Chanh là một số loài thực vật cho quả nhỏ, thuộc chi Cam chanh (Citrus), khi chín có màu xanh hoặc vàng, thịt quả có vị chua. Quả chanh được sử dụng làm thực phẩm trên khắp thế giới – chủ yếu dùng nước ép của nó, thế nhưng phần cơm (các múi của chanh) và vỏ (zest) cũng được sử dụng, chủ yếu là trong nấu ăn và nướng bánh.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY CHANH
C_15CHANH, má điêu (Thái), chứ hở câu (H’mông), mác vo (Tày), piều sui (Dao)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY CHANH
Lá, quả, rễ. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Quả thu hái vào mùa thu, dùng tươi hoặc phơi khô, muối dùng dần.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY CHANH
Lá chứa tinh dầu 0,3-0,5%, stachydrin. Vỏ quả chứa tinh dầu gồm D-limonen, a-pinen,b-phellandren, camphen, citral và pectin. Dịch quả: acid citric 5-10%, citrat acid calci-kali 1-2%, vitamin C, B1, riboflavin.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY CHANH
Lá chanh tươi nấu nước xông chữa cảm cúm. Lá, rễ, vỏ quả chữa ho, viêm họng, khó thở, nhức đầu, đau nhức mắt, sưng vú tắc tia sữa, kém ăn, nôn, rắn cắn. Ngày 6 – 12g ngậm hoặc sắc uống. Dịch quả giải khát, chữa bệnh scobut, lợi tiểu. Tinh dầu vỏ quả dùng làm thơm.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY CHANH
Cây chanh có tên khoa học là CITRUS LIMONIA Osbeck thuộc họ RUTACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY CHANH
Cây nhỡ, có gai dài. Lá mọc so le,mép khía răng. Hoa trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành chùm, 2-3 hoa. Quả hình cầu, vỏ quả mỏng, khi chín màu vàng nhạt, vị chua.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY CHANH
Hoa: Tháng 3 – 5; Quả: Tháng 7 – 9.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY CHANH
Cây được trồng ở khắp nơi lấy lá và quả làm gia vị và làm thuốc.
Trên đây là một số thông tin về cây chanh, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây chanh được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)