Không hẳn bệnh nào cũng do bội nhiễm, mặc dầu môi trường sinh hoạt ở nhiều nơi trên nước mình thừa sức lãnh huy chương vàng về ô nhiễm. Tuy vậy, không ít thầy thuốc vẫn có thói quen, hay nói đúng hơn cho dù có phật ý nhiều đồng nghiệp, vẫn giữ “phản xạ có điều kiện” theo kiểu cứ hễ biên toa thì cho thuốc kháng sinh nào đó. Hậu quả là không ít bệnh nhân lãnh đủ, phần vì phản ứng phụ, phần vì thuốc mau lờn, trong khi “tiền thầy lỡ bỏ túi”!
Nếu không biết “thầy còn nhớ hay thầy đã quên” chỉ còn mong trò có đủ can đảm nhắc thầy giữ sao cho đúng đạo làm thầy… thuốc! Muốn bảo vệ bản thân trước tình trạng lờn thuốc do lạm dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần lưu ý một số biện pháp như:
-Hỏi nhỏ thầy về mức độ bội nhiễm để qua đó nhắc khéo thầy vui lòng rà lại xem căn bệnh có thật sự do vi khuẩn?!, hay chỉ vì cảm giác chủ quan của thầy?, thay vì ngoan ngoãn chấp nhận toa thuốc với tên thuốc kháng sinh dường như đã được viết sẵn, hay thậm chí in sẵn để thầy thuốc đỡ mất giờ trong lúc biên toa!
-Can đảm thảo luận với thầy thuốc về phản ứng phụ của thuốc cũng như giải pháp thay thế trong trường hợp cơ thể không dung nạp thuốc, thay vì cắn răng nuốt thuốc cho vui lòng thầy!
-Báo ngay cho thầy thuốc nếu đã từng dị ứng với loại thuốc kháng sinh nào đó. Nên viết rõ tên thuốc đã gây dị ứng và cất kỹ đâu đó trong túi. Đừng quên, phản ứng do dị ứng thuốc một khi tái phát bao giờ cũng trầm trọng hơn lần đầu.
-Kể cho thầy thuốc tất cả các loại thuốc khác đang dùng để tránh trường hợp tương tác bất lợi. Nên nhớ nằm lòng là thuốc nào cũng có thể trở thành thuốc… độc!, nếu sai liều lượng, hay vì thuốc bất ngờ thay đổi cấu trúc do tiếp xúc với tác chất khác trong dược phẩm, thực phẩm…
-Nếu thầy thuốc thuộc nhóm “ít nói” thì tìm cách tham vấn dược sĩ nơi mua thuốc để biết cách giảm thiểu hay phòng ngừa phản ứng phụ của loại thuốc kháng sinh được biên toa. Nếu dược sĩ cũng chọn thái độ “im lặng là vàng” thì cách tốt nhất không là “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, vì tờ bướm trong hộp thuốc ít khi được trình bày dễ hiểu cho người tiêu dùng!, mà là tìm ngay… nhà thuốc khác!
-Thông tin rõ ràng cho thầy thuốc nếu trước đó vừa cư trú ở một nơi xa lạ để thầy thuốc lưu ý đến vai trò của yếu tố dịch tể trong phác đồ điều trị.
-Dùng thuốc đúng liều lượng và liệu trình theo sát y lệnh của thầy thuốc. Đừng tự ý ngưng thuốc cho dù bệnh thuyên giảm thấy rõ. Cũng đừng dùng toa cũ mà mua thuốc mới để tự điều trị ngay cả khi bệnh chứng giống y lần trước. Càng không nên vì lòng tốt mà phổ biến toa thuốc kháng sinh cho láng giềng hay thân hữu vì bệnh có thể tương tự nhưng do nhiều nguyên nhân khác biệt.
Lý thuyết bao giờ cũng khác xa thực tế. Nhắc bệnh nhân hỏi thầy thuốc là chuyện quá dễ. Khó hơn nhiều là liệu bệnh nhân có được phép hỏi, hay tệ hơn nữa, có dám đánh bạo đặt vấn đề?
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
Nguồn: luonglehoang.com