Vẹo cột sống, giãn dây chằng lưng và chân vòng kiềng là 3 bệnh lý về cơ xương khớp cần được điều trị, phục hồi chức năng kịp thời để tránh gặp phải những biến chứng nặng nề, làm suy giảm khả năng vận động. Hãy cùng tìm hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả để có thể bảo vệ sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Vẹo cột sống
Vẹo cột sống là tình trạng xương cột sống bị cong bất thường, có hình dạng giống như chữ C hoặc chữ S thay vì thẳng tự nhiên. Ở người lớn, vẹo cột sống được chia thành hai nhóm: vẹo cột sống vô căn và vẹo cột sống do thoái hóa. Nguyên nhân gây vẹo cột sống rất đa dạng, bao gồm di truyền, bệnh lý về dây thần kinh, cơ bắp hoặc chấn thương, mất cân đối chiều dài chân, nhiễm trùng, khối u, sai tư thế, mang vác nặng…
Phương pháp điều trị vẹo cột sống:
- Vật lý trị liệu được xem là giải pháp điều trị, phục hồi chức năng hiệu quả. Người bệnh được yêu cầu thực hiện các động tác kéo cơ, kéo dài lưng và kết hợp bài tập yoga cho người bị vẹo cột sống.
- Nẹp cột sống để ổn định cấu trúc ống sống và giảm đau.
- Phẫu thuật trong một số trường hợp cong vẹo cột sống nghiêm trọng.
- Điều trị giảm đau tạm thời bằng cách uống thuốc hoặc tiêm thuốc giảm đau vào cột sống.
Để ngăn ngừa bệnh lý vẹo cột sống, mỗi người cần tập thể dục định kỳ, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để xương chắc khỏe, giữ cân nặng hợp lý, tránh mang vác nặng và chú ý giữ tư thế đúng khi sinh hoạt, làm việc…
2. Giãn dây chằng lưng
Giãn dây chằng lưng là tình trạng các tổ chức gân, cơ và dây chằng ở vùng lưng bị tổn thương do căng giãn quá mức, gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Nguyên nhân phổ biến của giãn dây chằng lưng bao gồm làm việc sai tư thế, vận động mạnh, chấn thương vùng lưng, tuổi tác và mang thai. Các dây chằng dễ bị tổn thương khi làm việc sai tư thế hoặc lao động quá sức trong thời gian dài và có thể bị kéo giãn trong các trường hợp va đập, ngã hoặc tai nạn. Tuổi tác, mang thai cũng làm tăng nguy cơ giãn dây chằng do quá trình lão hóa tự nhiên và áp lực từ thai nhi.
Phương pháp điều trị giãn dây chằng lưng:
- Điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu nếu dây chằng chỉ giãn nhẹ và có thể phục hồi.
- Trong trường hợp dây chằng không thể phục hồi hoặc bị đứt, cần can thiệp ngoại khoa.
- Các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm dùng thuốc giảm đau, chườm lạnh giúp giảm đau, co cơ; xoa bóp, massage để tăng lưu thông máu.
- Tập yoga giúp tăng sự dẻo dai và linh hoạt cho gân cơ, nhưng cần chọn lựa bài tập phục hồi giãn dây chằng lưng phù hợp.
Để phục hồi và ngăn ngừa tái phát, bệnh nhân cần hạn chế vận động mạnh, điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc đúng tư thế, luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như: bơi lội, yoga… Người bệnh cần chú ý tránh quay người đột ngột, vặn xoắn mình, nâng nhấc hoặc mang vác nặng để bảo vệ dây chằng lưng.
3. Chân vòng kiềng
Chân vòng kiềng là tình trạng khi đứng thẳng, đầu gối hơi cong hướng ra ngoài và hai đầu gối không chạm vào nhau khi khép chân lại. Nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng ở người lớn thường bắt nguồn từ các bệnh lý xương nguyên phát từ thời thơ ấu hoặc phát triển theo thời gian như: bệnh Blount, còi xương, loạn sản xương, viêm xương khớp thoái hóa…
Điều trị chân vòng kiềng nên được thực hiện sớm để giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh cơ xương khớp
Phương pháp điều trị chân vòng kiềng:
- Trẻ nhỏ có thể điều trị không cần phẫu thuật bằng cách đeo nẹp, uống thuốc và tập vật lý trị liệu.
- Phẫu thuật điều trị chân vòng kiềng bao gồm cắt bỏ và định hình lại xương chày, xương đùi hoặc cả hai, sau đó cố định lại bằng tấm nẹp và ốc vít, đinh nội tủy hoặc cắt chỉnh xương trục đầu trên xương chày. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tiếp tục liệu trình tập luyện vật lý trị liệu để gia tăng sức mạnh cơ, tầm vận động và phục hồi chức năng chi dưới.
Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa hiệu quả chân vòng kiềng ở người lớn, nhưng điều trị từ khi còn nhỏ là cách tốt nhất để phòng tránh. Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cho đầu gối, khớp hông và khớp mắt cá chân, bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và canxi để tăng cường sức mạnh xương và giảm các triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra.
Việc nhận biết và điều trị kịp thời các bệnh lý như vẹo cột sống, giãn dây chằng lưng và chân vòng kiềng là vô cùng quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống và khả năng vận động. Thông qua các phương pháp điều trị phù hợp và lối sống lành mạnh, mỗi người đều có thể ngăn ngừa dị tật cơ xương và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của những bệnh lý này.
Nếu đang gặp phải các vấn đề về cơ xương khớp và cần được tư vấn, điều trị phục hồi, bạn có thể liên hệ Myrehab Matsuoka qua hotline 1900 3181 để được giải đáp hoặc cập nhật các thông tin y khoa tại website https://myrehab-matsuoka.com/.