Sử dụng thực phẩm hợp lý cho người cao tuổi

Con người tạo ra thức ăn, nhưng cũng có thể nói thức ăn tạo ra con người. “Hãy nói cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai !”. Khi được biết cụ thể về tình hình ăn uống của một người, ta có thể biết những điều khá cơ bản về người ấy như sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, tính tình, khả năng lao động, triển vọng sức khỏe, bệnh tật, sống lâu hay chết sớm.
Gạo: Tốt nhất là ăn loại gạo lứt, gạo toàn phần nhưng đã loaùi cám riêng ra cho gạo mềm, dễ nhai. Khi nấu, có thể trộn với cám . Cơm cám ăn với muối vừng rất béo và rất ngon. Đây là cách ăn thông minh của nhân dân vùng biển Giao Thủy – Nam Định trước đây. Gạo lứt là gạo đặc biệt dành cho các cụ có điều kiện, có nhiều thời giờ, còn bình thường chỉ cần chọn gạo dẻo, không mốc và không xát quá trắng.

Khoai củ các loại: Người cao tuổi thường ăn bớt cơm và thay vào đó nên ăn nhiều loại khoai. Khoai có khối lượng lớn, gây cảm giác no, nhưng cho ít năng lượng, không gây béo mà lại có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, giúp thải cholesterol thừa và đề phòng ung thư đại tràng. 

dinh-duong-cho-nguoi-gia3

Đậu tương hoặc đậu nành : Đậu các loại có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu chất đạm. Riêng đậu tương còn có thêm nhiều acid béo không no rất quý, cần khuyến khích trồng ở mọi vùng và chế biến đậu tương ra nhiều loại thức ăn như các món sau :

– Làm tương : “Tương cà gia bản”, tương không phải chỉ là một loại nước chấm ngon (tương Bần, tương Cự Đà). Tương còn được coi như là một món ăn chế biến sẵn ở nhiều vùng quê. Trong bữa ăn, múc ra một bát tương to, mọi người rưới tương ăn với cơm.

– Đậu phụ, chao.

– Sữa đậu nành, sữa chua từ đậu nành.

– Sử dung nhiều loại đậu, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng vào chế biến món ăn và ngâm giá đỗ.

Lạc, vừng: Giầu chất đạm, chất béo, nhiều acid béo không no. Nên chế biến sẵn một lọ nhỏ vừng, lạc để ăn dần bổ sung vào bữa ăn trong vòng một tuần.

Rau: Bữa ăn nào cũng cần có món rau, đặc biệt là rau xanh có chứa nhiều bêta-caroten kể cả trong các bữa tiệc cũng không nên chỉ nghĩ đến thịt cá, giò, chả mà quên rau. 

Quả chín: Rất quý, nhất là đối với người cao tuổi. Nguồn cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, nhiều chất chống oxy hóa (AO). Cần gây thành tập tục có quả tráng miệng sau bữa ăn.

Thịt, cá: Mỗi tuần lễ tối thiểu có ba bữa cá, thịt tùy theo khả năng. Bình quân đầu người cao tuổi 1kg/tháng.

Trứng: Là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải cứ ăn nhiều trứng là tốt. Đối với người khỏe mạnh, một tuần cũng không nên ăn quá 6 quả trứng vì trong trứng có nhiều cholesterol. Đối với người cao tuổi vừa trải qua những bệnh làm cơ thể gầy sút nhiều nếu không có chống chỉ định của thầy thuốc có thể ăn 3 quả trứng một tuần. Không nên cho những người có triệu chứng của bệnh thiếu máu, rối loạn tuần hoàn não ăn trứng. Tốt nhất khi ăn trứng nên kèm theo ăn sữa vì trong sữa có nhiều lecithin có thể trung hòa tác dụng của cholesterol.

Sữa: Người Việt nam chưa có tập tục dùng sữa. Nhưng  sữa rất bổ nên cần có kế hoạch phát triển ngành nuôi bò sữa, nuôi trâu sữa, nuôi dê lấy sữa và sản xuất sữa đậu nành. Đối với người cao tuổi, ăn sữa rất bổ và dễ tiêu. Đặc biệt sữa chua vừa bổ vừa có tác dụng điều hòa hoạt động của bộ máy tiêu hóa. Nếu có điều kiện, mỗi ngày các cụ nên uống một cốc sữa chua.

Mật ong: Mật ong có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể. Trong điều trị học, mật ong được sử dụng có kết quả tốt trong các bệnh viêm, loét dạ dày, tá tràng, đại tràng, các trạng thái suy yếu gan, thần kinh. Người cao tuổi có đặc điểm giảm mức chịu đựng đối với chất ngọt, vì thế không được ăn quá 20g đường mỗi ngày, trong đó có tính cả mật ong.

Mắm: mỗi địa phương Việt Nam đều có những loại mắm riêng được nhiều người rất ưa chuộng. Đối với người cao tuổi, tuy mắm rất ngon nhưng không nên ăn thường xuyên và mỗi lần ăn cũng nên ăn ít  vì lượng muối NaCl trong mắm rất cao, không thích hợp với cơ thể người cao tuổi.

Muối: Đã có nhiều công trình nghiên cứu và các cuộc điều tra dịch tễ học dinh dưỡng ở thực địa về mối liên quan không thể chối cãi giữa mức tiêu thụ muối ăn với mức độ thường gặp ở bệnh tăng huyết áp. Vì vậy nên ăn giảm muối  < 6g/ngày. 

Rượu: Đối với người trẻ, khỏe mạnh, cơ thể có thể chuyển hóa rượu tạo ra năng lượng, 1g rượu nguyên chất cho 7 calo, 24 giờ không nên uống rượu quá 100g và uống rải ra nhiều lần trong ngày. Khác với thức ăn thường, rượu được hấp thụ rất nhanh. Ở đoạn đầu của ruột non, 80% lượng rượu được hấp thu vào máu và từ đó đến tất cả tổ chức, nhiều nhất và lâu nhất ở não và ở gan. Người cao tuổi thường có nhiều nhược điểm về sức khỏe, tăng huyết áp, vữa xơ  động mạch, thiếu máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não, chức năng thận, gan bị suy yếu, thường mắc bệnh đái tháo đường. Những nhược điểm này là tiền đề cho nhiều tai biến như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Cho nên với người cao tuổi, rượu kể cả rượu thuốc là một đồ uống nên tránh sử dụng đều đặn hàng ngày. Đối với người cao tuổi khỏe mạnh, rượu nhẹ loại lên men như rượu vang, bia dùng trong những ngày vui có thể cho phép dùng với liều nhỏ.

Con người tạo ra thức ăn, nhưng cũng có thể nói thức ăn tạo ra con người. “Hãy nói cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai !”. Khi được biết cụ thể về tình hình ăn uống của một người, ta có thể biết những điều khá cơ bản về người ấy như sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, tính tình, khả năng lao động, triển vọng sức khỏe, bệnh tật, sống lâu hay chết sớm.

Mong rằng với những kiến thức trình bày ở đây, mỗi người có thể rút ra được những điều bổ ích để áp dụng trong ăn uống của mình, để có một tuổi già khỏe mạnh, hữu ích, hạnh phúc.