Xơ vữa động mạch là một trong những căn bệnh về tim mạch phổ biến nhất hiện nay, bệnh có thể không gây ra triệu chứng gì trước khi mảng xơ vữa gây bít hoàn toàn nhánh mạch. Tuy nhiên, nếu bạn không kịp thời chữa trị sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khó kiểm soát và khó điều trị. Dưới đây là Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh xơ vữa đông mạch.
Nguyên nhân của bệnh xơ vữa động mạch
Quá trình xơ vữa mạch có tiến triển rất chậm và phải mất rất nhiều năm sau đó bệnh mới có biểu hiện rõ rệt. Quá trình này được kích hoạt khi lớp nội mạc mạch máu – lớp lót ở bên trong thành động mạch bị tổn thương bởi một số yếu tố nguy cơ chẳng hạn như:
– Bệnh tăng huyết áp
– Bệnh mỡ máu cao (cholesterol cao hoặc triglyceride cao)
– Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động
– Bệnh đái tháo đường
– Bệnh béo phì
– Gia đình có người thân mắc bệnh tim
– Ăn uống không lành mạnh và lười vận động
– Các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp, lupus hoặc nhiễm trùng, viêm mạn tính không rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch
Bệnh xơ vữa động mạch tiến triển trong thời gian dài. Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất khó nhận ra. Chỉ khi các mảng xơ vữa phát triển khiến lòng động mạch bị thu hẹp đáng kể, làm giảm hẳn lưu lượng máu tới các cơ quan thì các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện rõ rệt.
– Đau thắt ngực (ổn định hoặc không ổn định): Người bệnh có thể cảm thấy trái tim bị đè nặng giống như có một tảng đá đang đè lên ngực của mình. Nó thường được kích thích hoạt khi hoạt động gắng sức như leo cầu thang, sau khi đá bóng… hoặc thay đổi cảm xúc nóng, giận đột ngột…Cơn đau thắt ngực sẽ qua đi nếu người bệnh nghỉ ngơi trong vòng vài phút.
– Khó thở: Là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh tim mạch. Khó thở thường tăng vào ban đêm hoặc khi họ làm việc gắng sức, đôi khi khó thở xuất hiện kèm theo mệt mỏi nhiều.
– Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim): Xảy ra khi động mạch vành tim bị tắc nghẽn hoàn toàn do mảng xơ vữa, có thể kèm theo các dấu hiệu như: cơn đau thắt ngực kéo dài, liên tục, nôn mửa, toát mồ hôi lạnh…
Yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch vành tim
– Ngừng thở khi ngủ: Là dạng rối loạn gây ra một hoặc nhiều khoảng ngừng thở hoặc thở nông trong khi ngủ.
– Căng thẳng: Nghiên cứu cho thấy yếu tố có thể “kích hoạt” một cơn đau tim bao gồm sự tức giận, căng thẳng hoặc hoảng sợ.
– Rượu: Uống nhiều rượu có thể gây tổn hại cơ tim và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch.
Các biến chứng của xơ vữa động mạch
– Bệnh động mạch vành tim: có các biến chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim.
– Bệnh động mạch cảnh não: gây biến chứng cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.
– Bệnh động mạch ngoại biên: gây biến chứng hoại tử mô, giảm cảm giác ở các chi làm tăng nguy cơ chấn thương.
– Phình mạch: là biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ phần động mạch nào của cơ thể. Nó có thể gây vỡ mạch máu, khiến người bệnh sẽ bị chảy máu trong nghiêm trọng và tử vong nhanh chóng do mất máu.
– Bệnh thận mạn tính: cũng là biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch thận.
– Nhồi máu cơ tim: Là cấp cứu nội khoa thường xuất hiện khi cơ tim bị thiếu máu trầm trọng với diễn tiến nhanh, đột ngột. Và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời, do một phần tế bào cơ tim đã bị chết hoàn toàn khi tắc nghẽn mạch vành.
– Suy tim: Khi lượng máu tới cơ tim giảm dần cùng với hậu quả sau nhồi máu cơ tim là các sẹo tim, vùng cơ tim khỏe mạnh phải tăng co bóp để cung cấp đủ máu cho toàn bộ cơ thể nhưng nó lại không được nuôi dưỡng đầy đủ, lâu dần sẽ giảm dần chức năng và dẫn tới suy tim..
– Loạn nhịp tim: Việc cung cấp thiếu máu hoặc sự tổn thương của các tế bào cơ tim có thể làm ảnh hưởng đến sự dẫn truyền của các tín hiệu điện trong tim, gây nhịp tim bất thường.
–> Nguyên nhân, triệu chứng bệnh rối loạn nhịp tim
–> 5 cách phòng ngừa bệnh tim mạch