Đánh giá tác dụng viên hoàn “Phong tê thấp bà giằng”

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh khớp là một bệnh mang tính xã hội vì sự phổ biến, chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh nội khoa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh khớp chiếm từ 0,3-0,5% dân số thế giới. Có những bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như: thấp khớp cấp, viêm khớp trong lupus ban đỏ. Có bệnh diễn biến kéo dài cả đời, dẫn đến tàn phế như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống đinh khớp. Có bệnh khớp tuy không nặng nhưng hay tái phát làm ảnh hưởng đến khả năng lao động như các loại viêm gân, viêm cơ, viêm bao hoạt dịch. Hoặc các bệnh khớp do thoái hoá, bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá acid uric (bệnh Goutte)… Các bệnh khớp nói chung làm giảm chất lượng cuộc sống, gắn liền với đau đớn, tật nguyền, mang lại gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

phong-te-thap-ba-giang

Từ nhiều năm nay, Y học hiện đại đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc kháng viêm giảm đau có hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi loại đều có những ưu nhược điểm nhất định. Do đó việc tìm ra loại thuốc vừa có tác dụng điều trị bệnh khớp vừa giảm thiểu tác dụng phụ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu. Một trong những hướng mới được chú ý trong những năm gần đây là kế thừa và phát huy những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý của Y học cổ truyền đã được sử dụng từ lâu đời.

Viên  “Phong tê thấp Bà Giằng” là bài thuốc gia truyền chữa bệnh phong tê thấp nổi tiếng ở Thanh hoá. Thuốc đã được chứng minh có hiệu quả điều trị trong các trường hợp: đau thần kinh toạ, thần kinh liên sườn, đau nhức xương, tê buồn tay chân, viêm khớp dạng thấp. Thuốc đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và chất lượng, được Bộ Y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc

Để kiểm định lại tác dụng của thuốc trên lâm sàng, cơ sở sản xuất thuốc YHCT Bà Giằng đã phối hợp với khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu, đánh giá tác dụng của viên hoàn “Phong tê thấp Bà Giằng” .

Mục tiêu của nghiên cứu là:

1. Đánh giá tác dụng của thuốc trên 2 loại bệnh khớp: bệnh thoái khớp và đau thần kinh toạ

2. Theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc.

II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Chất liệu nghiên cứu

Thuốc nghiên cứu:

STT Tên thuốc Tên khoa học Tác dụng Điều trị
1. Mã tiền chế Semen Strychnin pulveratum -Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc – Chỉ thống, mạnh gân cốt – Đau khớp cấp và mãn tính – Đau gân cơ
2. Đương qui Radix Angelicae sinensis – Bổ huyết, hoạt huyết – Nhuận tràng, thông tiện – Thiếu máu, táo bón – Đau cơ khớp do ứ huyết
3. Đỗ trọng Cortex Eucominiae – Bổ can thận, mạnh gân cốt – Bình can, hạ áp – Đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương – Huyết áp cao
4. Độc hoạt Radix Angelicea pubescentis – Khu phong, trừ thấp – Thông tý, chỉ thống – Phong hàn thấp tý – Đau nhức xương

– Đau thắt lưng, đầu gối

5. Ngưu tất Radix Achyranthis Bidentatae -Hoạt huyết, thông kinh – Mạnh gân cốt

– Lợi niệu, giáng áp

 

– Đau khớp, đau cột sống – Huyết áp cao

– Rối loạn lipid máu

6. Quế Cortex Cinnamomi – ích thận dương, kiện tỳ – Tán hàn, trừ thấp

– Thông kinh, hoạt lạc

– Các bệnh do hàn – Đau khớp, đau dây thần kinh do lạnh
7. Thổ phục linh Rhizoma Smilacis Glabrae – Trừ thấp, lợi niệu – Thanh nhiệt, tiêu độc – Đau nhức các khớp do phong thấp
8. Thương truật Rhizoa Atractratylodes – Khu phong, tán hàn – Kiện tỳ, trừ thấp – Đau nhức khớp xương – Đày bụng chướng hơi

 

Công thức cho một viên:  Mã tiền chế 14 mg, đương quy 20 mg, đỗ trọng 16 mg, ngưu tất 14 mg, quế 8mg, thương truật 16 mg, độc hoạt 16 mg, thổ phục linh 24 mg, tá dược vừa đủ 1 viên

Dạng bào chế: viên hoàn cứng, lọ 400 viên và lọ 250 viên.

