Hải Thượng Lãn Ông thượng kinh ký sự

Hải Thượng Lãn Ông (“Ông già lười Hải Thượng”) là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác (1720,1724? – 1791). Quê cha ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Cuộc đời Lê Hữu Trác phần nhiều gắn bó với ở quê mẹ thôn Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), từ năm 26 tuổi đến lúc mất. Cha là Lê Hữu Mưu (*), mẹ là bà Bùi Thị Thưởng.

Khi cha mất, Lê Hữu Trác mới 20 tuổi, ông phải rời kinh thành về quê nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, mong nối nghiệp gia đình, lấy đường khoa cử để tiến thân. Nhưng xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi. Chỉ một năm sau (1740), ông bắt đầu nghiên cứu thêm binh thư và võ nghệ, “nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình” (Tựa Tâm lĩnh). Chẳng bao lâu sau, ông nhận ra xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và để lại bao đau thương, làm ông chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên đã nhiều lần từ chối sự đề bạt. Đến năm 1746, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự “bẻ tên cởi giáp” theo đuổi chí hướng mới.

hai-thuong-lang-ong

Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả “trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu” (Lời tựa Tâm lĩnh), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, nhiệt tình chữa khỏi. Trong thời gian hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông thường đọc Phùng thị cẩm nang và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho. Vốn là người thông minh học rộng, Lê Hữu Trác mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó. Mùa thu năm Bính Tý (1754), Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn “từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách” (Tựa Tâm lĩnh), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi khắp vùng Hoan Châu.

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng.

*

Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782), Lê Hữu Trác nhận được lệnh chúa Trịnh Sâm (1) triệu về kinh. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức yếu lại quyết chí xa lánh công danh, nhưng do theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm mà bộ Tâm lĩnh chưa in được, “không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được” (Thượng kinh ký sự), ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách. Vì vậy ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh, rời Hương Sơn lên đường.

Ra kinh đô, vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán (2), Lê Hữu Trác được Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn ông không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt khác ông không thật nhiệt tình chữa mà chỉ một lòng muốn trở về quê nhà, sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.

Thời gian ở kinh đô, Lê Hữu Trác nhiều lần xin về thăm cố hương Hải Dương, nhưng mãi đến tháng 9 năm 1782, chúa Trịnh mới cho phép ông về. Không lâu sau, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Về kinh ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi và cũng miễn cưỡng chữa tiếp cho Trịnh Cán.Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông. Ông bắt buộc phải nhận nhưng bụng nghĩ: “Mình tuy không phải đã bỏ quên việc ẩn cư, nhưng nay hãy tạm nhận phần thưởng rồi sau vứt đi cũng được” (Thượng kinh ký sự).

Sau khi Trịnh Sâm chết vì bệnh lâu ngày sức yếu, Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên “khí lực khô kiệt”, khó lòng khỏe được. Do nóng lòng trở về Hương Sơn, nhân có người tiến cử một lương y mới, Lê Hữu Trác liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh. Ngày 2 tháng 11 (năm 1782) Lãn Ông về đến Hương Sơn.

Năm 1783 ông viết xong tập Thượng kinh ký sự bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa – những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khí bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộTâm lĩnh.

Lê Hữu Trác qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn.

*

Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc VN, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư (3). Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học lớn nhất trong thời trung đại VN và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Hải Thượng y tông tâm lĩnh (NXB Y học Hà Nội, 2008 – tái bản), gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu… đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.

Tuy chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhưng Lãn Ông đã có óc sáng tạo vận dụng y lí hợp với hoàn cảnh khí hậu và thể chất của người Việt Nam và đã sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, như ở các cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo, Bách Gia Trân TàngHành Giản Trân Nhu. Nhận định về Lĩnh Nam không có thương hàn, Lãn Ông đã lập ra nhiều phương thang mới ghi ở cuốn Ngoại Cảm Thông Trị. Đặc biệt trong 2 cuốn Dương ÁnÂm Án, ghi lại những y án và phân tích về những bệnh đã chữa khỏi hoặc không chữa được. Cuốn Châu Ngọc Cách Ngôn để lại cho chúng ta những điều căn dặn rất bổ ích về chẩn đoán trị liệu và những sai lầm tai hại cần tránh.

