Dòng cũ
Đúng một vòng quay, mai khoe sắc! Phố Kon Tum đổi màu nắng tươi non, hoa Đà Lạt chúm chím cười trên vườn nhà xứ Phương Nghĩa. Em đi lễ chùa cầu một năm yên bình và sung túc. Tôi vào trực, đi thăm bệnh và ngẫm nghĩ về những người bệnh tim mạch vừa ra viện, liệu Tết này họ vui vẻ tại nhà hay vào lại bệnh viện đón Xuân. Lâu nay tôi mơ về chương trình quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng.
Đất nước của “cánh cò bay lả rập rờn”* đã vào xuân thái bình 35 năm, những đứa trẻ thế hệ 1975 nay đã là mùa xuân chín của đất nước. Dải đất hình chữ S thành hình thuở 1770 đang từng ngày thay da đổi thịt, bờ Nam ngày càng rộng mở, đời sống dân Việt khấm khá dần, lối sống đã có xu hướng Tây phương; vì vậy theo đó cơ cấu bệnh tật cũng thay đổi. Các chương trình y tế quốc gia hoạt động có hiệu quả như chương trình sinh đẻ-kế hoạch hoá gia đình, chương trình phòng chống bệnh mắt hột, chương trình tiêu chảy, chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chương trình phòng chống sốt rét, chương trình chống lao. Bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm đi thì bệnh lý không lây nhiễm, nhất là bệnh tim mạch lại nổi lên. Thống kê của Bộ Y tế năm 2002 cho thấy (1) tỷ lệ tăng huyết áp vô căn của dân Việt đứng hàng thứ sáu trong 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất (122,58/100000 dân) sau nhóm bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm amygdan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, nhiễm khuẩn đường ruột, tai nạn giao thông và (2) ba bệnh tim mạch có tỷ lệ chết cao nằm trong nhóm 10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất, đó là chảy máu não (tỷ lệ chết 1,42/100000 dân), tai biến mạch não không rõ do chảy mãu não hay nhũn não (tỷ lệ chết 0,84/100000 dân) và suy tim (tỷ lệ chết 0,83/100000 dân). Điều đáng quan tâm là những bệnh tim mạch này chúng ta phòng chống được và có hiệu quả nhưng hiện nay chưa có chương trình quản lý trên toàn quốc cũng như ở nhiều tỉnh, ngoại trừ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tình trạng bệnh tim mạch tại tỉnh Kon Tum cũng đáng lo ngại. Ngày trước, sốt rét và dịch hạch là nỗi ám ảnh những người từng sống tại Kon Tum thì ngày nay, bên cạnh mối lo tai nạn giao thông có lẽ có nỗi khiếp nhược do bệnh tim mạch gây ra. Điều tra ban đầu của chúng tôi năm 2002 trên người thiểu số thị xã Kon Tum cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp là 13%, tỷ lệ này không thấp hơn tỷ lệ của tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình cùng thời điểm; mới đây khi khám sàng lọc người từ 60 tuổi trở lên ở thị xã Kon Tum, chúng tôi thấy rằng cứ 2 người thì có một người bị tăng huyết áp và con số này cũng tương đương nhiều địa phương trên toàn quốc. Điều tra tình trạng tăng huyết áp trên người cao tuổi thị xã Kon Tum tìm thấy 49,3% người từ 60 tuổi trở lên bị tăng huyết áp; tỷ lệ này cao hơn của Phạm Thắng trên 1305 người từ 60 tuổi trở lên tại 3 xã đại diện cho 3 miền đồng bằng Bắc, Trung và Nam của Việt Nam là 45,6%. Thực tế, 60% bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Nội tim mạch-Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum năm 2003-2004 là do tăng huyết áp và biến chứng. Ngoài ra, ở người trẻ nhất là các dân tộc bản địa bị tăng huyết áp cũng thường gặp; nhận xét này giống của GS Lê Cao Đài 30 năm trước trong hồi ký “Tây Nguyên ngày ấy” xuất bản năm 1997. Tuy chưa có thống kê nhưng tình trạng đột tử do bệnh tim mạch nói chung, chết do nhồi máu cơ tim, xuất huyết não có lẽ không hiếm gặp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cũng như tại cộng đồng; đây là những cái chết có khả năng phòng tránh được!