Nơi sản xuất: – Cơ sở sản xuất thuốc YHCT Bà Giằng

–         Tiêu chuẩn: TCCS

–         Số đăng ký: VND- 0173-02

Liều dùng: ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần 10-12 viên, sau bữa ăn 1giờ

2. Đối tượng nghiên cứu

Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

–         Bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Y tế huyện Phú lương- Thái nguyên.

–         Các bệnh nhân được xác định bệnh thoái khớp và đau thần kinh toạ theo sách “Bệnh khớp “ của Giáo sư Trần Ngọc Ân.

–         Số bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 42 đối tượng, trong đó có 2 bệnh nhân không thực hiện hết quy trình nghiên cứu vì tác dụng phụ của thuốc, 6 bệnh nhân chẩn đoán ban đầu là đau thần kinh toạ, nhưng sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng, có 2 bệnh nhân được chẩn đoán là u thần kinh, 4 bệnh nhân chẩn đoán thoát vị đĩa đệm , có chỉ định phẫu thuật. Số bệnh nhân còn lại là 34 người: 21 nam và 13 nữ

Tiêu chuẩn loại trừ

–         Các bệnh khớp không nằm trong tiêu chuẩn nhận bệnh như: viêm cột sống dính khớp, luspus ban đỏ, bệnh khớp do vẩy nến, bệnh gút…

–         Bệnh nhân mắc các bệnh gan thận mãn tính

–         Các bệnh nhân không tuân thủ theo quy trình điều trị: bỏ thuốc, tự ý dùng thuốc điều trị khớp khác trong quá trình nghiên cứu.

 

3. Phương pháp nghiên cứu.

3.1. Thiết kế nghiên cứu: mở, không có lô đối chứng, so sánh trước sau.

3.2. Phương pháp tiến hành

– Làm bệnh án nghiên cứu theo mẫu: các chỉ số lâm sàng được đánh giá trước điều trị, sau điều trị 2 tuần, 4 tuần.

– Xét nghiệm cận lâm sàng: gồm công thức máu, máu lắng, chức năng gan (SGOT và SGPT), chức năng thận (urê, creatinin) làm trước và sau đợt điều trị.

– Chụp Xquang cột sống lưng, thắt lưng, khớp gối. Chụp cộng hưởng từ  cột sống thắt lưng: chỉ làm một lần để xác định chẩn đoán.

3.3. Phương pháp đánh giá kết quả

3.3.1. Chỉ tiêu theo dõi về lâm sàng

* Đau cơ năng: được tính theo thang điểm VAS (đau tự nhiên) gồm 10  điểm được chia làm 5 mức độ:

– Không đau: 0 điểm, đau ít: 1-2 điểm, đau vừa: 3-5 điểm, đau nhiều: 6-8 điểm, rất đau: 9-10 điểm.

* Triệu chứng thực thể:

–  Nghiệm pháp ngón tay-mặt đất: người bệnh đứng thẳng chân không chùng gối, cúi gấp thân tối đa, đưa thẳng hai tay xuống mặt đất, đo khoảng cách đầu ngón tay giữa và mặt đất. Bình thường khoảng cách này là 0-5 cm.

– Nghiệm pháp Schober (Đo độ giãn cột sống thắt lưng): người bệnh đứng thẳng, thày thuốc đánh dấu mỏm gai đốt sống thắt lưng 5, đo lên cao theo đường giữa 10 cm, đánh dấu điểm thứ hai. Bảo người bệnh cúi gấp thân tối đa, đo lại khoảng cách đã đánh dấu. Độ giãn thắt lưng là hiệu số giữa độ dài đo được và độ dài ban đầu, Bình thường chỉ số này là: 14,5 – 15 cm

– Đo biên độ khớp: tuỳ theo loại khớp mà đo góc độ khớp.

