Lỡ gãy lần đầu, ngăn đau lần cuối

Loãng xương (còn gọi là yếu xương, xốp xương, thưa xương, rỗ xương) là trình trạng xương giòn, yếu, dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ do suy giảm khối lượng và cấu trúc vi thể xương. Chủ đề Ngày Loãng xương Thế giới 20/10/2012 làStop at One: Make Your First Break Your Last”, tạm dịch là “Lỡ gãy lần đầu, ngăn đau lần cuối” nhấn mạnh việc chữa trị tích cực sau gãy xương lần đầu nhằm chấm dứt gãy xương sau đó và cải thiện sức khỏe người bị loãng xương. Loãng xương không có dấu hiệu hay triệu chứng gì cho đến lúc gãy xương cho nên thường gọi là bệnh thầm lặng.

gay-xuong

Thống kê cho thấy trên thế giới cứ mỗi 3 giây thì có một người bị gãy xương do loãng xương. Từ 50 tuổi trở lên 1/2 nữ và 1/5 nam bị gãy xương do loãng xương. Gãy xương thường xảy ra ở cổ xương đùi, cột sống và cổ tay nhưng cũng xảy ra ở xương chậu, cánh tay và cổ chân. Khi đã gãy xương do loãng xương thì ½ người sẽ bị gãy tiếp và nguy cơ gãy xương lại tăng lên theo gấp bội sau mỗi lần gãy như sau gãy xương hông thì người bệnh dễ bị gãy xương tiếp gấp 2,5 lần người bình thường. Bảy mươi lăm phần trăm gãy xương do ngã xảy ra ở người từ 75 tuổi trở lên. Nguy cơ gãy xương do loãng xương ở nữ cao hơn nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung cộng lại còn ở nam thì nguy cơ này cao hơn ung thư tuyến tiền liệt. Gãy cổ xương đùi làm 20% chết sau 6 tháng còn gãy xương sống làm 15% chết sau 5 năm. Sau gãy xương do loãng xương, chi phí chữa bệnh tăng gấp bội vì vừa chữa biến chứng loãng xương và vừa chữa chính loãng xương. Gãy xương do loãng xương nguy hiểm như nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành hoặc đột quỵ do tăng huyết áp nhưng chưa tới 20% người bị gãy xương lần đầu trong vòng một năm được chữa trị mà hiệu quả là ngăn được đến 70% gãy xương tiếp theo.

 

Vậy làm thế nào để “lỡ gãy lần đầu, ngăn đau lần cuối”:

Gãy xương lần đầu do loãng xương là dấu hiệu cảnh báo gãy xương tiếp theo cần ngăn chặn ngay. Từ 50 tuổi trở lên sớ lỡ bị gãy xương do loãng xương, hãy nghe lời hoặc đề nghị thầy thuốc khám kỹ lưỡng và đánh giá tình trạng xương để chữa phù hợp. Chữa trị loãng xương thường là lâu dài, có thuốc dùng trên dưới 10 năm.

Nếu chưa bao giờ bị gãy xương do loãng xương mà có bất cứ dấu hiệu hoặc bệnh trạng sau thì phải đi khám loãng xương ngay:

  • Giảm 3 cm chiều cao.
  • Mãn kinh trước 45 tuổi.
  • Nhỏ con (chỉ số khối cơ thể dưới 19 kg/m2, tính bằng cách lấy cân nặng đo bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao đo bằng mét).
  • Nhà có người thân bị gãy xương do loãng xương.
  • Bị bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp hoặc dùng thuốc corticoid từ 5 mg trở lên hằng ngày trên 3 tháng.
  • Hút thuốc lá; uống rượu nhiều; ít vận động thân xác; thiếu canxi và vitamin D.

Để phát hiện và chữa trị loãng xương, thầy thuốc ở bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể đảm trách được mà lý tưởng hơn là thầy thuốc chú trọng giáo dục sức khỏe loãng xương cho người dân mỗi khi có cơ hội đó là loãng xương là bệnh ngừa được mà bắt đầu ngay từ ấu thơ kéo dài đến hết cuộc đời và có như vậy thì cảnh “bà còng đi chợ trời mưa”* mới giảm dần trên khắp nẻo đường nước Việt.

ThS Đào Duy An