Các nhà khoa học thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng sử dụng điện thoại quá nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) cho thấy dữ liệu điện thoại có thể dự báo trầm cảm ở người dùng với tỷ lệ chính xác là 86%, hiệu quả hơn các bảng hỏi thông thường. Trong hai tuần, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu điện thoại của 28 người đàn ông và phụ nữ có tuổi trung bình là 29 và kiểm tra vị trí của họ cứ sau 5 phút. Những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi và đánh giá mức độ buồn bã của họ trên thang từ 1 đến 10.
Tác giả nghiên cứu là giáo sư David Mohr cho biết: “Khi trầm cảm, con người ta thu mình lại và không có động lực hay năng lượng để ra ngoài làm gì đó. Sử dụng điện thoại để tránh nghĩ đến những điều khó khăn, đau buồn là điều thường thấy ở những bệnh nhân trầm cảm”.
Theo nghiên cứu trên, người có dấu hiệu trầm cảm dùng điện thoại nhiều gấp 4 lần người bình thường. Trung bình mỗi ngày họ dành 68 phút chỉ để nhìn màn hình. Họ quanh quẩn ở một số địa điểm quen thuộc, dành nhiều thời gian ở nhà và hầu như không có lịch trình hàng ngày.
Các tác giả hy vọng phát hiện này sẽ giúp các chuyên gia nhanh chóng phát hiện, đưa ra chẩn đoán và trị liệu cho người mắc bệnh trầm cảm. Tiến sĩ Sohrob Saeb, nhà khoa học máy tính, nói thêm: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem có thể giảm triệu chứng trầm cảm bằng việc khuyến khích các bệnh nhân đi thăm nhiều địa điểm, dành thời gian cho việc khác và hạn chế dùng điện thoại hay không”.
XEM THÊM: Dễ rước họa vì chủ quan với bệnh trầm cảm
(Theo Metro)