3.3.2. Chỉ tiêu theo dõi cận lâm sàng

– Đánh giá hiệu quả giảm viêm: máu lắng, số lượng bạch cầu

– Đánh giá ảnh hưởng của thuốc: chức năng gan SGOT, SGPT, chức năng thận: urê, creatinin huyết thanh.

3.3.3. Theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc trên lâm sàng

– Buồn nôn, ngứa, đau đầu, chóng mặt, nóng rát  hoặc đau vùng thượng vị, táo bón , háo khát, đầy bụng, chán ăn…

3.3.4. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả

– Loại tốt: giảm đau rõ rệt, các chỉ số khách quan giảm rõ.

– Loại khá: giảm đau khá rõ, các chỉ số có thay đổi.

– Loại trung bình: giảm đau ít, các chỉ số không thay đổi

– Loại kém: không kết quả hoặc đau tăng lên.

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.

  1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG.

Đặc điểm phân bố lứa tuổi.

 

Tuổi <30 30-39 40-49 50-59 ≥60
N 2 6 8 13 5
% 5.9 17.6 23.5 38.2 14.8

 

Bảng 1: Phân bố lứa tuổi.

 

Biểu đồ 1: phân bố lứa tuổi

Nhận xét: lứa tuổi gặp nhiều nhất là 50-59, tỷ lệ 38,2%.

 

Phân bố về giới

 

Giới Nam Nữ
n 21 13
% 61.8 38.2

 

Bảng 2: Giới tính.

 

Nhận xét: tỷ lệ nam nhiều hơn nữ (61,8% so với 38,2%)

Phân loại bệnh khớp theo y học hiện đại.

Bệnh khớp Thoái hoá ĐS cổ Thoái hoá ĐS Thắt lưng Đau TK toạ do TVĐĐ Đau TK toạ không rõ NN
N 14 8 9 3
% 41,17 23,52 26,47 8,82

 

Bảng 3: Phân loại bệnh khớp ( yhhđ).

 

Nhận xét: Tỷ lệ bệnh khớp do thoái hoá chiếm 64,59%.

Phân loại bệnh khớp theo yhct.

Bệnh khớp Phong hàn thấp Phong thấp Phong thấp nhiệt
N 20 14 0
% 61.8 38.2 0

 

Bảng 4: Phân loại bệnh khớp theo yhct.

Nhận xét: thể phong hàn thấp chiếm tỷ lệ 61,8%.

 

Thời gian điều trị.

Số ngày điều trị NO N1 N2
N 0 12 22
% 0 35.3 64.7

Bảng 5: Thời gian điều trị.

Nhận xét: đa số bệnh nhân điều trị 4 tuần, tỷ lệ 64,7%.

 

2. Hiệu quả của thuốc trên lâm sàng.

Đau tự nhiên: Tính theo thang điểm VAS.

Vị trí N0 N1 N2
n X n X n X
Đau cột sống 34 5.74±2.4 34 4.06±1.72 22 2.91±1.66
Đau rễ thần kinh 23 6.65±2.17 23 4.48±1.9 22 3.23±1.63

Bảng 6: Đau tự nhiên(VAS).

Biểu đồ 2: Đau tự nhiên-VAS

Nhận xét:

–         Đau cột sống: so sánh giữa N0 và N1 thấy sự thay đổi chưa có ý nghĩa,nhưng giữa N0 và N2 giảm có ý nghĩa với p<0,05.

–         Đau rễ thần kinh: so sánh giữa 2 thời điểm đều thấy giảm có ý nghĩa với p<0,05.

Triệu chứng thực thể.

Nghiệm pháp tay đất.

N0 N1 N2
n X n X n X
34 17.18±13.76 34 11.71±11.38 22 8.66±10.05

Bảng 7: Nghiệm pháp tay đất.

 
   

Biểu đồ 3: Nghiệm pháp tay đất

Nhận xét: so sánh ở 2 thời điểm N0 và N1 thấy có sự thay đổi với p <0,01,giữa N1 và N2 với p <0,05.

 

Nghiệm pháp Schober.

Khoảng cách (cm) N0 N1 N2
n X n X n X
KC 34 3.71±3.84 34 4.19±3.67 22 4.57±3.27

Bảng 8: Nghiệm pháp Schober.

