Giới thiệu về đông y Việt Nam

Việt Nam là một nước ở Ðông Nam Châu á đã có trên 4000 năm lịch sử dựng nước. Trong nền Văn Minh Văn Lang và Văn Minh Ðại Việt những y lý và y thuật dựa trên nền tảng của sự kết hợp lý luận y học Phương Ðông (Ðông y) với các kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng Việt Nam gồm 54 dân tộc cùng với kinh nghiệm sử dụng các nguồn dược liệu phong phú của đất nước nhiệt đới.

dong-y

Nền Đông y Việt Nam đã được văn bản hoá  từ năm 1010 (thời nhà Lý). Thế kỷ thứ 13, nhà bác học Chu Văn An đã nêu đường lối chữa bệnh không dùng mê tín dị đoan. Thế kỷ 14, đại danh y Tuệ Tĩnh nghiên cứu cây con thuốc Việt Nam để chữa bệnh (580 vị thuốc trong 3873 đơn thuốc cho 10 loại chuyên khoa trị bệnh). Thế kỷ 18 đại danh y Lê Hữu Trác với tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông đã biên soạn tập sách thuốc “Y TÔNG TÂM LỈNH” gồm 28 bộ có 66 tập sách về y đức, vệ sinh phòng bệnh, y lý cơ bản, dược lý, bệnh lý, các đơn thuốc có công hiệu, bệnh án, một số trường hợp bệnh …

Trong nền Văn Minh Ðại Việt đã có 155 vị danh y với 497 tập tuyển sách y học cổ truyền dân tộc được viết bằng tiếng Hán và tiếng Nôm.

Trong thế kỷ 20 các vị danh y Việt Nam cũng đã biên soạn trên 200 tập sách có giá trị về Đông y bằng tiếng Quốc ngữ.

Nền y học dân gian của 54 dân tộc trong cộng đồng Việt Nam gắn liền với sự sinh sống từng vùng địa dư sinh thái và xã hội. Từng dân tộc trong quá trình tồn sinh và phát triển đều tích luỹ được những kinh nghiệm về sử dụng cây con thuốc có ở từng địa phương.

Ðông y  Việt Nam với hệ thống lý luận chặt chẻ, với các phương pháp phòng và chữa bệnh có hiệu quả, đã phục vụ đắc lực cho việc giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân từ xưa tới nay.

Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 1977. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã có một số nghị quyết đễ phát triển và nâng cao Ðông y của mỗi nước. Những nghị quyết nầy rất phù hợp với đường lối phát triễn của Y Học Việt Nam.

Kể từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, chủ  trương kết hợp Đông y với Tây y đã được đã được thể hiện trong Hiến Pháp và trong luật Bảo Vệ Sức Khoẻ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư viết ngày 27 tháng 2 năm 1955 gửi nghành Y tế đã viết: “Ông cha ta đã có nhiều kinh nghiệm quý chữa bệnh bằng thuốc Nam và thuốc Bắc. Ðể phát triển y học, các cô chú phải chú ý nghiên cứu và kết hợp Ðông y và Tây y.”

Kể từ năm 1957 nhiều cơ sở Đông y đã được thành lập và đã có tác dụng lớn.Trong công tác đào tạo các cán bộ Đông y, thừa kế các vị lương y nổi tiếng, xây dựng hệ thống Đông y trong chẩn trị, tiến hành điều tra nghiên cứu khoa học, nuôi trồng bào chế dược liệu. Trên 40 năm qua (1957 – 2000) hệ thống Đông y được phát triển, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong sự nghiệp dự phòng và chữa bệnh nói chung và trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng nói riêng.

Hệ thống cán bộ Đông y hiện nay bao gồm các bác sỹ, các dược sỹ, kết hợp Đông Tây y , các lương y và các y sỹ Đông y.

Tại cấp xã việc sử dụng thuốc nam và châm cứu đã thành phổ cập trong nhân dân.

Chương trình quốc gia về tạo nguồn dược liệu là một chương trình quan trọng. Qua điều tra nghiên cứu đã xác định có 1863 loài cây thuốc thuộc 238 họ cây.

Những nội dung cơ bản của Đông y Việt Nam:

Đông y Việt Nam có lý luận cơ bản của y học phương Ðông và biện chứng luận trị mang tính khái quát, tính biện chứng và tính thực tiễn.

Các biện pháp bảo vệ sức khoẻ gồm:

1. Quan niệm về bảo vệ sức khoẻ: là công việc phải tự con người có ý thức tự giữ gìn sức khoẻ của bản thân mình, lấy phòng bệnh từ gốc, nâng cao sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể.

