Những người đàn ông chậm dậy thì

Anh thợ kim hoàn ở Hà Nội biết mình có vấn đề từ năm 16-17 tuổi. Khi ấy, trong khi bạn bè đều phổng phao, đổi giọng thì anh Thành vẫn không thay đổi gì, đặc biệt là ở bộ phận sinh dục. Anh không dám đi khám và luôn mặc cảm, thậm chí còn nghĩ sẽ không lấy vợ. Năm 35 tuổi, gặp được một người phụ nữ có nhiều đồng cảm, anh kết hôn nhưng đời sống chăn gối không mấy mặn mà vì anh ít có nhu cầu. 

Lấy vợ gần hai năm chưa có con, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ ngạc nhiên khi thấy người đàn ông sắp bước vào tuổi trung niên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dậy thì. “Cậu nhỏ” của anh bé bằng ngón tay cái, khi cương lên chỉ dài hơn 7 cm, hai tinh hoàn nhỏ xíu. Các đặc tính sinh dục phụ cũng chưa thấy: Da mặt trắng bệu, nhẵn mịn, da bìu chưa có nếp nhăn, lớp mỡ dưới da dày, không thấy lông mu lông nách, râu ria nhẵn nhụi, nói giọng trong trẻo như một cậu bé.

Kết quả xét nghiệm cho thấy anh không có tinh trùng, lượng nội tiết tố nam rất thấp, mặc dù các hoóc môn hướng sinh dục khác bình thường. Bác sĩ chỉ định điều trị sớm để tìm cơ hội có con, dù tỷ lệ thành công thấp, anh Thành đắn đo mãi, tới hơn một năm sau mới quay trở lại phòng khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn.

“Với trường hợp này, ban đầu tôi không hy vọng nhiều, nhưng sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân tiến triển rất tốt, tinh hoàn to gấp đôi, ‘cậu nhỏ’ phổng phao hẳn, chiều dài khi cương đã lên tới hơn 10 cm, lông mu, lông nách và râu ria đã lún phún. Sau liệu trình gần một năm, xét nghiệm tinh dịch đồ đã xuất hiện có tinh trùng, dù ít nhưng có tinh trùng khỏe”, người trực tiếp điều trị cho anh Thành, bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết. 

Theo bác sĩ, bệnh nhân tiếp tục điều trị và theo dõi, đồng thời được khuyên sinh hoạt tình dục bình thường một thời gian nữa. Nếu có thai tự nhiên được thì tốt, còn không, với lượng tinh trùng trên anh có thể dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản để thụ thai.

bs-hung-8541-1402883031

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng tư vấn cho một bệnh nhân hỗ trợ sinh sản. Ảnh: B.H.

Theo bác sĩ Hưng, trường hợp của anh Thành trong y học gọi là chứng suy sinh dục hay chậm dậy thì. Không ít nam giới mắc phải tình trạng này, tuy nhiên ít ai để khi 39 tuổi mới có cảm giác dậy thì hoàn toàn như trường hợp trên. Mới đây, bác sĩ cũng tiếp nhận một nam giới 25 tuổi đến khám với bộ phận sinh dục nhỏ như của trẻ em, hai tinh hoàn bé bằng hạt lạc. “Em ngại không muốn đi khám nhưng mới đây, vợ sắp cưới bắt em phải đi kiểm tra, không thì hủy đám cưới luôn”, chàng trai kể. 

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng cho biết, trước đây, theo quy luật “gái thập tam, nam thập lục”, trẻ nam thường dậy thì khi khoảng 16-17 tuổi. Hiện nay, độ tuổi dậy thì sớm hơn, khoảng 14-15. Khi đó, các bạn trẻ sẽ thấy một số dấu hiệu như “cậu nhỏ” phổng phao, giọng nói thay đổi từ trong sang khàn, đục, mọc lông ở nách, vùng sinh dục, bắt đầu có hiện tượng xuất tinh, có thể xuất tinh trong lúc ngủ (mộng tinh)… Thời kỳ này, tinh hoàn hoạt động, sản sinh đủ nội tiết tố, tạo ra các đặc tính của người nam. Tới 17-18 tuổi, nam giới dậy thì hoàn toàn (bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ, ham muốn tình dục rất cao…). 

Tuy nhiên, một số bạn trẻ vì lý do nào đó quá trình này bị chậm lại, thậm chí không xảy ra. Hiện nay y học hiểu biết về cơ chế và các yếu tố thúc đẩy sự dậy thì vẫn chưa được được đầy đủ.

Theo bác sĩ Hưng, có giả thiết cho rằng, ở tuổi dậy thì, vùng dưới đồi (nền của đại não) nhận được tín hiệu thần kinh ‘đã đến lúc’ để vùng này được giải phóng (thoát ức chế) và sản xuất ra hoóc môn LHRH (Luteinizing hormone –releasing hormone). Hoóc môn này kích thích xuống tuyến yên, tuyến yên ra lệnh cho cơ quan sinh dục phải hoàn thiện và chín muồi. Sự hoàn thiện và chín muồi của tinh hoàn đánh dấu sự trưởng thành của người nam giới. Thời điểm ban đầu của sự hoàn thiện này được gọi là dậy thì. Ở những người chậm dậy thì, có thể các xung tín hiệu thần kinh từ não chưa đủ mạnh để gây thoát ức chế. 

Theo bác sĩ, tình trạng chậm dậy thì khác hẳn với bệnh lý teo tinh hoàn, mặc dù có một số biểu hiện giống nhau như tinh hoàn nhỏ, bộ phận sinh dục bé, không có hoặc có ít tinh trùng. Teo tinh hoàn là chỉ các trường hợp tinh hoàn trước đó đã phát triển bình thường, đã khởi phát dậy thì, nhưng vì nguyên nhân nào đó như chấn thương, xoắn, viêm tinh hoàn do quai bị, sau phẫu thuật hay xạ trị… nên teo nhỏ và nhẽo đi. Chậm dậy thì, teo tinh hoàn đều nằm trong bệnh cảnh suy sinh dục. 

“Có rất nhiều trường hợp bị bệnh lý chậm dậy thì nhưng thường ngại không dám đi khám, để lâu dẫn tới điều trị muộn khó khăn hơn và hiệu quả thấp”, bác sĩ chia sẻ.

Theo ông, nếu thấy có các biểu hiện như tinh hoàn nhỏ, dương vật nhỏ hơn so với các bạn cùng lứa tuổi (ở trẻ nhỏ), đến 16-17 tuổi mà “cậu nhỏ” vẫn chưa lớn, không thấy có lông, ria mép xuất hiện… thì nam giới nên đi khám để được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách.

Vương Linh

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.