Bác sĩ, “bao thư” và quà cáp: quan điểm từ ngoài

Ở nước ngoài, bệnh nhân cho quà bác sĩ cũng khá phổ biến. Trong một cuộc điều tra ngẫu nhiên trên 378 bác sĩ Anh, có đến 20% cho biết họ từng nhận quà từ bệnh nhân trước đó 3 tháng. Giá trị trung bình của món quà là 15 USD. Quà thông thường nhất là rượu, kế đến là chocolate, và tiền mặt. Ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây thì hầu hết bác sĩ Việt Nam đều có nhận quà của bệnh nhân. Nhưng có lẽ quan trọng nhất và đáng quan tâm nhất là nhận tiền của bệnh nhân, mà ngôn ngữ báo chí là “nhận bao thư”, hay nói thẳng ra là nhận tiền. Đó là một vấn nạn nhức nhối xã hội đang bàn tán, và vấn đề rất đáng quan tâm.

bac-si-bao-thu

Nếu bệnh nhân đem quà cho bác sĩ một cách tự nguyện, câu hỏi đặt ra là bác sĩ có nên nhận quà hay không? Nếu bác sĩ nhận quà, liệu có vi phạm y đức hay không? Câu trả lời có lẽ còn tùy thuộc vào động cơ cho quà và hình thức cho quà. Có 3 động cơ khi bệnh nhân đưa quà cho bác sĩ: gây ảnh hưởng, làm phúc, và cảm tạ. Chúng ta thử xét qua từng động cơ dưới đây:

Thứ nhất, cho quà cho bác sĩ để gây ảnh hưởng. Gây ảnh hưởng ở đây bao gồm được ưu tiên điều trị (không xếp hàng), được hưởng đặc lợi (như nằm phòng đặc biệt), v.v. Cho quà với động cơ tác động đến bác sĩ hay nhân viên y tế nói chung để được đặc lợi là một hình thức hối lộ, và bác sĩ nhận quà trong trường hợp này là tham nhũng. Do đó, bác sĩ nhận quà trong tình huống đó thể hiện một sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Bác sĩ có nghĩa vụ phải trung thành với bệnh nhân. Làm lời từ việc điều trị bệnh nhân là một cách vi phạm lòng trung thành đó. Nhận quà cũng làm xói mòn mối liên hệ đặc biệt mang tính đạo lí giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Thứ hai là động cơ cho quà vì bản chất bệnh nhân là muốn làm phước. Thật vậy, có không ít người do bản chất rộng rải, và họ cho quà vì động cơ làm phúc, cũng giống như chúng ta hay cho quà người thợ cắt tóc, thợ sửa xe, v.v. Người cho quà và cảm thấy vui khi làm việc đó. Trong trường hợp này thì không có vấn đề về y đức, nhưng vẫn có vấn đề về so sánh giữa người cho quà và người không cho quà.

Tuy nhiên, ngay cả cho quà là một hành động hoàn toàn mang tính vị tha, làm phúc, nhưng những bệnh nhân khác có thể không cảm nhận như thế. Nếu các bệnh nhân khác nghi ngờ người cho quà sẽ được ưu tiên trong điều trị thì họ cũng sẽ cố gắng mua bác sĩ bằng những món quà đắc tiền hơn. Trong thực tế đã có nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ nhận quà của bệnh nhân (dù bệnh nhân giàu hay nghèo) có ảnh hưởng đến tâm lí và cách đối xử. Bác sĩ nhận quà thường tiêu ra nhiều thời gian hơn và ưu ái hơn với bệnh nhân họ nhận quà. Do đó, ngay cả với động cơ thuần túy làm phúc, việc bác sĩ nhận quà cũng ảnh hưởng đến phán xét và ứng xử của họ.

Thứ ba, có người cho quà như là một cách nói lời cám ơn. Ở đây, vấn đề có thể phức tạp hơn vì mối liên hệ giữa người bác sĩ và bệnh nhân. Nhiều người có quan điểm rằng sự liên đới giữa bệnh nhân và bác sĩ nên ở mức độ trung dung và khách quan, và do đó việc bác sĩ nhận quà là không chấp nhận được vì sẽ làm tổn hại mối liên đới đó. Nhưng cũng có người cho rằng mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là sự tin tưởng lẫn nhau và lòng trắc ẩn, một tình bạn đặc biệt. Và, nếu là tình bạn, thì việc cho quà lẫn nhau là một điều rất bình thường, không có gì để gọi là vi phạm y đức.