Bộ sách của ông được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Bộ sách này đã đánh dấu bước tiến mới trong nền y học cổ truyền của Việt Nam, góp phần phát triển nền y học của đất nước.

Bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, nội dung gồm:

1. Tập đầu: Có bài Tựa, Phàm lệ mục lụcY nghiệp phần chương nói về nghề y, thái độ tư cách, khái quát bộ sách và tập thơ Y Lí Thâu Nhàn. 2- Nội Kinh Yếu Chỉ: nêu khái quát về cuốn kinh điển Nội kinh. 3. Y Gia Quan Miện: Khái niệm về Âm dương, Ngũ hành, quẻ số, can chi, mạch yếu. 4. Y Hải Cầu Nguyên: Soạn những lời thiết yếu của các tiên hiền, chú giải kỹ để làm rõ những điều huyền bí. 5. Huyền Tẫn Phát Vi: Nói rõ công dụng mở đầu của ‘Tiên thiên’, máy Âm dương, khiếu Thủy Hỏa và cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc. 6. Khôn Hóa Thái Chân: gồm có công dụng nuôi sống của ‘Hậu thiên’ nguồn gốc của khí huyết, cách luận bệnh xử phương. 7. Đạo Lưu Dự Vận: đem các ý nghĩ còn nghi hoặc, chưa rõ nghĩa trong các sách, cùng với những chỗ người xưa chưa nói đến để biện luận rõ ràng mà bổ sung vào những chỗ còn thiếu sót. 8. Vận Khí Bí Điển: chọn lấy bài phú Chiêm Vận, phong giác của họ Vương và thiên Ngọc Lịch, ngũ hành, chia ra cách xem mây, xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí, lập thành từng cách nghiệm đoán. 9. Dược Phẩm Vận Yếu: chọn lấy 150 vị thuốc thường dùng trong Bản thảo, chia làm 5 bộ để tiện tra khảo. 10.Lĩnh Nam Bản Thảo: soạn các vị thuốc cây cỏ ở Lĩnh Nam (bao gồm Việt Nam và miền Nam Trung quốc), chia thành môn loại, chú thích tính chất, cách chữa, cách thu hái… 11.Ngoại Cảm Thông Trị bàn về nước Nam ta không có bệnh thương hàn, mắc bệnh ngoại tà, đều là bệnh cảm mạo, tác giả không theo hình chứng lục kinh của Thương hàn luận nhưng Lãn Ông đã sáng chế ra 3 phương giải Biểu, 6 phương hòa Lý để chữa tất cả các bệnh ngoại cảm. 12. Bách Bệnh Cơ Yếu: chọn lấy các bệnh, môn trong sách kinh điển, xét nguyên nhân, cơ chế bệnh, phân biệt chứng trạng hư thực, tiên lượng cách chữa, xử phương, dụng dược. 13. Y Trung Quan Miện: soạn những điều hay mà tác giả đã lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc, những điểm cốt yếu. 14. Phụ Đạo Xán Nhiên chọn lọc trong các sách Phụ khoa những vấn đề về kinh nguyệt, đới hạ, thai, sản… lấy những điểm thiết thực cốt yếu, bỏ chỗ rườm rà… đồng thời bổ sung thêm những ý kiến của tác giả. 15. Tọa Thảo Lương Mô, tác giả thấy trong nhiều sách trước đó về Sản khoa viết rườm rà, được điều nọ, mất điều kia nên ông soạn, sắp xếp lại, bổ sung hoàn chỉnh hơn. 16. Ấu Ấu Tu Tri: tác giả thấy trong nhiều sách Nhi khoa trước đó viết rời rạc, không thống nhất nên tác giả đã soạn lại, xét nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, phân biệt chứng trạng cách chữa, xử phương làm chỗ cốt yếu và thêm phần tâm đắc. 17. Mộng Trung Giác Đậu: trình bày đầy đủ các kiến thức về bệnh Đậu… và bổ sung thêm kinh nghiệm đặc sắc phong phú. 18. Ma Chẩn Chuẩn Thằng:các phương pháp và kinh nghiệm tâm đắc trong điều trị bệnh sởi. 19. Tâm Đắc Thần Phương: trong khi lâm lâm sàng, tác giả đã hết sức suy nghĩ chọn ra nhiều phương thuốc thần diệu trong Phùng Thị Cẩm Nang. 20. Hiệu Phỏng Tân Phương: trong khi lâm sàng tác giả đã hết sức suy nghĩ lập ra nhiều phương thuốc đáp ứng với tình thế khó khăn. 21.Bách Gia Trân Tàng: tiếp thu bí phương của ông ngoại truyền lại cùng thu thập các phương thuốc quý, chữa được nhiều trường hợp khó. 22. Hành Giản Trân Nhu: chọn lấy các bài thuốc có những vị thuốc Nam, thuốc Bắc thông thường, dễ kiếm, tiện dùng. 23. Y Phương Hải Hội: tập hợp soạn các thang tễ, hoàn tễ trong các sách, rườm rà thì giảm đi, thiếu thì bổ sung thêm. 24. Y Án, Dương Án: Những suy nghĩ tâm đắc về các trường hợp nguy nan mà chữa thành công. 25. Y Án, Âm Án: tập hợp những bệnh án bệnh nặng, khó, tình thế tuyệt vọng dù cố hết sức mà không kết quả để rút kinh nghiệm. 26. Truyền Tâm Bí Chỉ hoặc còn gọi là Châu Ngọc Cách Ngôn, biện luận rõ ràng đầy đủ những nghĩa lý sâu xa trong sách, những chỗ tinh hoa của y thuật.
27.Tập (cuối) là cuốn Thượng Kinh Ký Sự, thuật lại cuộc lên kinh thành chữa bệnh cho Chúa Trịnh. Chỉ với giá trị sử học, văn học của cuốn ký sự này đã làm cho sự nghiệp văn hóa của Hải Thượng Lãn Ông nổi danh không kém gì sự nghiệp y học của tác giả. Về sau đã thu thập được nốt 2 cuốn là Nữ Công Thắng LãmVệ Sinh Yếu Quyết.

28 Tập của Pho Sách Bách Khoa Thư về Đông y “Lãn ông tâm lĩnh” là 28 viên ngọc quý, 28 vị sao (nhị thập bát tú) của bầu trời Y học phương Đông.

*

Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh) là tập ký sự bằng chữ Hán. Tác phẩm được ông xếp vào cuối bộ (quyển 65) Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (Những lĩnh hội tâm huyết về ngành Y của Hải Thượng) của mình, như một phụ lục, và được khắc in năm 1885. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất ở thế kỷ 18 thuộc Thể ký (ghi việc, kể chuyện). Năm 1924, Nguyễn Trọng Thuật dịch Thượng kinh ký sự và cho đăng trên Nam Phong tạp chí. Năm 1993, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) cho in Thượng kinh ký sự do Ứng Nhạc Vũ Văn Đình dịch. Năm 1989, nhà xuất bản Thông Tin cho in Thượng kinh ký sựdo Phan Võ dịch, Bùi Kỷ hiệu đính.

Thượng Kinh ký sự
kể chuyện một năm Lê Hữu Trác “thượng Kinh”, đáng chú ý là những trang mô tả quang cảnh kinh kỳ, nhất là trong phủ chúa Trịnh, nơi lắm xa hoa và quyền uy. Có thể nói, đây là những hình ảnh rất sống động mà ở vào thời ông sống chưa có nhà văn nào thực hiện được: đó là những ký sự đặc sắc và những sử liệu chính xác về sự sa hoa của phủ Chúa Trịnh:

“Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi. Tôi thầm nghĩ: “Mình vốn là công gia tử đệ, sinh trưởng ở kinh đô, mọi chốn trong Cấm thành đều thông thuộc; duy sự thể trong phủ chỉ được nghe nói thôi, mới hay cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường vậy.

Qua dẫy hành lang về phía tây thì đi dến một ngôi nhà lớn, vừa cao vừa rộng, hai bên để hai cỗ kiệu ngự, những đồ nghi truợng đều chạm trổ thiếp vàng; ở gian giữa kê cao một cái sập ngự cũng thiếp vàng; trên sập treo một cái võng điều. Trước sập và hai bên sập có kê kỷ án, đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, cúi đầu mà đi. Lại đi qua một cái cửa nách nữa thì đến một cái gác cao rộng. Trong gác những giường cột từ trên xuống dưới đều sơn son” (Thượng Kinh Ký sự).

Thượng kinh ký sự được tác giả viết theo thể nhật ký, không chia chương mục. Ở bản in của nhà xuất bản Thông tin, người dịch (Phan Võ) đã phân chia và đặt tên thành 10 tiểu mục: Giã nhà lên kinh ; Vào Trịnh phủ ; Nhớ quê nhà ; Làm thuốc và làm thơ ; Đi lại với các công khanh ; Tình cờ gặp người cũ ; Ngâm thơ, thưởng nguyệt ; Về thăm cố hương ;Vào phủ chúa chữa bệnh ; Trở về quê cũ. Người đọc thời nay có thể đi theo Lê Hữu Trác trên từng trang viết để được như là “tai nghe mắt thấy” rất nhiều chuyện, tiếp xúc với rất nhiều người, ở nhiều nơi của xã hội Việt Nam vào thời kỳ giữa TK18, thời kỳ có rất nhiều biến động lịch sử…

Chỉ nhìn vào những trang “ghi chép người thật, việc thật” của Thượng Kinh ký sự, ta đã thấy đó là một cây bút “hiện thực” đặc sắc. Song, với Lê Hữu Trác, một nhà thơ có tấm lòng ưu thời mẫn thế, có tâm hồn đa cảm thì thiên Thượng Kinh ký sự không chỉ là “hiện thực sinh động” mà hòa vào từng chi tiết hiện thực ta đều thấy tâm tư sâu lắng, tình cảm tinh tế mà chan chứa, thiết tha của một nhân cách lớn. Với những bậc đại Nho xưa, khi đã nhìn rõ sự xấu xa, thối nát của chính sự thì thường là “thoát tục” (ở ẩn, tu Tiên…). Lê Hữu Trác đã không “thoát tục” mà chọn cách xử thế là “cứu nhân độ thế”. Vì vậy, những ngày tháng phải ngồi chầu chực bên Phủ Chúa để chữa bệnh cho Trịnh Cán, mà không có hy vọng gì chữa khỏi bệnh, Lê Hữu Trác luôn đau đáu một nỗi nhớ quê nhà, nơi đó có những người thân, những người dân nghèo đang cần ông giúp đỡ. Cái tâm trạng này luôn thường trực trong suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ:

”Đêm hôm đó, tôi ngồi ngơ ngẩn một mình lại nhớ tới quê xưa. Trăng trong chiếu cửa sổ, mối tình thao thức chẳng chớp mắt được. Canh khuya mỏi mệt nằm trong cửa sổ mà ngủ. Nhưng tâm hồn sầu muộn cứ quấn quít bên gối, chợp chờn nghe tiếng chim vừa bay vừa kêu, bỗng tỉnh giấc. Một điểm sáng đèn tàn còn nguyên trên vách, tôi gọi tiểu đồng mang đàn lại chuyển điệu giờ lâu, lại sai pha trà, uống chừng vài ba chén trà cũng vô vị. Tôi ra trước sân đi tản bộ miễn cưỡng ngâm vài bài thơ nhỏ để tự an ủi:
Bài thứ nhất:

Tỉnh giấc quê đâu tá / Trước thềm nguyệt ló ra
Kêu đàn chim độc nọ / Ngắm cảnh hồ thu xa
Chơi núi thường nằm mộng / Ở Kinh vẫn thế mà
Dẫu khôn mà hóa dại / Danh nọ cứ ham a?

Bài thứ hai:

Cảnh tối ngồi nơi vắng / Từng mây lắng nhạn bay
Hồ trong trăng chiếu sáng / Cây cối hoa nở chầy
Trà cạn lòng thơ cạn / Đàn đây nỗi khách đây
Thương gà kêu nhớn nhác / Tinh tú quan hà đầy !”.

(Thượng Kinh ký sự)

Và hai bài thơ khác cũng ứng tác trong nỗi nhớ nhà:


Kỳ khách xá ngộ vũ cảm hoài thi văn

Cuồng phong sậu vũ hốt nhiên sinh / Khách xá tiêu tiêu vạn lũ tình
Viễn thụ hàm yên vân ngoại ám / Bình hồ suy lãng thủy trung minh
Qui sào mộ điểu phân quần khứ / Hà xứ sơ chung báo hiểu minh
Bất vị khổ trà năng khước thụy / Ưng tri thử dạ mộng nan thành.

Ở nhà trọ gặp mưa cảm hoài

Bỗng đâu gió táp lại mưa sa
Trăm mối u tình kẻ trọ xa
Mây cách hàng cây làn khói ám
Nước rung đợt sóng mặt hồ đưa
Chim chiều tìm tổ chia bầy tẽ
Chuông sớm ngờ nơi báo sáng mà
Trà đắng ai rằng không chợp mắt?
Đêm nay mộng mị dở dang a!

Kỳ đối nguyệt thư hoài thi văn

Nhận đắc Hương sơn nhất phiến nguyệt / Như hà dạ dạ chiếu thần kinh / Ỷ lâu ca quản thiên hồi túy / Cận thủy đình đài vạn sắc sinh / Đãn giác thanh thiêm diên thượng khúc/ Ưng tri đạm bức lữ trung tình / Di chân đường thượng kim tiêu hội / Mạc cổ dao cầm tác oán thanh.

Trông trăng tả nỗi lòng

Hương sơn vẫn một mảnh trăng thanh
Tối tối thường soi khắp đế kinh
Cai quản tựa lầu say túy lúy
Đình đài gần nước ánh long lanh
Thanh cao khúc nhạc người trong tiệc
Lạnh nhạt tình ai buổi lữ hành
Nhà mát Di chân đêm tại đó
Đàn kia ai oán gẩy sao đành!

(Thượng Kinh ký sự).

Thượng Kinh ký sự, Lê Hữu Trác luôn tức cảnh sinh tình mà ứng khẩu thành thơ, dù ở bất kỳ trường hợp nào, vui thì có thơ vui, buồn có thơ buồn. Có thể nói, số lượng thơ trong Thượng Kinh ký sự khá nhiều và Nhà nghiên cứu văn học Tạ Ngọc Liễn đã nhận xét rất đúng về Thơ của Lê Hữu Trác trong tập Thượng Kinh ký sự này:
Trong tập có những bài thơ, đã cho thấy ông có trái tim của một thi sĩ đích thực. Thơ ông có những xúc cảm nồng nàn giàu ý vị, có những cái đẹp thanh tú, diễm lệ của núi sông, của trăng gió. Dường như bài thơ nào của ông cũng có câu hay, câu lạ, hoặc về hình tượng, hoặc về lối đặt câu, đảo ngữ. Đặc biệt, ông có một bài thơ nói về mối tình lỡ dở của mình rất hay… “.

Bài thơ đó như sau:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa! / Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ; / Song mâu xuân tận hiện hình hoa.
Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,  / Tái thế ưng đồ tốn khất gia.
Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã, / Túng thiên như thử nại chi hà?

Dịch nghĩa:
Vì vô tâm thành chuyện làm nhầm lỡ cho người, / Ngày nay nhìn nhau đắng cay than thở
Một nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy, / Hai tròng mắt đã hết xuân bỗng hiện hình hoa.
Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa, / Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.
Ta không phụ người mà người phụ ta,  / Nếu phỏng như thế thì làm thế nào đây?

Phan Võ dịch thơ:
Lầm người, sự bởi vô tâm,
Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than!
Một cười, giọt lệ chứa chan,
Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay.
Anh em kết nghĩa kiếp này,
Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là.
Trót vì người phụ lòng ta,
Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?

Xuất xứ của bài thơ đã được Lê Hữu Trác nói rõ trong Thượng kinh ký sự: trước đây gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi một cô gái, là con quan Tả Thừa ty ở Sơn Nam, cho ông cưới làm vợ. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn quê ngoại Hương Sơn. Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai…Trong thời gian ở Kinh, tình cờ ông gặp lại người xưa, mà giờ đây đã thành một bà sư già, khổ hạnh và cô độc.

“Từ đó thói thường qua lại hỏi thăm nhau. Bà ấy nói là ở Nghệ An có nhiều gỗ đóng quan tài, bà xin mua cho bà một cỗ. Tôi sai người đi kiếm, nhưng chưa được. Ngày tôi được thả cho về, tôi trao cho người lo việc ấy năm quan tiền cổ để tìm mua bán mà tặng bà ta…” (Thượng Kinh Ký sự). Câu chuyện thật sự cảm động đến nao lòng!

*

Khi ở Kinh thành, Lê Hữu Trác thường tiếp xúc với các Quan Ngự Y và cũng đi chữa trị cho những người quen. Phần viết về những chuyện “nghề Y” này thật sinh động, thật đặc sắc bởi như là “đúng tủ” của Tác giả! Ở những trang viết này, người đọc sẽ có được những bài học quý giá không chỉ về nghề thuốc mà cả về những đạo lý nhân sinh:

“Hồi tôi ở trong núi cứ tưởng rằng ở đế đô có các danh y, học thuật giỏi giang, tinh diệu nhập thần. Tôi thường than là mình vô duyên nên không được cùng nhau gặp gỡ. Khi đến kinh thì thấy thầy thuốc trị bệnh không nói là phong hỏa thì cũng bảo là bệnh thấp đàm. Nếu cho là bệnh hư mà chịu dùng thuốc bổ thì chỉ phô diễn khí huyết mà thôi. Còn như chân thủy, chân hỏa là cái gốc để giữ cái mệnh, cái cốt yếu để cầu sống thì tuyệt nhiên không một chút nào coi làm trọng. Sao cái nghề thuốc lại khó đến như vậy! Nhớ xưa Tiên Chính có nói: “Người nước ta học nghề y mà không tinh là vì mắc phải hai cái bệnh: một là người trong đám nho học đọc sách thuốc từ đầu đến cuối, một lượt là xong, tuyệt nhiên không nghi ngờ nghĩa sách, tự cho là không có gì khó, dến khi dùng thuốc thì lại hấp tấp bất cẩn; hai là văn lý tự hoạch chỉ mới được nửa thôi, nếu có tập nghề thuốc thì cũng không khỏi tưởng tượng mơ hồ, nghi hoặc, như thể kẻ kéo cây cung, sức chẳng đủ thì cho là cung cứng”. Thật là lời nói đích đáng vậy. Than ôi! Kẻ bất túc là kẻ có bệnh sẵn, kẻ có dư cũng là kẻ có bệnh. Há chẳng phải là khó ru? Nhân đây tôi ngâm mấy câu rằng:

Cổ vân dụng dược như dụng binh / Sinh sát quan đầu hệ mi khinh
Quốc thủ do đa khuy phạp xứ / Tàm dư cô lậu lý nan minh!

Từ xưa dùng thuốc tựa dùng binh

Sinh sát ai người dám rẻ khinh
Đầu sỏ nghề y còn yếu kém

Quê mùa ta thẹn lý chưa minh!”.

(Thượng Kinh Ký sự).

Sài Gòn, tháng 8-2010

Đỗ Ngọc Thạch