 
   

 

Biểu đồ 4: Nghiệm pháp Schober

Nhận xét: Độ giãn thắt lưng có cải thiện so với trước điều trị nhưng sự thay đổi chưa có ý nghĩa với p>0,05.

 

Vận động khớp cổ.

Tầm vận động(0) N0 N1 N2
n X n X n X
Cúi 14 28.57±8.64 14 32.14±8.48 13 36.92±7.23
Ngửa 14 31.79±10.49 14 35.36±10.83 13 38.85±9.16
Quay phải 14 53.21±13.81 14 54.64±13.78 13 58.08±7.51
Quay trái 14 50.71±11.58 14 55±1.44 13 58.46±6.89
Nghiêng phải 14 38.86±10.87 14 39.64±9.3 13 41.54±9.87
Nghiêng trái 14 34.29±10.89 14 37.14±9.95 13 37.31±8.57

Bảng 9: Vận động khớp cổ.

Nhận xét:Tầm vận động khớp cổ có cải thiện sau điều trị nhưng sự thay đổi chưa có ý nghĩa với p >0,05.

 

3.Kết quả của thuốc trên cận lâm sàng.

3.1.Số lượng bạch cầu.

Số lượng(G/L) Trước điều trị Sau điều trị
n X n X
SL 31 4.42±0.47 26 4.46±0.46

Bảng 10: Số lượng bạch cầu.

Nhận xét: số lượng bạch cầu sau điều trị thay đổi không có ý nghĩa với p>0,05.

3.2.Tốc độ máu lắng.

Máu lắng Trước điều trị Sau điều trị
n X n X
Sau 1 h 27 26,29 ± 15,49 24 14,56 ±9,98
Sau 2 h 27 23,32±14,76 24 13,37 ±11.61

Bảng 11: Tốc độ máu lắng.

Nhận xét: Tốc độ máu lắng sau điều trị thay đổi chưa có ý nghĩa với p>0,05

4.Tác dụng không mong muốn của thuốc.

4.1.Tác dụng của thuốc trên cận lâm sàng.

Chỉ số Trước điều trị Sau điều trị
n X n X
Urê 17 6.22±1.98 17 5.59±1.34
Creatinin 29 81.6±25.62 29 83.44±18.6
SGOT 32 34.34±51.52 32 29.68±15.56
SGPT 32 41.06±65.08 32 32.83±27.91

Bảng 12: ảnh hưởng của thuốc trên chức năng gan, thận.

Nhận xét: Chức năng gan, thận trước và sau điều trị thay đổi không có ý nghĩa với p>0,05.

4.2.Tác dụng không mong muốn của thuốc trên lâm sàng.

Trong số bệnh nhân nghiên cứu có 2 bệnh nhân phải ngừng điều trị vì có cảm giác nóng rát vùng thượng vị .

5. Đánh giá hiệu quả điều trị.

Bảng 13 Hiệu quả của thuốc

Tỷ lệ Tốt Khá Trung bình Kém
N 8 17 9 0
% 23,52 50 26,48 0

Nhận xét: Kết quả khá và tốt chiếm tỷ lệ 73,52%.

V.BÀN LUẬN

Qua nghiên cứu trên 42 đối tượng, chúng tôi có nhận xét sau:

1. Đặc điểm về tuổi, giới

– Đa số bệnh nhân nằm trong khoảng tuổi từ 50-59, hay gặp ở phụ nữ sau  tuổi mãn kinh.

– Trong nghiên cứu này bệnh nhân nam chiếm nhiều hơn nữ, vì tỷ lệ nam bị đau thần kinh toạ khá nhiều.

2. Đặc điểm bệnh khớp theo y học hiện đại

– Trên phim chụp cột sống cổ và thắt lưng, đa số bệnh nhân đều có hiện tượng thoái hoá (chiếm tỷ lệ 64,59%), triệu chứng thường gặp là đau mỏi cổ và vai gáy , có bệnh nhân đau lan sang khớp vai và cánh tay. Bệnh nhân đau cột sống thắt lưng hoặc đau lan xuống mặt sau đùi và cẳng chân, nhưng triệu chứng của đau thần kinh toạ không điển hình.

