Bạn hiểu như thế nào lao sơ nhiễm?

1.   Bệnh lao là gì?

 Lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi trùng lao gây ra. Cho đến nay, bệnh lao vẫn còn là bệnh  có số người mắc bệnh và tử vong chiếm tỷ lệ cao trên thế giới. Người ta ước tính có khoảng 1/3 dân số trên thế giới bị nhiễm lao.

lao_phoi

  Nước ta là nước có số người mắc bệnh lao xếp vào hàng cao trên thế giới. Mỗi năm, ước tính có thêm 145.000 người mới mắc bệnh lao và 20.000 người chết do bệnh lao. Vì vậy việc chống lại bệnh lao là một chương trình y tế cấp quốc gia. (Chương trình chống lao quốc gia).

2.    Nhiễm lao và bệnh lao.

Bệnh lao lây chủ yếu qua đường hô hấp. Chúng ta nhiễm lao khi hít phải vi trùng lao trong không khí. Vi trùng lao có trong các giọt nước rất nhỏ bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh lao phổi.

     Sau khi cơ thể tiếp xúc vi trùng lao (tức khi chúng ta hít phải vi trùng lao vào phổi), cơ thể chúng ta sẽ chống đỡ lại. Vi trùng lao sẽ bị tiêu diệt, hoặc có thể không bị tiêu diệt hẳn nhưng chúng bị khống chế và không gây ra bệnh. Lúc này, cơ thể đã bị nhiễm lao, nhưng không bị bệnh lao. Có rất nhiêu người trong chúng ta nhiễm lao nhưng không phát triển thành bệnh lao.

     Nhưng nếu cơ thể không tiêu diệt được hay không khống chế được vi trùng lao, hoặc khi sức đề kháng của cơ thể bị yếu đi, vi trùng lao sẽ phát triển và gây nên bệnh lao.

     Một người bình thường sau khi nhiễm vi tùng lao thì trong suốt cuộc đời họ sẽ có 10% nguy cơ bị bệnh lao. Chúng ta có thê hình dung như sau: nếu bây giờ có 20 người nhiễm vi tùng lao, thì trong số 20 người này sẽ có 2 người (khoảng 10%) chuyển thành bệnh lao, vào một lúc nào đó trong cuộc đời họ. Nhưng với những người nhiễm HIV thì nguy cơ bị bệnh lao của họ tăng lên gấp 5-10 lần so với người bình thường.

3.    Bệnh “lao sơ nhiễm” là gì?

“Lao sơ nhiễm” (còn được gọi là lao nguyên phát hay lao khởi đầu): là toàn bộ những biểu hiện và thay đổi của cơ thể sau lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc với vi trùng lao. Lao sơ nhiễm là bệnh ở trẻ em, đặc biệt là trẻ 1-5 tuổi, bệnh rất ít gặp ở người lớn.

     Chích ngừa BCG (chích ngừa lao): giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh lao, đặc biệt là thể lao nặng như lao màng não, chứ không phải chích ngừa lao rồi thì sẽ không mắc bệnh lao.

4.    Triệu chứng lao sơ nhiễm?

 Thường không rõ ràng, không có biểu hiện rầm rộ.

–       Triệu chứng toàn thân: biếng ăn, sụt cân hay chậm lên cân, đổ mồ hôi lúc ngủ dù khi trời lạnh, sốt kéo dài hay sốt tái đi tái lại.

–       Các triệu chứng hô hấp thường gặp: ho kéo dài, ho tái đi tái lại, thở khò khè, khó thở. Các triệu chứng này do sưng các hạch bên trong lồng ngực, làm chèn ép bên trong lồng ngực. Các triệu chứng này có thể làm trẻ được chẩn đoán ban đầu nhầm với các bệnh lý hô hấp khác.

–       Các triệu chứng ít gặp khác: hồng ban nút ở da, viêm kết mạc phỏng nước ở mắt, tiêu chảy kéo dài, sưng hạch trong ổ bụng, nốt loét ở da…

–       Lao sơ nhiễm có thể gây ra các biến chứng năng hơn như lao phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, hay các dạng bệnh lao nặng hơn như lao màng não, lao màng bụng, lao xương, lao thận…

5.    Các triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc lao sơ nhiễm

Trẻ có các triệu chứng sau: sốt kéo dài hay có các đợt sốt tái đi tái lại, chậm lớn, sụt cân, đổ mồ hôi trộm, ho kéo dài, khò khè kéo dài; hoặc trẻ được chẩn đoán hen suyễn hay viêm phế quản nhưng điều trị liên tục mà vẫn không thấy hết, hoặc có giảm ho một thời gian rồi lại ho tái trở lại. Đặc biệt kèm theo đó là trong gia đình có người bị bệnh lao phổi thì rất nhiều khả năng là trẻ bị lao sơ nhiễm. Lúc này, bé cần được đưa đến các phòng khám chuyên về lao và hô hấp để được tầm soát bệnh.

6.    Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể tìm chẩn đoán lao sơ nhiễm:

–       Chụp phim X quang phổi

–       Soi đàm tìm vi trùng lao ( ở những trẻ khạc đàm được), hay lấy dịch dạ dày tìm vi trùng lao (ở những trẻ không khạc được đàm)

–       Phản ứng lao tố

–       Chụp CT scan ngực

       Trừ trường hợp tìm thấy vi trùng lao trong đàm hay dịch dạ dày, tất cả các xét nghiệm đều là gợi ý. Bác sĩ có thể phải dựa vào nhiều các yếu tố: triệu chứng bệnh của bé, xét nghiệm, sự đáp ứng với các điều trị trước đây, nguồn lây lao… để có thể chẩn đoán được bệnh.

7.    Tại sao lao sơ nhiễm khó chẩn đoán?

–       Triệu chứng bệnh thường mơ hồ, không rõ ràng. Trẻ có thể chỉ có biểu hiện một hay hai triệu chứng của lao sơ nhiễm. Chẳng hạn như: trẻ có thể chỉ có biểu hiện duy nhất là chậm lớn hay sụt cân, cha mẹ ít chú ý đến triệu chứng nên không đưa trẻ đi khám bệnh; hoặc trẻ có thể chỉ có biểu hiện duy nhất là khò khè kéo dài, khiến trẻ có thể được chẩn đoán nhầm với viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Vì thế việc đưa trẻ đi khám tầm soát lao khi trẻ có tiếp xúc với người bệnh lao là rất quan trọng.

–       Ngoài ra, các xét nghiệm hạn chế do ít khi tìm thấy vi trùng lao ở trẻ, trẻ nhỏ không khạc được đàm. Xét nghiệm tối tân như CT scan ngực thì hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh nhưng vừa mắc tiền lại vừa làm trẻ bị nhiễm tia phóng xạ nhiều hơn.

8.    Điều trị lao sơ nhiễm:

       Trẻ mắc lao sơ nhiễm cần được điều trị bằng thuốc kháng lao. Trẻ được uống thuốc lao hàng ngày, trong thời gian ít nhất 6 tháng. Thuốc lao có nhiều tác dụng phụ, do đó trẻ cần được theo dõi, tái khám đầy đủ theo hẹn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc để đánh giá kết quả điều trị cũng như gải quyết những tác dụng phụ của thuốc lao nếu có.