Tổng quan bệnh hen suyễn

1. Bệnh hen suyễn là gì ?

Hen suyễn là bệnh rất thường gặp ở Việt nam và trên toàn thế giới. Trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen suyễn, tại Việt nam tỷ lệ toàn bộ hen suyễn trong dân số thay đổi tùy theo các nghiên cứu từ 5 – 10%.

Hen suyễn đề lại nhiều gánh nặng trên từng cá nhân, gia đình và toàn bộ xã hội. Chi phí điều trị hen suyễn gồm có các chi phí trực tiếp cho người bệnh để đi khám bệnh, làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị và cả chi phí gián tiếp do người bệnh giảm sút năng suất lao động, phải nghỉ làm, nghỉ học do hen suyễn và người nhà phải nghỉ làm, nghỉ học, giảm năng suất lao động do phải chăm sóc người thân bị hen suyễn. 

benh-hen-suyen

Chi phí điều trị hen suyễn nhiều nhất là chi phí điều trị hen suyễn vào đợt cấp phải nhập viện điều trị. Vì thế nguyên nhân hàng đầu làm tăng chi phí điều trị hen suyễn là không hoặc điều trị không đầy đủ để kiểm soát hen suyễn ngược lại chỉ chờ hen suyễn vào đợt cấp rồi mới điều trị.

Hen suyễn là tình trạng viêm mãn tính đường thở bao gồm các phế quản và tiều phế quản. Viêm mạn tính là do tương tác giữa cơ địa dị ứng của bản thân với các yếu tố gây hen suyễn từ môi trường bên ngoài:
+        Cơ địa dị ứng của bản thân: chính là đặc điểm cơ thể dễ phản ứng dị ứng với các yếu tố gây dị ứng. Bệnh nhân có cơ địa dị ứng là người bản thân mắc hoặc có người thân cũng mắc các bệnh dị ứng như là hen suyễn, bị chàm da, dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng. Tuy nhiên có người cũng mắc hen suyễn nhưng lại không có các đặc điểm minh chứng rõ cơ địa dị ứng.
+        Các yếu tố gây hen suyễn từ môi trường bao gồm: con mạt nhà trong chăn màn gối nệm, con gián trong bếp, các loại thú có lông như mèo và chó, phấn hoa, nấm mốc, các chất dị ứng trong nghề nghiệp như chất sulfite bảo quản thực phẩm, một số hóa chất như chất diệt côn trùng, chất tẩy, chất xịt phòng, một số thuốc men như aspirin, thuốc kháng viêm không corticoid .v.v.
Hen suyễn đa phần xuất hiện từ nhỏ nhưng cũng có một số trường hợp chỉ xuất hiện triệu chứng khi đã trưởng thành hoặc lớn tuổi. Một khi đã xuất hiện thì tình trạng viêm đường thở trong hen suyễn sẽ tiến triển âm thầm trong nhiều năm tháng và bùng lên mỗi khi có đợt cấp. Hiện tượng viêm mạn tính trong hen suyễn có thể tự kiểm soát như trong một số trường hợp hen trẻ em hoặc được kiểm soát nhờ điều trị kháng viêm, tuy nhiên hiện tượng viêm này không thể khỏi hẳn được đó là lý do vì sao hen suyễn không thể điều trị khỏi hẳn nhưng có thể điều trị kiểm soát được.

