SGTT.VN – Chỉ trong hai tháng, báo chí đã ghi nhận ít nhất bảy ca sản phụ tử vong khi sanh nở, gây bức xúc mạnh mẽ trong công luận. Giới truyền thông và giới trách nhiệm đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về hiện tượng này. GS Dương Quang Trung, nguyên giám đốc sở Y tế và trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, nhận định:
“Chúng ta phải nhìn nhận tai biến y khoa một cách toàn diện, chứ nếu nhìn nhận phiến diện thì cơ quan chức năng chẳng ai chú ý, không ai sửa và tai biến vẫn xảy ra”.
Thưa ông, toàn diện là như thế nào?
Trước tiên phải xác định ngành y là một ngành rất nhạy cảm vì xảy ra chuyện gì ở đây cũng gây bức xúc trong dư luận và dẫn đến thiệt hại cho con người. Vì thế thái độ thiếu tỉnh táo có thể dẫn đến những hậu quả không tốt như người nhà bệnh nhân tìm bác sĩ trả thù sau khi tai biến. Theo tôi, trước một tai biến chết người trong ngành y, chúng ta phải xem xét hai hoàn cảnh: người thầy thuốc có hạn chế về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn không hay họ tắc trách, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân. Ở nguyên nhân đầu, thiệt hại cho bệnh nhân là vô tình, phần nào có thể thông cảm. Nhưng với nguyên nhân sau, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về thầy thuốc, rất khó thông cảm.
Ở các nước, khi xảy ra tai biến y khoa, người ta làm gì?
Ngành y nước ngoài có hội đồng chuyên môn để giải quyết những vấn đề này, và trên hết họ có nghĩa vụ luận và nghĩa vụ luật. Trên cơ sở xem xét trách nhiệm của người thầy thuốc (nghĩa vụ luận) người ta xây dựng hàng trăm điều luật chặt chẽ, quy định điều gì người thầy thuốc được làm hay không được làm (nghĩa vụ luật). Khi xảy ra chuyện, hội đồng chuyên môn cứ lấy nghĩa vụ luật để phân xử. Tổ chức quản lý nghĩa vụ luận và nghĩa vụ luật là y sĩ đoàn hay bác sĩ đoàn. Tổ chức này độc lập, gồm những người giỏi về chuyên môn và tiêu biểu cho ngành nghề. Nếu thấy bác sĩ sai nặng, y sĩ đoàn sẽ gạch tên bác sĩ đó ra khỏi tổ chức và họ không còn được hành nghề. Hoạt động của y sĩ đoàn được mọi người nhìn vào, nên không có chuyện các thành viên tuỳ tiện, khắt khe hay thiếu công tâm.
Hàng chục năm qua, ông luôn cổ vũ, vận động cho việc thành lập y sĩ đoàn, vì sao đến bây giờ tổ chức này vẫn chưa ra đời?
Có thể là các nhà quản lý nghĩ rằng tổ chức này chưa cần thiết vì hiện tại đã có quy chế, quy định cho người thầy thuốc và bản thân những người này cũng là công chức nhà nước và do cơ quan nhà nước quản lý.
Vậy theo ông suy nghĩ như thế là không đúng?
Theo tôi ngành nghề nào cũng phải có luật của ngành nghề đó và khi xảy ra vụ việc nên để người của ngành nghề đó xử lý hay hơn. Những quy định, quy chế hiện nay trong ngành y không phải là những điều luật cụ thể, vì thế khi xảy ra chuyện dễ dẫn đến tranh cãi. Nếu ngày nào chúng ta chưa có nghĩa vụ luật, chưa có y sĩ đoàn thì vẫn còn xảy ra những tranh cãi về tai biến y khoa, vẫn còn đó chuyện không đồng tình về hình thức kỷ luật cho người thầy thuốc sau tai biến như cho rằng quá nặng, quá nhẹ hay dị nghị chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Nếu không lập y sĩ đoàn, vẫn còn đó những kẽ hở, từ đó xử lý sẽ không nghiêm.
Ông cho rằng phải nhìn nhận tai biến y khoa một cách toàn diện, như thế chỉ cần lập y sĩ đoàn hay xây dựng được nghĩa vụ luật là có thể giải quyết được vấn đề này?
Để giải quyết tai biến y khoa, ngoài sự ra đời của nghĩa vụ luật và y sĩ đoàn, chúng ta cần nhiều điều kiện khác, chẳng hạn từ đào tạo. Trước đây người thầy thuốc cần phải có y đạo, y đức và y thuật, nhưng ngày nay người ta đòi hỏi họ phải có cả y nghiệp. Y nghiệp là tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc trong rèn luyện và nâng cao tay nghề. Y học hiện nay tiến bộ rất nhanh, có những kiến thức ngày trước đúng nhưng ngày nay sai, hoặc ngược lại. Vì thế người bác sĩ cần phải học liên tục, học hoài để không bị lạc hậu, không gây tai biến cho bệnh nhân. Ngày nay, chúng ta cũng tổ chức đào tạo cho bác sĩ sau ra trường, nhưng theo tôi chưa tốt lắm và Nhà nước nên giao chuyện này cho các hội đoàn quần chúng, vì Nhà nước làm một mình sẽ ôm đồm, không xuể.
Có ý kiến cho rằng việc đào tạo y khoa hiện nay chưa tốt, vì thế thầy thuốc khi ra trường làm việc dễ gây ra tai biến y khoa. Quan điểm của ông như thế nào?
GS Dương Quang Trung: Không chỉ trong nước mà nước ngoài người ta cũng nhìn nhận việc đào tạo y khoa của ta chưa tốt. TP.HCM có hai trường đại học, trong khi trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM – nhận các sinh viên thành phố – với điểm đầu vào thống nhất thì đại học Y dược – nhận sinh viên cả khu vực phía Nam – có điểm đầu vào khác nhau, như bên cạnh “điểm chuẩn” còn có “điểm ưu tiên” cho sinh viên diện chính sách, vùng miền. Trường hợp này, đầu vào chênh lệch thì đầu ra sẽ chênh lệch. Theo tôi, nước nhà đã thống nhất gần 40 năm rồi, chúng ta nên giảm bớt chuyện này. Nếu không sẽ có hai dạng thầy thuốc khi ra trường, dạng đúng chuẩn và dạng không đúng chuẩn. Một khi nâng cao được chất lượng điều trị thì chúng ta sẽ giảm bớt được rủi ro xảy ra tai biến cho bệnh nhân.