Suy nhược thần kinh còn có tên gọi khác là bệnh tâm căn suy nhược, là tình trạng rối loạn chức năng của não bộ và một số trung khu nằm dưới vỏ não do làm việc quá tải hay chịu nhiều áp lực, căng thẳng dẫn đến suy nhược.
Suy nhược thần kinh là căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại khi cuộc sống và công việc có nhiều áp lực.
Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh
– Stress: Những căng thẳng cảm xúc kéo dài dẫn đến mệt mỏi, lo âu và dễ bị kích thích. Căng thẳng quá mức làm mất cân bằng của hai quá trình hưng phấn và ức chế. Hai quá trình này cùng tăng hoặc cùng giảm làm cho người bệnh rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh. Các nguyên nhân dẫn đến stress quá mức là cuộc sống khó khăn, bế tắc, mâu thuẫn trong gia đình kéo dài, gặp thất bại trong công việc, học tập, cố gắng kiềm chế cảm xúc quá mức dẫn đến ức chế, làm việc quá sức…
– Nhân cách: Theo nghiên cứu cho thấy những người có tính cách hướng nội, ít giao tiếp với bên ngoài, luôn thận trọng hay lo nghĩ có nguy cơ mắc suy nhược thần kinh cao hơn những người có tính cách hướng ngoại.
– Lao động trí óc cường độ cao: Những người thường xuyên phải làm việc trí óc với cường độ cao trong môi trường có nhiều áp lực luôn đòi hỏi sự chính xác, nỗ lực sẽ dẫn tới suy nhược thần kinh.
– Lối sống buông thả, không khoa học với những hành vi như sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia, cà phê, hút thuốc lá.
– Chịu sang chấn tâm lí mạnh, chưa kịp thích nghi như mất người thân, mất việc làm, phá sản….
– Tác động của môi trường bên ngoài: Tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc căng thẳng làm mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh.
– Ngoài ra, suy nhược thần kinh có thể bắt nguồn từ những bệnh lí mắc phải như: Thiểu năng tuần hoàn não, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, chấn thương sọ não hay các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như viêm xoang, viêm loét dạ dày, tá tràng… làm cho cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và lo âu kéo dài dẫn đến suy nhược thần kinh.
Dấu hiệu nhận biết:
– Rối loạn giấc ngủ: Đây vừa là nguyên nhân đồng thời cũng là hậu quả của suy nhược thần kinh. Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ hay gặp như khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay tỉnh dậy giữa đêm, gặp ác mộng thường xuyên…
– Mệt mỏi: Tình trạng mệt mỏi là một hiện tượng bình thường của cơ thể khi tham gia vận động mạnh, làm việc quá sức trong thời gian dài… Nhưng sức khỏe sẽ dần hồi phục lại sau khi nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, mệt mỏi trong bệnh suy nhược thần kinh dường như không có nguyên nhân cụ thể. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, khó ngủ. Điều đó khiến các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như hồi hộp, tim đập nhanh, tức ngực, thở gấp, khó chịu ở dạ dày.
– Đau đầu: Người bệnh thường có cảm giác đầu óc nặng nề, vị trí đau thường ở trán, hai bên thái dương hoặc một bên đầu. Ngoài ra, có thể giảm thị lực, đôi khi thấy nhức mỏi mắt. Chứng đau đầu trở lên nặng hơn khi có những áp lực trong công việc, đau đầu có khi xảy ra ngay khi thức dậy vào buổi sáng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
– Mất kiểm soát cảm xúc: người bệnh dễ cáu kỉnh, dễ bị kích thích tâm lí, thiếu kiên nhẫn dẫn đến nản chí, bỏ cuộc sớm, hay gắt gỏng, nóng nảy, có khi phản ứng thái quá… Những biểu hiện kích thích này dễ bùng phát và cũng dễ dập tắt.
– Rối loạn lo âu: Tuy hay cáu giận nhưng người suy nhược thần kinh lại rất dễ sợ hãi, các biểu hiện khác có thể gặp như sợ bẩn, sợ giao tiếp, sợ bị bệnh… Lúc nào họ cũng nghĩ mình đang mắc bệnh rất nghiêm trọng dù đi kiểm tra không thấy có dấu hiệu mắc bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm hơn như trầm cảm, mất trí nhớ.
Người bệnh suy nhược thần kinh còn gặp các triệu chứng cơ khớp và thần kinh: đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, cảm giác đau nhức cơ, rối loạn cảm giác… đau đầu, chóng mặt, hoa mắt. Triệu chứng tiêu hóa: cảm giác buồn nôn, chán ăn, trướng bụng, đầy hơi, táo bón… Triệu chứng tim mạch: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, thở gấp, đau tim khi thay dổi tư thế vận động.
Xem thêm : Top 10 thuốc bổ não tốt nhất của mỹ