Vậy không còn phải chậm trễ được nữa. Nhất là nghiên cứu lại đang sôi nổi. Có không dưới một chục loại thuốc đang được thí nghiệm ở châu Âu hay ở Hoa Kỳ, trong đó flibansérine đứng đầu danh sách. Hãng dược phẩm Boehringer xác nhận rằng “thuốc flibansérine kích thích những nơi của não bộ liên kết với các cảm xúc và khoái lạc”. Mặc dầu “các nghiên cứu đang được tiến hành để biết rõ hơn cách tác dụng”, người ta đã biết rằng thuốc này tác dụng chủ yếu lên nồng độ sérotonine trong não bộ, một chất trung gian hóa học có liên hệ trong sự lo lắng và các cảm xúc. Trong một công trình nghiên cứu vào năm 2002, Franco Borsini, nhà nghiên cứu của phòng bào chế Ý, cũng gán cho nó một tác dụng lên các thụ thể của dopamine, chất dẫn truyền thần kinh can thiệp trong vòng khoái lạc (circuit du plaisir).
Trong trắc nghiệm đang được tiến hành, các phụ nữ tất cả đều có một bệnh lý mới, được mệnh danh là “rối loạn ham muốn tình dục thiếu hoạt động” (hypoactive sexual desire disorder (HSDD), trouble du désir sexuel hypoactif).
Sự đầu tư tài chánh đã đổ ra ồ ạt, được khích lệ bởi những kết quả của các công trình nghiên cứu sơ khởi của giai đoạn II, trong đó, theo phòng thí nghiệm, các bệnh nhân được điều trị với flibansérine “ đã cảm thấy ham muốn nhiều hơn và một thỏa mãn tính dục gia tăng ”.
Tuy nhiên cần ghi chú rằng để có hiệu quả người dùng phải là người bệnh ! Thuốc dường như chỉ tác dụng sau 6-8 tuần điều trị. Trái với Viagra, tác dụng gần như tức thời, đây đúng hơn là một điều trị lâu dài (traitement de fond). Dẫu sao đi nữa, “ flibansérine mang lại một ham muốn ở một mức bình thường ” . Mặc dầu không nói rõ thế nào là “ bình thường ”.
Tuy vậy, chất kích thích dục tính này suýt nữa có một định mệnh khác hẳn. Boehringer trước hết, trong những năm 1990, đã trắc nghiệm flibansérine để chống lại chứng trầm cảm. Các nhà nghiên cứu người Đức trông đợi một tác dụng nhanh của flibansérine trong chỉ định này. Nhanh hơn những điều trị với Prozac, Deroxat..đã có trên thị trường, điều này cho phép họ cạnh tranh với các thuốc chống trầm cảm này. Thế mà, với sự ngạc nhiên toàn thể, nếu những kết quả chống lại bệnh trầm cảm đã không có sức thuyết phục, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một tác dụng đáng kể lên dục tính của phụ nữ. Nhưng làm sao giải thích hiệu quả nghịch lý này trong khi các thuốc chống trầm cảm được biết là làm hạ dục tính ?
Trả lời của Boehringer : flibansérine, do cách tác dụng của nó, không thuộc vào họ của những IRS (inhibiteurs de la recapture de la sérotonine, loại Prozac, Deroxat, Zoloft,…). Các IRS làm gia tăng nồng độ sérotonine trong khớp thần kinh (synapse) bằng cách ngăn cản sự bắt giữ trở lại (recapture) trong neurone trước khớp thần kinh (neurone présynaptique). “ Trái lại, flibansérine tác dụng với tư cách chất chủ vận (agonist) của các thụ thể 5-HT1A và chất đối kháng của các thụ thể 5-HT2A.”, Kết luận của phòng bào chế : “ flibansérine không phải là thuốc chống trầm cảm ”, điều này đã mở đường cho những nghiên cứu khác. Thế mà Paolo D’Aquila thuộc đại học Swansea (Vương Quốc Anh), vào năm 1977, kết luận rằng những kết quả được quan sát nơi chuột cho thấy một tác dụng chống trầm cảm nhanh của flibansérine ” .
Thế thì biết tin ai ?
Cần phải làm sáng tỏ vì cần phải biết rằng những thuốc chống trầm cảm có thể gây nên những hiện tượng làm mất ức chế (désinhibitiion), mà trong vài trường hợp có thể dẫn đến tự tử. Coi chừng sử dụng flibansérine như thuốc kích dục mà không được theo dõi ! Trong khi chờ đợi những xác nhận rõ ràng hơn, hãng Boehringer chỉ xác nhận rằng flibansérine nhìn toàn bộ là thuốc “dung nạp tốt”. Như vậy tránh được một bất ngờ tai hại.
HN (Nguồn: SCIENCES ET AVENIR )