Tiềm hiểu về bệnh lao

1. Nguyên nhân nào gây bệnh lao?

– Lao là một bệnh do vi trùng, lây chủ yếu bằng đường hô hấp, nghĩa là do hít phải vi trùng lao vào phổi. Bệnh truyền từ người này sang người khác. Vi trùng gây bệnh là trực khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium  tuberculosis. Bệnh lao không có tính di truyền.

vi_trung_lao_xam_nhap_la_phoi

– Trực khuẩn lao không có trong đất; kho chứa vi trùng lao chủ yếu là những bệnh nhân mắc lao phổi. Những bệnh nhân này thường có những “hang lao”, tức là những lỗ lủng trong phổi, có chứa rất nhiều vi trùng lao. Một hang lao có đường kính 2 cm chứa khoảng 100 triệu vi trùng.

2. Bệnh lao lây như thế nào?

– Khi bệnh nhân lao phổi nói, nhất là khi ho hoặc hắt hơi, họ sẽ bắn ra chung quanh muôn ngàn những hạt đàm nhỏ, trong các hạt đều có chứa một số vi trùng lao: đó là các hạt nhỏ gây nhiễm. Số lượng các hạt nhỏ bắn ra chung quanh bệnh nhân rất lớn khi bệnh nhân ho (3500) hoặc hắt hơi (1.000.000). Khi tiếp xúc với không khí, bề mặt những hạt nhỏ này sẽ khô dần đi và trở thành những hạt rất nhẹ luôn chứa vi trùng lao còn sống lơ lửng trong không khí một thời gian. Ở nơi tù hãm, những hạt này còn lơ lửng trong không khí lâu hơn nữa và các vi trùng có thể sống nhiều giờ trong bóng tối.

– Ánh sáng trực tiếp của mặt trời tiêu hủy vi trùng lao nhanh chóng. Do đó làm thông thoáng và phơi sáng nơi bệnh nhân lao sống có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người sống tiếp xúc với họ.

– Như vậy những người sống gần hay ngủ gần bệnh nhân sẽ có nguy cơ hít phải những hạt nhỏ gây nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm càng cao khi sự tiếp xúc càng mật thiết vì liên quan đến mật độ vi trùng trong không khí. Như vậy hai yếu tố chủ yếu xác định nguy cơ lây truyền vi trùng lao cho người lành là: nồng độ những hạt nhỏ gây nhiễm lơ lửng trong không khí, và thời gian mà người đó hít thở không khí này. Ta dễ dàng hiểu rằng một tỷ lệ lớn trẻ em sống gần nguồn lây sẽ bị nhiễm lao. Con nhỏ của một bà mẹ đang ho ra vi trùng có nguy cơ bị lây nhiều nhất.

– Bệnh nhân có vi trùng dương tính qua soi trực tiếp (nhìn thấy được bằng kính hiển vi) thì lây nhiều hơn vì họ khạc ra nhiều vi trùng hơn so với những người có vi trùng chỉ phát hiện bằng nuôi cấy.

 

3. “Nhiễm lao” khác với “bệnh lao” ra sao?

Khi vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể ta gọi là nhiễm lao. Ở những nơi có tình hình mắc lao cao, hầu hết những người trẻ tuổi đều đã bị nhiễm lao nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó mắc bệnh lao. Khả năng lao nhiễm trở thành lao bệnh phụ thuộc vào hai yếu tố:

– Mức độ nhiễm, nghĩa là số lượng vi khuẩn hít phải, nhiều hay ít.

– Sức đề kháng của cơ thể.

Sau khi xâm nhập vào phổi, vi trùng lao sẽ sinh sôi nẩy nở và theo máu, bạch huyết phát tán đi khắp cơ thể. Thường thì hệ thống miễn dịch của cơ thể ta sẽ ngăn chận và tiêu diệt chúng, ta chỉ là người nhiễm lao.Trong một số trường hợp, nhiễm lao có thể phát triển nhanh chóng thành bệnh lao. Ở một số trường hợp khác, vi khuẩn sẽ nằm im trong trạng thái ngủ do bị hệ thống bảo vệ của cơ thể ức chế. Khi sức bảo vệ của cơ thể bị suy yếu, thí dụ do suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, do tuổi già, vi khuẩn lao ngủ có thể sẽ sinh sản và gây ra bệnh lao. Lúc này người nhiễm lao trở thành người bệnh lao.

4. Triệu chứng của bệnh lao là gì?

Vi trùng lao có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể: lao phổi, lao xương, lao da, lao thận, lao màng não, lao hạch, v.v. Lao phổi là thường gặp nhất, lao ngoài phổi ít gặp hơn. Chỉ có lao phổi mới lây.

Người bị lao phổi thường có những triệu chứng sau đây:

– Ho khạc kéo dài trên 3 tuần

– Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi

– Sốt nhẹ về chiều

– Ra mồ hôi đêm

– Đau ngực, khó thở

– Ho ra máu

5. Ai dễ mắc lao?

– Người sống chung với bệnh nhân lao phổi có vi trùng trong đàm, đặc biệt là trẻ em và thanh niên

– Người nhiễm HIV/AIDS

– Người suy dinh dưỡng, đái tháo đường, người nghiện, người dùng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài: corticoid

– Người vô gia cư, quản giáo, can phạm sống trong trại giam.

6. Bệnh lao phổi nếu không được phát hiện điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm gì?

Bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu, nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh, hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp là:

1. Ho ra máu: có thể ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh, do bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.

2. Tràn khí màng phổi: do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ – tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.

3. Tràn dịch màng phổi: do tiếp cận với một ổ lao phổi đang tiến triển
Biến chứng có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi:

4. Dãn phế quản: có triệu chứng ho đàm và ho ra máu. Không nên lầm lẫn là bệnh tái phát. Chỉ khi tìm thấy vi trùng lao mới là tái phát.

5. Suy hô hấp mãn: khi có di chứng lan rộng làm phổi mất chức năng.

6. Tràn khí màng phổi: do vỡ một bóng khí. Tràn khí này không đi kèm theo nhiễm trùng màng phổi.

7. U nấm phổi: do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi. Điều trị bằng phẫu thuật.