Đặc điểm bệnh tim mạch, nhất là tăng huyết áp, trong giai đoạn ban đầu là âm thầm nhưng tiến triển nặng dần và đến khi người bệnh biết được thì đã là muộn màng. Anh đang nhâm nhi thoải mái bên bạn bè với con số huyết áp 160 trên 90 milimét thuỷ ngân và có hề chi đâu (không đau đầu, không tức ngực, không mệt mỏi) nhưng thực ra huyết áp tăng đang huỷ hoại âm thầm các cơ quan trong cơ thể anh, làm quả tim anh to ra và yếu dần đi, mạch máu anh trở nên giòn hơn và chít hẹp lại, quả thận anh lọc kém đi, mắt anh yếu dần đi đến một ngày không xa áng chừng 15-20 năm sau anh mới nhận ra thì ngày cuối của anh cũng gần đến nếu y khoa điều trị không can thiệp. Tăng huyết áp được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng của thời hiện đại! Bệnh tim mạch và biến chứng của bệnh tim mạch phần lớn do tăng huyết áp và xơ vữa động mạch gây ra, phần còn lại là bệnh lý mắc phải như thấp tim và bệnh tim mạch bẩm sinh. Mục tiêu cao nhất của điều trị loại bệnh này là dự phòng ngay từ đầu, lúc bệnh chưa xuất hiện-gọi là dự phòng tiên phát và khi bệnh đã lộ diện thì phải ngăn chặn lại, kìm hãm bệnh nhằm cải thiện sức khoẻ người bệnh-gọi là dự phòng thứ phát; tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa đả động gì cả hai mục tiêu này ngoại trừ tại một số bệnh viện và thành phố có thực hiện chương trình phòng thấp tiên phát và thứ phát.
Việc điều trị bệnh tim mạch tại các cơ sở y tế chỉ mang tính cấp bách và nhất thời: người bệnh qua cơn đau tim nguy kịch, tình trạng suy tim được khống chế, cơ thể bị liệt lâu nay giờ gắng gượng dậy đi lại được…còn quá trình điều trị ngay sau khi ra viện có tính tiệm tiến, trường diễn, lợi tối đa, cải thiện tình trạng sức khoẻ người bệnh tim mạch và đây là khâu cực kỳ quan trọng. Có thể ví von, bệnh tim mạch là con sông mùa lũ dữ, điều trị tại bệnh viện mới chỉ khống chế được triều cường còn quá trình điều trị sau ra viện nhằm điều hoà lưu lượng, nắn dòng chảy, không để vỡ đê và tàn phá mùa vàng. Người bệnh ra viện chỉ có nghĩa hoặc là bệnh cấp tính tạm ổn định hoặc là xin ra viện chứ không phải đã khỏi bệnh. Thông thường, người bệnh ra viện cùng với lời dặn sức khoẻ của thầy thuốc và đơn thuốc kê dùng sau đó nhưng người bệnh có mua thuốc không, mua được không, mua đúng thuốc không, có dùng thuốc đều đặn và điều chỉnh thuốc thế nào, thay đổi lối sống ra sao thì vấn đề này hiện nay vượt ngoài tầm tay của tuyến điều trị. Một trong những khâu cơ bản nhất đối với điều trị tại cộng đồng là nguồn thuốc cho người bệnh sau ra viện. Tại tuyến điều trị, hiện chúng ta có 3 đối tượng làø người bệnh bảo hiểm y tế, đối tượng 139 và đóng một phần viện phí. Với người bệnh đóng viện phí, sau ra viện có bao nhiêu người tiếp tục mua thuốc theo đơn? Với đối tượng bảo hiểm y tế , số tiếp tục tái khám tại các cơ sở y tế là bao nhiêu? Còn những người 139 (những người bữa đói bữa no) thì chuyện tiếp tục dùng thuốc sau ra viện thật là xa vời. Tôi hỏi A Din, một bệnh nhân tộc người Bahnar sắp sửa ra viện: ” Ra viện rồi A Din có mua thuốc uống không?”. A Din cười hồn hậu: “Không!”. “Tại sao?”, tôi vặn. A Din bảo: “Mình không có tiền.”. Thật xót nhưng đó là sự thật! Tôi thăm dò một số người đã ra viện sau đó vào lại, họ bảo rằng cơ sở y tế nơi họ không có những thuốc ấy,chưa rõ thực hư nhưng là điều đáng ngẫm nghĩ. Chúng ta đã làm được bảo hiểm y tế và 139 nội trú, chúng ta có thể nghĩ đến chương trình bảo hiểm y tế và 139 ngoại trú chí ít là cho một số bệnh chuyên biệt như bệnh tim mạch. Chỉ có chương trình quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng mới có khả năng chu toàn điều trị tại bệnh viện cũng như khi về nhà. Một vấn đề gay cấn khác trong chương trình quản lý bệnh tim mạch là nhận thức người bệnh và dân chúng về bệnh tật. Nước Mỹ thực hiện chương trình dự phòng bệnh tim mạch đã nửa thế kỷ và phải mất 20 năm (từ 1976-1980 đến 1999-2000) nước Mỹ mới nâng được số người biết mình bị tăng huyết áp từ 51% đến 70% và nâng số người chịu điều trị từ 31% lên 59%. Còn nước Việt mình thì nhận thức ấy còn phải trăn trở nhiều, hãy xem kết quả 2 nghiên cứu lớn dưới đây: (1) nghiên cứu cộng đồng của GS Trần Đỗ Trinh và cộng sự năm 1992 trên 1716 người bị tăng huyết áp thì 67,5% không biết bệnh, 15% biết bệnh nhưng không điều trị, 13,5% điều trị nhưng thất thường và không đúng cách, chỉ có 4% là điều trị đúng; (2) nghiên cứu của GS Phạm Gia Khải và cộng sự năm 2002 cho biết trong 818 người được phát hiện có THA chỉ có 94 (11,49%) người là có dùng thuốc và tỷ lệ HA được khống chế tốt là 19,1% (18/84). Nhận thức của người bệnh quyết định sự thành công của điều trị nội cũng như ngoại trú. Thật xót xa khi chứng kiến người bệnh vào viện vì biến chứng do “tự điều trị” như tự dùng thuốc (thuốc tim mạch là thuốc bán theo đơn nhưng người bệnh mua khá dễ dàng tại các cơ sở bán lẻ dược phẩm ở nhiều tỉnh), tự điều chỉnh liều, tự ngưng thuốc. Chỉ có chương trình quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng mới làm thay đổi được cục diện bệnh tim mạch từ ý thức đến sức khoẻ tim mạch và có như vậy mới hy vọng những A Din, A Yim của tôi trong cộng đồng 50% người thiểu số tỉnh Kon Tum cùng với bao người bị bệnh tim mạch khác được cải thiện sức khoẻ lâu dài sau ra viện.
