Bệnh tim mạch là bệnh lý của tim và mạch máu (động mạch, mao mạch và tĩnh mạch) có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Chủ đề Ngày Tim Mạch Thế giới 29/9/2012 tiếp tục là “One World, One Home, One Heart”, “Thế giới, Gia đình và Trái tim”, nhấn mạnh ngừa bệnh tim mạch ở trẻ em và phụ nữ.
Từng và vẫn đang có ngộ nhận bệnh tim mạch là bệnh củanam giới, người cao tuổi và giới giàu có. Thực tế,bệnh tim mạch là sát nhân số một đối với phụ nữ, chiếm 1/3 tử vong nữ giới. Mỗi năm bệnh tim mạchgây chết 8,6 triệu phụ nữ trên thế giới (chiếm gần một nửa tử vong chung do bệnh tim mạch), số này nhiều hơn tổng tử vong ở phụ nữ do ung thư, HIV/AIDS, lao và sốt rét mà ít nhất 80% tử vong này có thể ngừa được nhờ sống lành mạnh. Phụ nữ/người mẹ là người “xây bếp” vì vậy họ ảnh hưởng mạnh mẽ lối sống tim mạch khỏe mạnh của gia đình. Trẻ em có thể bị bệnh tim mạch và đột quỵ gấp đôi: chúng đau đớn khi chứng kiến người thân bệnh và chính chúng có nguy cơ bị bệnh tim mạch từ lúc còn là thai và sau ra đời khi ăn uống không lành mạnh, ít vận động và hít phải khói thuốc lá.
Biện pháp giữ tim mạch khỏe:
Biện pháp cho phụ nữ
•
Bỏ hút thuốc lá nếu có và tránh khói thuốc.
•
Ăn lành mạnh: ăn lạt (tổng lượng muối ăn vào mỗi ngày ít hơn 5 g), ăn nhiều rau, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật; tránh ăn đồ chế biến sẵn.
•
Giữ cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9; tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét).
•
Thân năng động: thể dục mỗi ngày 30 phút với các hình thức như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy chậm, chơi bóng bàn, bơi. Tận dụng mọi cơ hội để động thân thể như làm việc nhà, tản bộ.
•
Biết các chỉ số sức khoẻ: đến bác sỹ khám để biết chỉ số huyết áp, đường máu, mỡ máu cũng như tỷ lệ vòng bụng/vòng mông, chỉ số khối-cơ thể và tuân thủ điều chỉnh các chỉ số này nếu bất thường.
•
Biết các dấu hiệu cảnh báo và đi khám ngay:
•
Dấu hiệu cảnh báo cơn truỵ tim:
Đau hoặc cảm giác ép chặt ngực trái.
Đau từ ngực trái lan ra cổ, tay, lưng, bụng.
Khó thở đột ngột; lả người; vã mồ hôi; bồn chồn lạ thường.
•
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ:
Đột ngột yếu một bên cơ thể như tay, chân, mặt.
Đột ngột lú lẫn, nói khó, không hiểu.
Đột ngột nhìn mờ một hoặc hai mắt.
Đột ngột đi lại khó khăn, mất thăng bằng.
Đột ngột nhức đầu dữ dội.
•
Uống thuốc đều đặn theo đúng bác sỹ kê và khám lại theo hẹn.
Biện pháp cho trẻ em
•
Thai dưỡng: bà mẹ học cách dinh dưỡng thai kỳ để mẹ và thai nhi phát triển chuẩn nhằm tránh bệnh tim mạch cho trẻ về sau.
•
Nhi dưỡng: gồm (1) bú mẹ đủ: trẻ bú mẹ đủ sẽ giảm mỡ máu và huyết áp, béo phì và (2) dinh dưỡng lành mạnh, tránh ăn uống thiếu thốn cũng như thái quá vì hai thái cực này đều gây ra bệnh tim mạch sau này cho trẻ; tập cho trẻ ăn lạt, ăn ít đường và mỡ, tránh ăn đồ chế biến sẵn; năng vận động, không xem tivi và chơi trò chơi điện tử quá 2 giờ mỗi ngày.
•
Phát hiện sớm và chữa chuẩn mực bệnh tim bẩm sinh.
Vai trò thầy thuốc
Người dân một nắng hai sương cùng với thói quen “nước đến chân mới nhảy”1 sẽ ít ai biết độ nguy hiểm cũng như ngừa bệnh tim mạch như thế nào; vì vậy, mỗi lần có dịp như khám bệnh, tư vấn, phổ cập kiến thức y học, thầy thuốc kiên trì giáo dục sức khỏe tim mạch cho người bệnh và cộng đồng đặc biệt trẻ em và phụ nữ thì ắt hẳn “mưa dầm thấm đất”2-sức khỏe tim mạch dân Việt sẽ cải thiện rõ.