2. Các triệu chứng thường gặp khi mắc hen suyễn ?

Triệu chứng lâm sàng điển hình:
Bệnh nhân hen suyễn thường có các triệu chứng đường hô hấp có các đặc điểm sau:
+        Các triệu chứng: ho khan hay ho đàm nhầy trắng; khó thở chủ yếu vào thì thở ra; khò khè và nặng ngực.
+        Đặc điểm gợi ý: các triệu chứng nêu trên lập đi lại lại và luôn luôn thay đổi. Triệu chứng thay đổi theo thời gian: nhiều hơn ban đêm hơn ban ngày; nhiều hơn lúc giao hai mùa mưa – nắng, mùa lạnh. Triệu chứng thay đổi theo tiếp xúc dị nguyên: nhiều hơn sau khi vận động thể lực, khi tiếp xúc với bụi bặm , mùi nồng hắc, sau khi ăn thức ăn dị ứng như tôm cua, cá biển, thịt bò, gà, khi gặp những chuyện buồn bã u sầu hoặc lo lắng quá độ. Giữa những đợt có triệu chứng bệnh nhân hoàn toàn bình thường làm rất nhiều người bị chẩn đoán nhầm là rối loạn thần kinh thực vật hay bệnh “tưởng tượng” do “tâm lý”
+        Các bệnh kèm theo: viêm da tiếp xúc: chàm, mẩn ngứa; viêm mũi dị ứng: ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi; viêm kết mạc dị ứng: ngứa mắt, đỏ mắt.
Triệu chứng lâm sàng của hen suyễn rất đa dạng nên GINA (tổ chức quản lý hen toàn cầu) đã đưa ra các triệu chứng gợi ý hen suyễn và khuyến cáo mọi người dân khi có những triệu chứng này thì phải đến gặp bác sỹ để được khám và làm hô hấp ký chẩn đoán xác định hen suyễn:
+        Có những cơn khò khè tái đi tái lại.
+        Có ho về đêm làm bệnh nhân phải thức giấc.
+        Có khò khè và ho sau khi vận động thể lực.
+        Có khò khè, nặng ngực hoặc ho sau khi tiếp xúc các dị nguyên trong không khí như phấn hoa, mùi hắc, bụi ô nhiễm.
+        Có triệu chứng bị cảm cúm “nhập vào trong phổi” hơn 10 ngày mới khỏi.
+        Các triệu chứng trên cải thiện khi dùng thuốc điều trị hen suyễn như thuốc dãn phế quản, thuốc kháng viêm corticoid.
Triệu chứng lâm sàng không điển hình – các thể lâm sàng đặc biệt:
GINA đã đưa ra hai thể lâm sàng hen đặc biệt không giống các triệu chứng hen điển hình ở trên đó là hen dạng ho và hen khởi phát sau vận động.
+        Hen suyễn dạng ho: bệnh nhân hen suyễn dạng ho chỉ có chủ yếu đôi khi là duy nhất triệu chứng ho. Hen suyễn dạng ho thường gặp nhất là ở trẻ em và hay xuất hiện về đêm trong khi đó các thăm khám diễn ra vào ban ngày có thể hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân thường đã đi khám rất nhiều nơi và được chẩn đoán mắc nhiều bệnh khác nhau nhưng không đáp ứng điều trị. Để chẩn đoán hen suyễn dạng ho cần phải theo dõi biến đổi chức năng hô hấp trong ngày, đánh giá phản ứng tính phế quản và cả đếm số lượng tế bào ái toan trong đàm.
+        Hen suyễn sau gắng sức: đối với một số bệnh nhân hen suyễn, triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi gắng sức thể lực. Điển hình là triệu chứng xuất hiện từ 5 – 10 phút sau khi kết thúc gắng sức (rất hiếm khi triệu chứng xuất hiện khi đang gắng sức), bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của hen suyễn, hoặc đôi khi chỉ là triệu chứng ho rất khó chịu, triệu chứng sẽ phục hồi tự nhiên sau 30 – 45 phút. Hen suyễn sau gắng sức có thể xuất hiện trong mọi điều kiện thời tiết nhưng thường nhất là khi vận động trong thời tiết lạnh và khô. Để chẩn đoán hen suyễn sau gắng sức cần phải thực hiện đo hô hấp ký sau gắng sức bởi test chạy bộ 8 phút
Triệu chứng cận lâm sàng:
Hô hấp ký là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán hen suyễn.

+        Trường hợp điển hình, hô hấp ký cho thấy tình trạng tắc nghẽn đường thở có phục hồi hoàn toàn sau nghiệm pháp dãn phế quản.
+        Trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh ở ngoài cơn hen suyễn, đo hô hấp ký có thể hoàn toàn bình thường. Vì thế nếu hô hấp ký hoàn toàn bình thường cũng không loại trừ được chẩn đoán hen suyễn.
+        Trường hợp hô hấp ký bình thường, để chẩn đoán loại trừ hoàn toàn hen suyễn cần thực hiện đo hô hấp ký có làm test kích thích phế quản không đặc hiện với methacoline hoặc histamin. Kết quả test âm tính cho phép loại trừ chắc chắn hen suyễn.
+        Trường hợp hô hấp ký có làm test kích thích phế quản đặc hiệu bằng methacholin hoặc histamin dương tính, không thể loại trừ chẩn đoán hen suyễn nhưng cũng không cho phép chẩn đoán xác định hen suyễn, lúc này có thể dùng điều trị hen suyễn như là một biện pháp chẩn đoán. 

X quang phổi trong hen suyễn hoàn toàn bình thường, xét nghiệm X quang phổi không giúp chẩn đoán hen nhưng lại giúp loại trừ các chẩn đoán khác có triệu chứng như hen ví dụ viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi.
Xét nghiệm công thức máu có thể thấy bạch cầu ái toan tăng cao minh chứng cho tình trạng dị ứng của cơ thể.
Xét nghiệm test lẩy da bằng các dị nguyên đặc hiệu, đo nồng độ kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh góp phần chẩn đoán cơ địa mẫn cảm với dị nguyên.

3.  Cần làm gì khi bị hen suyễn ?

Hen suyễn gây nhiều gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội vì thế bệnh nhân nên chuẩn bị cho mình thái độ:
+        Khi nghi ngờ bị hen suyễn cần gặp bác sỹ sớm để được khám, đo hô hấp ký nhằm có chẩn đoán và khởi động điều trị kiểm soát hen suyễn sớm.
+        Khi đã được chẩn đoán hen cần phải xây dựng được mối quan hệ đồng hành với bác sỹ để cùng tiến hành điều trị kiểm soát hen suyễn.
+        Khi đã được điều trị kiểm soát hen cần tuân thủ các chế độ điều trị về thuốc men và thời gian tái khám để đạt hiệu quả kiểm soát hen cao nhất.