Ăn xin lòng thương hại

Tôi vô tình đọc được bài viết “Ăn mày đang bò lê lết thấy công an liền chạy như tên bắn” trên VnExpress. Bài chia sẻ này của một bạn đọc khiến tôi cảm thấy xót xa, vì người ta lợi dụng lòng tốt của cộng đồng một cách rẻ rúng như vậy…

Ăn xin là chuyện ở đâu cũng có. Tôi từng tận mắt thấy những người ăn xin ở Australia và châu Âu. Chỉ có điều, họ không đông đảo, cố tình đeo bám và làm mình trở nên đáng thương như ở nước ta. Họ ăn xin rất chân phương: ngồi bệt ở một góc đường chờ người đi qua cho tiền, hoặc cùng lắm là ghi hoàn cảnh bản thân ra một tờ giấy để người khác đọc được. Cũng có trường hợp chủ động hỏi xin tiền bạn, nhưng thường là vẫn lịch sự và khi bị từ chối sẽ lập tức rời đi. Tôi hiếm thấy những trường hợp ôm theo trẻ nhỏ, hay khoe những thương tật để khiến người khác đặc biệt thương hại như ở Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này. Nhưng theo tôi chủ yếu là do văn hóa. Việt Nam là quốc gia mà Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc và lâu đời. Đạo Phật vốn đề cao quy luật Nhân quả. Theo đó người làm nhiều việc thiện (thiện nghiệp) sẽ gặp những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và sau khi luân hồi sẽ có được một số phận may mắn. Có lẽ, chính bởi thế mà ăn xin có đất sống tại Việt Nam. Người ăn xin thường cố gắng làm cho mình trở nên thật đáng thương nhất có thể, để khiến người khác phải động lòng trắc ẩn. Khi ấy, người ta sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra giúp đỡ (vì coi đó là việc thiện). Thực tế, ở những quốc gia có văn hóa tương đồng với Việt Nam như Thái Lan hay Ấn Độ, tình trạng ăn xin cũng là rất phổ biến và phức tạp, đặc biệt là ở Thái Lan.

Trước đây, tôi cũng rất hay cho tiền những người ăn xin. Tất nhiên, không phải tôi không biết chuyện có nhiều trường hợp gian dối, đóng kịch. Dù vậy, tôi vẫn thường tặc lưỡi: “Giúp nhầm còn hơn bỏ sót”. Tôi nghĩ rằng có thể 10 lần mình sai, nhưng chỉ một lần đồng tiền ít ỏi của mình đến đúng với hoàn cảnh đang cần cũng là tốt rồi. Nhưng thiện tâm của tôi cũng chỉ có thể duy trì cho đến một ngày tôi tận mắt chứng kiến người mình vừa cho tiền hôm trước lại diễn cảnh y hệt ở một cung đường khác. Sau khi nghe tôi kể chuyện này, một người bạn của tôi đã nói rằng trường hợp đó ở gần nhà cậu ta và đã xây nhà ba tầng to lắm. Tôi cảm thấy lòng tốt của mình bị phản bội.

Tôi từng giữ quan điểm ăn xin không là xấu. Người ta cùng đường bất đắc dĩ mới phải đi xin, chứ ai muốn vậy. Nhưng hóa ra không phải. Càng tìm hiểu tôi càng thấy ăn xin đã bị biến thành một nghề kinh doanh. Ở đó, người ta có đủ chiêu trò, mánh khóe, kể cả nhẫn tâm, phi đạo đức (như chăn dắt người già, trẻ em; bắt trẻ con phải uống thuốc để ngủ li bì trên tay người đi xin…) để nhằm mục đích xin được càng nhiều tiền càng tốt.

Chắc chắn có nhiều người cũng như tôi, sẽ nhìn người ăn xin bằng con mắt ngờ vực. Đôi lúc, tôi cũng sợ rằng việc ngó lơ của mình có thể bỏ qua một trường hợp khó khăn, cần được giúp đỡ thực sự. Nhưng cũng như câu chuyện ngụ ngôn về cậu bé chăn cừu, khi niềm tin bị đánh cắp, thật giả lẫn lộn thì trước hết người ta đành phải chọn cách bảo vệ bản thân, không để mình bị biến thành trò hề. Rõ ràng, trong câu chuyện về ăn xin thì thiệt hại về vật chất chẳng đáng là bao. Nhưng cái mất lớn nhất, chẳng thể nào bù đắp được là sự mất niềm tin của cả cộng đồng.

Ai từng đọc cuốn tiểu thuyết “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Edmondo De Amicis chắc không thể quên chi tiết cậu bé ăn mày đã ném trả những đồng xu của những người khách ngoại quốc, vì họ nói xấu đất nước Italy của cậu bé. Trong khi đó, tại Việt Nam lại có câu chuyện ăn xin trả lại tiền nhưng với nguyên nhân khó có thể tưởng tượng nổi. Một bạn đọc từng chia sẻ, sau khi trao tờ tiền lẻ duy nhất – 1.000 đồng – trong ví cho bà ăn xin, người này đã bị trả lại kèm theo lời mỉa mai: “Thời buổi này nghĩ sao cho có 1.000 đồng? Cho vậy không mắc cỡ à?”

Chúng ta không có nhiều người ăn xin có phẩm giá nhưng bị số phận, hoàn cảnh đưa đẩy. Ngược lại, hầu hết họ là những kẻ lười lao động, đang “kinh doanh” một mặt hàng đặc biệt – lòng tốt của người khác.

Do đó, tôi hoàn toàn tán thành việc UBND TP HCM vừa ban hành quy định về giải quyết nạn ăn xin. Nếu gặp người ăn xin thay vì cho tiền, chúng ta nên thông báo với cơ quan chức năng. Bởi rõ ràng, việc đưa những người ăn xin, không nơi cư trú vào các cơ sở xã hội chính là món quà tốt nhất dành cho những người thực sự khốn khó. Hơn nữa, nó còn giúp lòng tốt của xã hội không bị kẻ xấu lợi dụng.

Trong thời đại mà dường như người ta sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để kiếm tiền như hiện nay, thì ngay cả lòng tốt cũng cần phải được đặt đúng chỗ và thể hiện đúng cách.

Phan Tất Đức