìn – “Tư duy tiện cho bản thân”. Bài viết này nhận được rất nhiều bình luận của độc giả. Trong đó, một số bạn đổ lỗi cho việc cá nhân hành động như vậy là do nhà quản lý và hệ thống pháp luật.

Tất nhiên, những ý kiến này có lý lẽ riêng. Nhưng nó vẫn khiến tôi băn khoăn giống như chuyện con gà – quả trứng cái nào có trước. Một xã hội được quản lý tốt sẽ tạo ra những công dân mẫu mực? Hay một xã hội gồm toàn những công dân có ý thức tự giác thì tự bản thân xã hội ấy sẽ tốt và dễ quản lý?

che_anh_giao_thong (14)_VTUR

Singapore là một đất nước phát triển và quy củ hơn hẳn Việt Nam. Nhưng việc cửa hàng điện thoại Sim Lim rắp tâm đưa du khách vào tròng cho thấy dù xã hội hay hệ thống luật pháp hoàn thiện đến đâu, mà bản thân con người có tâm địa xấu, họ vẫn cứ vi phạm, vẫn tìm cách lách để trục lợi cho cá nhân. Như vậy, pháp luật chưa hẳn là điều kiện đủ trong câu chuyện quản lý xã hội. Thậm chí, trong vụ việc này, pháp luật còn không thể giải quyết vấn đề theo cách có hậu. Bởi Sim Lim đã quá khôn ngoan, kín kẽ về mặt pháp lý. Thế nhưng, lúc này ý thức cộng đồng của người Singapore lại cứu cho họ một bàn thua ngoạn mục. Chẳng pháp luật nào quy định người Singapore phải quyên góp tiền để cứu vãn hình ảnh đất nước mình. Điều đó hoàn toàn xuất phát từ nhận thức cá nhân của họ.

Một câu chuyện khác liên quan đến cá nhân tôi. Tôi từng đãng trí để quên hộp đồ chơi mới tinh, mua cho con ở công viên gần nhà tại Australia trong hơn 2 giờ đồng hồ. Khi tôi sực nhớ ra, quay lại tìm thì nó vẫn ngay ngắn ở đúng chỗ tôi để quên. Rõ ràng, cũng chẳng luật pháp nào quy định cụ thể trường hợp này. Nhưng lòng tự trọng đã khiến người Australia không lấy thứ không phải của mình và biết là của người khác bỏ quên, chứ không phải vứt đi (do nó còn nguyên hộp chưa bóc).

Victor Hugo có một câu danh ngôn: “Với nhân dân, quyền lực duy nhất là pháp luật; với cá nhân, quyền lực duy nhất là lương tâm”. Lương tâm có thể coi là một thứ pháp luật với riêng bản thân mỗi chúng ta. Ngay cả khi hệ thống pháp luật, xã hội chưa hoàn chỉnh thì từng cá thể nếu thực sự muốn, vẫn có thể cư xử một cách văn minh, có trách nhiệm theo đúng lương tâm mình. Tôi chắc chắn rằng người Singapore, người Australia hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng không học nhiều bài học đạo đức về lòng tự trọng, tính thật thà, tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức cộng đồng… hơn chúng ta. Nhưng khi chúng ta không thể hành xử mẫu mực giống họ, thì cái chính là chúng ta không vượt qua được bản thân mình mà thôi, chứ không phải lỗi của pháp luật.

Ai đó đã nói “cách bạn nhìn quyết định cuộc sống của bạn”. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho pháp luật, cho nhà quản lý. Chỉ có điều, đó đều là những thứ mà cá nhân bạn rất khó để thay đổi. Nếu nhìn theo cách đó, có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ mãi giẫm chân tại chỗ, trong cái vòng quay hỗn loạn ấy. Thế nên, thay vì tặc lưỡi cho rằng những sự tùy tiện, sai phạm của bản thân trong cuộc sống là do cơ chế, do xã hội, do thứ trời ơi đất hỡi nào đó; sẽ tốt hơn nếu chính chúng ta tự ý thức thay đổi mình.

Cá nhân hành động thế nào cho văn minh, giúp xã hội tiến lên là chuyện khó hơn chỉ trích, đổ lỗi và chẳng làm gì… rất nhiều!

Phan Tất Đức