2. Những nhận thức cơ bản về dự phòng bệnh tật bảo vệ sức khoẻ:

    • Tạo trạng thái cân đối hài hoà giữa “tự nhiên và con người”;
    • Giữ cân bằng trong quy luật “đối lập, hổ căn, bình hành và thống nhất của Âm, Dương”;
    • Giữ cân bằng trong quy luật “Sinh, Khắc, Chế, Hóa của Ngũ Hành”;
    • Phòng bệnh một cách tích cực triệt để từ “cá nhân đến xã hội”.

Các quan niệm và nhận thức này cơ bản phù hợp với các hoc thuyết Thiên – Ðịa – Nhân hợp nhất và nhân thể là một chỉnh thể trong y học.

3. Các biện pháp ứng dụng thực tế:

    • Ðiều hoà cơ thể giữ cân bằng trong cuộc sống con người với thiên nhiên cả hai mặt vật chất và tinh thần, giữ gìn bảo vệ sức khoẻ cân đối trong lao động, nghỉ ngơi, ăn, mặc, ở … của mọi người.
    • Bảo vệ sức khoẻ gắn với giáo dục tư tưởng tâm đức nhằm cải thiện tính người, cải lương xã hội, nâng cao dân trí.
    • Hàng ngày thực hiện dưỡng sinh, đạo dẫn: luyện thần, luyện lực, luyện khí, thực hiện tu tâm dưỡng tính để thể chất luôn luôn khang kiện, tinh thần vui vẻ, tư tưởng ổn định, yên tĩnh mới chống đỡ có hiệu quả với tà khí bệnh tật.
    • Thực hiện vệ sinh yếu quyết, vệ sinh môi trường kết hợp chặt chẽ với đề phòng bênh tật.
    • Thực hiện phòng tai nạn để bảo đảm an toàn cuộc sống trong gia đình, trên đường phố, trong lao động và cộng đồng.Nội dung cơ bản trị bệnh:
      • Lý luận cơ bản gồm những hiểu biết và vận dụng trong biện chứng luận trị các phần biện luận cơ bản về lục phủ, ngũ tạng, kinh lạc, dinh vệ, khí huyết, tinh, thần, tân, dịch.
      • Biện luận về bát cương: Âm dương, biểu lý, hư thực, hàn nhiệt.
      • Biện luận về tam nhân: nội nhân, ngoại nhân, bất nội ngoại nhân.

      Pháp

      • Thể hiện được biện chứng luận trị, phân loại theo bệnh nguyên, bệnh chứng, bệnh danh, và những ý chỉ của phép chữa bệnh gia giảm phương thang.
      • Tứ chẩn trong khám bệnh: Vọng, Vãn, Vấn, Thiết (trong vọng chẩn có thiệt chẩn, trong thiết chẩn có mạch chẩn).
      • Bát pháp: Hãn, Thổ, Hạ, Tiêu, Hoà, Thanh, Ôn, Bổ.

      Phương

      • Kê đơn bốc các vị thuốc theo “quân, thần, tá, sứ”. Phối ngũ thuốc hơp lý. Trong chữa bệnh phải thực hiện tâm lý dự phòng, tâm lý trị liệu.
      • Việc ứng dụng các biện pháp trị  bệnh không dùng thuốc như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập dưỡng sinh, khí công, nội công, thư giãn. Các cách chữa này dễ thực hiện có công dụng và không gây độc hại cho cơ thể.

      Dược

      • Cây con thuốc Đông y đươc trồng, hái và chế  biến để các vị thuốc được quy kinh phối ngũ theo tứ khí  thăng, giáng, phù, chẩm bào chế theo kinh nghiệm và y lý Đông y. Phương pháp chế thuốc cũng không phức tạp và có thể thực hiện được theo quy trình.
      • Ðiều tra nghiên cứu hàng nghìn đơn thuốc y học cổ truyền, thay thể thuốc uống dạng lỏng chiếm 42%; dạng viên bột chiếm 38%; dùng đắp, bóp, xoa chiếm 15%; dạng xông 5%.Một số cây con thực phẩm cũng được dùng trong y học cổ truyền.
      • Tránh dùng thuốc thái quá, hạn chế vị độc, biết điều chỉnh gia giảm các vị thuốc phù hợp với diễn biến bệnh và cơ thể người bệnh.

Theo: Lương y . Nguyễn Kỳ Nam