Đứng trên góc độ tâm lí, hành động cho quà cũng có thể hiểu như là một nỗ lực bình đẳng quyền thế. Mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là mối liên hệ thiếu bình đẳng, vì trong đó bệnh nhân phụ thuộc vào kiến thức và kĩ năng của bác sĩ và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân cho quà để thể hiện quyền thế của mình, vì điều đó cho thấy họ đang đến trên bác sĩ, là người ban phát ân huệ cho bác sĩ.

Quan trọng hơn hết, hành động nhận quà làm giảm phẩm cách của người bác sĩ. Cứu người là món quà quí báu nhất, và không có món quà nào — dù đắt tiền cỡ nào — có thể sánh bằng. Cón những cách để nói lời cám ơn bác sĩ, chẳng hạn như một lá thư “cám ơn” hay một bức ảnh cho thấy bệnh nhân đang hồi phục, còn có nhiều ý nghĩa hơn là một món quà.

Tuy nhiên, vấn đề là rất khó biết chính xác động cơ của mỗi hành động cho quà. Ở nước ngoài, không bác sĩ nào có thể biết chính xác tại sao bệnh nhân cho quà. (Nhưng ở Việt Nam thì bác sĩ và bệnh nhân đều biết — như đề cập dưới đây). Nếu không biết chính xác động cơ thì “nguyên tắc an toàn” nhất là không nhận quà. Chính vì lí do này mà Hội đồng Y khoa Anh khuyến cáo bác sĩ nên cho bệnh nhân biết rằng họ không nên cho quà cáp cho bác sĩ, và bác sĩ tuyệt đối không được gây áp lực gián tiếp hay trực tiếp để bệnh nhân phải cho quà.

Những bàn luận và lí giải về quà cáp trên có lẽ còn quá “nhẹ” so với tình hình ở Việt Nam. Ở nước ngoài, nhận một chai rượu, thậm chí một hộp kẹo chocolate (thông thường nhất) của bệnh nhân đã có thể xem là vi phạm y đức. Chuyện bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân (rất hiếm xảy ra) hầu như bị xem là một hành vi tham ô và bị phạt nặng nề. Ở Việt Nam, theo như báo chí và người bệnh phản ảnh thì bác sĩ nhận tiền là nhiều nhất, kế đến là quà bằng hiện vật. Một nghiên cứu do Gs Phạm Minh Đức thực hiện vào năm ngoái cho thấy xu hướng đáng báo động. Theo nghiên cứu này, gần 66% bác sĩ thú nhận rằng họ thường xuyên vi phạm y đức. Đặc biệt, có đến 40% bác sĩ “gây khó khăn cho bệnh nhân để nhận tiền của bệnh nhân”. Tuần trước, kết quả khảo sát trên 6000 độc giả của báo Dân Trí cho thấy có gần 3/4 bệnh nhân đưa phong bì do bác sĩ hoặc y tá gợi ý. Những lí do đưa phong bì thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là nhằm gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của bác sĩ và nhân viên y tế, như một bệnh nhân nói “muốn được việc và muốn nhanh, muốn ‘đỡ đau’.” Việc bác sĩ gợi ý để nhận tiền của bệnh nhân đã là một hành vi tham nhũng và vi phạm y đức ở hình thức tồi tệ nhất. Không có cách nào và không ai có thể biện minh cho hành động đó. Việc bác sĩ đưa tay nhận tiền của bệnh nhân để đối xử với bệnh nhân một cách ưu ái hơn so với người không đưa phong bì cũng là một vi phạm y đức. Chiếu theo quan điểm về y đức ở nước ngoài, hành động nhận tiền và nhận quà dù bất cứ lí do nào còn tự làm thấp thiên chức của người thầy thuốc.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn – Nguồn: nguyenvantuan.net