Chúng ta đã có các chương trình y tế quốc gia về nhiều bệnh truyền nhiễm và một số bệnh không truyền nhiễm. Với một đất nước có nền kinh tế xã hội hướng đi lên như thế, cơ cấu bệnh tật đã thay đổi, nếu không thành lập chương trình y tế quốc gia bệnh tim mạch sớm e rằng sẽ khó kiểm soát nổi bệnh lý này.
Tuy là ban đầu nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập chương trình phòng chống bệnh tim mạch vào 2/2003 và đến nay 24 quận huyện đã có tổ phòng chống bệnh tim mạch và bước đầu hoạt động hiệu quả. Hội Tim Mạch học thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hãng Dược phẩm Servier và Báo Gia đình và Xã hội đã tổ chức hội thảo truyền thông phòng chống bệnh tim mạch từ tháng 4/2004 đến nay với nhiều chuyên đề về THA và bệnh lý liên quan đã thu hút được cộng đồng người bệnh tim mạch cũng như thầy thuốc chuyên khoa nhiều tỉnh. Thế các tỉnh ngồi chờ chăng?
Xét về thực lực kinh tế, khó có lý do chính đáng để chúng ta trù trừ quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Xét về góc độ kinh tế trong y tế, chi phí quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng rẻ hơn nhiều so với phí tổn giải quyết hậu quả của bệnh tim mạch như nong vành đặt stent, mổ bắc cầu động mạch chủ-vành. Xét về lợi ích dân sinh thì không có gì để so sánh được; cha ông ta từng nói còn người còn tất cả hoặc người sống đống vàng. Xét về cục diện địa phương, không thể có nhiều trung tâm can thiệp tim mạch sâu được, vừa tốn kém vừa manh mún và thiển nghĩ nhiều tỉnh chúng ta có thể sớm thực hiện chương trình quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Sức khoẻ là vô giá! Sức dân là sức nước! Một mùa xuân nảy lộc, xin hãy bắt đầu!
Xuân sắp sang. Hơi xuân se lạnh. Chồi non rạo rực. Em chắc đã xin được lộc đầu năm. Còn tôi, tôi mong không còn là ước nguyện đầu xuân nữa mà phải thực thi chương trình kiểm soát bệnh tim mạch tại cộng đồng. Tôi và chắc nhiều đồng nghiệp đều mong thế. Sức khoẻ và mùa xuân!
Lời bạt,
Những dòng này đã cũ nhưng chuyện dự phòng tim mạch thì luôn nhức nhối. Cứ đi khắp nước Việt thì sẽ thấy dân mình mang bệnh tim mạch mà không chữa trị, biến chứng tim mạch đầy rẫy tại các bệnh viện, các khoa cấp cứu. Đến khi nào Việt Nam mới thực sự có chương trình phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả?
Tài liệu tham khảo chính
Đào Duy An. Ước nguyện mùa xuân. Trong: Sở Y tế Kon Tum-Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nội san Bệnh viện thường niên 2004:32-4.
Đào Duy An. Cải thiện tình trạng nhận biết, điều trị và kiểm soát tăng huyết áp: thách thức và vai trò của truyền thông-giáo dục sức khoẻ. [http://www.ykhoa.net/http://www.cimsi.org.vn].
Lê Cao Đài. Tây Nguyên ngày ấy. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Tái bản lần thứ hai : Hà Nội;2002.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình phòng chống bệnh tim mạch. [Truy cập 20/62005 tại http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn]