Thuốc Mediator giết người thầm lặng

Cơ quan An toàn dược phẩm của Pháp (AFSSAPS) hôm 16.11 cho biết các chuyên gia dịch tễ học tin rằng thuốc Mediator có thể liên quan đến cái chết của ít nhất 500 người trong 33 năm hiện diện trên thị trường. Tờ Le Figaro nêu số liệu thậm chí còn khủng khiếp hơn: thuốc này có thể đã khiến từ 500-1.000 người tử vong. Theo AFSSAPS, khoảng 5 triệu người đã sử dụng Mediator, với thành phần chính là hoạt chất benfluorex, từ năm 1976 cho đến khi nó bị rút khỏi thị trường vào tháng 11.2009. Khi AFSSAPS quyết định chấm dứt lưu hành loại dược phẩm này với lý do nó không có tác dụng nhiều đối với bệnh tiểu đường và có thể gây tổn hại van tim, vẫn còn khoảng 300.000 người đang dùng thuốc.

Mediator

Tuy nhiên, lệnh cấm được thực thi không mấy nhanh chóng ở Pháp dù đã có không ít cảnh báo về tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. AFP dẫn lời tiến sĩ Irène Frachon khẳng định: “Giới chức y tế rất chậm chạp trong việc thu hồi loại thuốc này bất chấp nhiều lời báo động. Cá nhân tôi biết một số bệnh nhân và những gì họ phải chịu đựng. Một số người phải tiến hành phẫu thuật tim mở và phải uống rất nhiều thuốc”. Từ tháng 2 năm ngoái, bà Frachon đã cảnh báo AFSSAPS về những nguy hại đối với van tim của benfluorex. Bà ước tính rằng cứ 2.000 người dùng thuốc thì sẽ có một người gặp nguy hiểm đến tính mạng và 80% trong số những người bị tác động là phụ nữ.

Bộ trưởng Y tế Pháp Xavier Bertrand hôm 16.11 khuyến cáo những người đã dùng thuốc Mediator nên đi khám bệnh. “Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan y tế liên lạc với tất cả bệnh nhân có liên quan, đặc biệt là những người uống thuốc từ 3 tháng trở lên trong 4 năm qua”, ông nói.

Cục Quản lý dược (QLD), Bộ Y tế hôm qua đã có văn bản khẩn thông báo đến sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bệnh viện về tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Mediator (hoạt chất benfluorex).

Cục QLD nêu rõ, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các thầy thuốc cần hạn chế đến mức thấp nhất việc kê đơn thuốc Mediator, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trong điều trị. Đối với bệnh nhân đã sử dụng thuốc trên từ 3 tháng trở lên trong vòng 4 năm qua cần được bác sĩ khám, kiểm tra lại các triệu chứng hoặc dấu hiệu về van tim.

Khuyến cáo này đã được cơ quan quản lý dược của Pháp đưa ra hôm 16.11 vừa qua. Trước đó, ngày 30.8.2010, thuốc này đã bị Cục QLD ra quyết định rút số đăng ký lưu hành tại VN. Cục QLD cũng yêu cầu các sở y tế thông báo rộng rãi đến các cơ sở khám chữa bệnh các thông tin liên quan đến các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc nói trên. Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường theo dõi, phát hiện và xử lý trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục QLD cho biết đang khẩn trương xem xét mức độ nguy hại do tác dụng phụ của thuốc Mediator. Quyết định thu hồi trên toàn quốc sẽ đưa ra sớm nhất trong trường hợp sản phẩm này được xác định gây tác dụng phụ nguy hiểm cho người sử dụng.

“Tử dược” Mediator vẫn được bày bán!

Pháp và nhiều nước châu Âu, Mỹ cấm lưu hành biệt dược Mediator do các tác dụng phụ gây chết người nhưng tại VN đến nay vẫn được bày bán công khai loại thuốc này.

Dược phẩm có chứa hoạt chất benfluorex, tên biệt dược thường gọi là Mediator, do Hãng dược phẩm Servier (một trong hai hãng dược lớn nhất tại Pháp) sản xuất, là loại thuốc khá thông dụng tại VN trong điều trị bệnh đái tháo đường; giảm cholesterol, tan mỡ, giảm cân. Chị P., người kinh doanh tân dược lâu năm tại TP.HCM, cho biết: “Mediator hiện diện thị trường trong nước khoảng 20 năm nay và các bệnh viện, bác sĩ sử dụng thuốc này rất nhiều để điều trị cho người bệnh đái tháo đường thể 2, rối loạn mỡ máu. Thuốc dạng viên nén, có hàm lượng 150 mg. Ở các nhà thuốc tư, Mediator được bán rộng rãi, bởi người bệnh quá quen với loại thuốc này”.

Còn theo một bác sĩ chuyên khoa Nội tiết của Bệnh viện Chợ Rẫy: “Tại VN, ban đầu Mediator được dùng điều trị giảm lipid (mỡ) máu. Trong quá trình điều trị, các nhà chuyên môn nhận thấy thuốc còn có tác dụng hạ đường huyết. Nhưng thời gian gần đây một số bác sĩ không còn dùng nữa vì nghe một số nước thông báo thuốc có những tác dụng phụ không mong muốn”.

Ngưng nhập nhưng vẫn cho bán

Khi được chúng tôi hỏi về thuốc Mediator, bác sĩ tại một bệnh viện công ở TP.HCM bức xúc: “Pháp từ tháng 11.2009 (còn Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu từ tháng 12.2009) đã ra công bố về việc ngưng sử dụng biệt dược Mediator bởi những tác hại của nó gây ra cho người bệnh (khiến mệt mỏi, suy nhược, tổn thương van tim, nhiều người tử vong…).

Các nước họ theo dõi rất kỹ về hiệu quả sử dụng của loại thuốc này và ghi nhận tác hại của thuốc gây ra lớn hơn hiệu quả mang lại, nên đã đi đến quyết định ngừng sử dụng. Trong khi đó, mãi đến đầu tháng 9.2010 thì một số nhà chuyên môn trong nước mới nghe ngành y tế VN cho rút số đăng ký của Mediator tại VN, nhưng vẫn còn cho sử dụng thuốc đã nhập về đến khi thuốc hết hạn dùng”.

Cục Quản lý Dược nói gì?

Hôm qua, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế – cũng đã xác nhận: Ngày 30.8.2010, Cục đã ra quyết định rút số đăng ký thuốc Mediator (SĐK: VN-4519-07). Tuy nhiên, Cục vẫn chấp nhận cho thuốc nói trên, nếu sản xuất trước ngày ký quyết định, sẽ tiếp tục được lưu hành đến hết hạn dùng.

Trước thông tin báo nêu gần đây nhất (Thanh Niên 18.11) liên quan đến phản ứng không mong muốn của Mediator, Cục Quản lý dược đang tiếp tục cập nhật, tham khảo thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý dược của Mỹ, châu Âu về các khuyến cáo mới nhất. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý tiếp tục đưa ra hình thức xử lý phù hợp. (Liên Châu)

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 30.8.2010, Cục Quản lý dược VN mới có công văn số 260/QĐ-QLD gửi các sở y tế, các bệnh viện… về việc rút số đăng ký đối với biệt dược Mediator (hoạt chất benfluorex), số đăng ký: VN-4519-07 và 2 tuần sau ngày ban hành, các sở y tế, bệnh viện mới nhận được công văn 260.

Thế nhưng, dù rút số đăng ký, các loại thuốc Mediator được sản xuất trước ngày 30.8 vẫn được Cục Quản lý dược cho phép lưu hành đến khi thuốc hết hạn sử dụng. Dược sĩ M. (TP.HCM) nhìn nhận: “Nếu chiếu theo công văn của Cục Quản lý dược thì những hộp thuốc Mediator còn hạn dùng 1-2 năm, thậm chí 3-4 năm vẫn tiếp tục được bán đến vài năm nữa? Phải chăng Cục quy định vậy là tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu bán cho hết số thuốc đã nhập? Vậy sức khỏe người bệnh thì sao? Chưa kể, quy định này sẽ làm phức tạp thị trường thuốc, vì thuốc trên thị trường có thể từ hai nguồn: hàng chính thức còn tồn và nguồn thuốc xách tay về “hợp thức hóa” theo quy định…”.

Điều đáng nói là Cục Quản lý dược VN ra công văn nói trên xuất phát từ việc Công ty Les Laboratoires Servier (Pháp) có văn bản gửi Cục xin rút số đăng ký Mediator, chứ không phải Cục chủ động rút số đăng ký đối với thuốc này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được các chủ nhà thuốc cho biết khoảng vài tháng nay nhà phân phối thuốc Mediator đã thông báo cho họ về việc không phân phối mặt hàng này nữa, chứ các nhà thuốc không có thông tin gì chính thức từ cơ quan chức năng.

Nhà thuốc trục lợi!

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay sau khi có thông tin cấm nhập khẩu biệt dược Mediator, giá thuốc này trên thị trường tăng chóng mặt. Anh D., chủ một hệ thống nhà thuốc bán lẻ tại TP.HCM, cho biết trước đây Mediator chỉ có giá bán lẻ hơn 50 ngàn đồng/hộp 30 viên. Khi có thông tin thuốc bị cấm lưu hành ở nước ngoài, từ khoảng tháng 7.2010, giá Mediator tại TP.HCM bắt đầu tăng chóng mặt và tháng 11 lên khoảng 200 ngàn đồng/hộp.

Chiều 18.11, PV Thanh Niên khảo sát gần 20 nhà thuốc ở các khu vực lân cận Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)… phần đông các nhân viên nhà thuốc đều cho biết “đang hết hàng Mediator”. Có nơi dè dặt khi nghe hỏi về thuốc này. Có nhà thuốc, nhân viên khi nghe chúng tôi hỏi mua thuốc Mediator đã hỏi lại: “Anh không thấy Báo Thanh Niên đăng về tác hại của thuốc này sao?”, rồi nhiệt tình mở bài báo Thanh Niên ra đưa cho chúng tôi xem… Nhưng không ít nhà thuốc nhân viên cho biết vẫn còn hàng Mediator và đi vào bên trong lấy thuốc ra bán với giá 6.000 đồng/viên, hạn dùng của thuốc đến tháng 12.2010.

Tương tự, khảo sát của PV Thanh Niên tại chợ thuốc Ngọc Khánh và các nhà thuốc bán lẻ trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho thấy giá thuốc Mediator cũng đã tăng vọt so với trước, từ 50.000 đồng/hộp 30 viên lên 150.000 đồng/hộp.

Nguồn: Báo Thanh niên