-Tỷ lệ bệnh nhân bị đau thần kinh toạ do thoát vị đĩa đệm chiếm 26,47%, những bệnh nhân này có triệu chứng thần kinh toạ rất điển hình.Trong số 6 bệnh nhân bị loại khỏi nghiên cứu thì cả 6 người này đều có triệu chứng ban đầu là đau thần kinh toạ, đã điều trị rất nhiều nơi ở tuyến dưới nhưng không đỡ. Nhờ có chụp cộng hưởng từ đã phát hiện có 2 trường hợp bị u thần kinh và 4 trường hợp bị thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, có chỉ định phẫu thuật.

3. Phân loại bệnh theo y học cổ truyền.

Chúng tôi chia theo nguyên nhân gây bệnh. Kết quả là: nguyên nhân do phong hàn thấp chiếm đa số với tỷ lệ 61,8%.

4. Tác dụng giảm đau của thuốc:

Chúng tôi đánh giá theo thang điểm VAS (mức độ đau tự nhiên) và các chỉ số khách quan như: nghiệm pháp ngón tay-mặt đất, chỉ số Schober. Kết quả cho thấy: thang điểm VAS và nghiệm pháp ngón tay-mặt đất thay đổi so với trước điều trị có ý nghĩa với p < 0,05 sau 2 tuần điều trị và p < 0,01 sau 4 tuần điều trị. Còn chỉ số Schober có giảm sau điều trị nhưng sự giảm chưa có ý nghĩa thống kê.

5. Tác dụng chống viêm qua các xét nghiệm huyết học như: số lượng bạch cầu, máu lắng, tuy có giảm so với trước điều trị nhưng cũng chưa có ý nghĩa thống kê. Có thể do số lượng bệnh nhân còn ít.

6. Về kết quả điều trị cho thấy: tỷ lệ khá và tốt chiếm 73,52%, đa số bệnh nhân thấy giảm đau rõ rệt sau đợt điều trị. Trong số đó chủ yếu là bệnh nhân có thoái hoá đốt sống cổ và thắt lưng. Còn tỷ lệ trung bình lại rơi vào các bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm nhưng chưa có chỉ định phẫu thuật.

7.Khả năng dung nạp và tác dụng không mong muốn của thuốc

Thuốc dạng viên  dễ uống, liều lượng mỗi lần uống vừa phải (10-12 viên/lần). Bệnh nhân uống không bị táo bón, không háo khát. tuy nhiên cần dặn bệnh nhân nên uống sau khi ăn no. Những bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày, tá tràng nên thận trọng khi dùng thuốc. Trong số 42 bệnh nhân nghiên cứu có 2 bệnh nhân phải ngừng thuốc vì bị nóng rát vùng thượng vị.

 

VI. KẾT LUẬN

Nghiên cứu trên 42 bệnh nhân dùng thuốc Phong tê thấp Bà Giằng, chúng tôi có những nhận xét sau:

1.     Thuốc có tác dụng giảm đau khá tốt, thể hiện qua thang điểm đau VAS và nghiệm pháp ngón tay-mặt đất, sau điều trị 2 tuần và 4 tuần đều giảm có ý nghĩa với p < 0,05 và p < 0,01.

2.     Tác dụng chống viêm chưa rõ, các xét nghiệm cận lâm sàng thay đổi không có ý nghĩa thống kê.

3.     Tỷ lệ khá và tốt đạt 73,52%, trong đó chủ yếu ở bệnh nhân thoái hoá đốt sống cổ và thắt lưng.

4.     Nhìn chung bệnh nhân dung nạp thuốc tốt, không có bệnh nhân nào bị táo bón hoặc háo khát nhưng có 2 bệnh nhân phải ngừng thuốc vì có triệu chứng nóng rát thượng vị

5.     Xét nghiệm chức năng gan thận trước và sau điều trị không có sự thay đổi, chứng tỏ thuốc dùng cho bệnh nhân là an toàn.

Đề tài làm tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bạch Mai

Lãnh đạo khoa                                                                   Chủ nhiệm đề tài

BS. Nguyễn Công Doanh                                     BS. Nguyễn Thuỳ Hương