Cao huyết áp hay còn được gọi là tăng huyết áp (THA) có thể gặp ở cả trẻ em, thanh thiếu niên nhưng chủ yếu là ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi. Bệnh gây nhiều biến chứng, thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não, cơ tim thiếu máu cấp tính đưa đến suy cơ tim cấp hoặc suy tim, suy thận, rối loạn tuần hoàn não.
Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi, chiếm 8-12% dân số. Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp như tiểu đường, thuốc lá, tăng lipid máu, di truyền.
– Cao huyết áp là bệnh lý gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong. Do đó điều trị huyết áp cao là vấn đề cần lưu ý trong cộng đồng vì những hậu quả to lớn của nó.
– Ngày nay với sự tiến bộ về kỷ thuật chẩn đoán (máy đo huyết áp phổ biến rộng rãi) và càng có nhiều loại thuốc điều trị ít tác hại, việc điều trị đã mang đến cho bệnh nhân sự cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đáng kể tử vong và các di chứng (liệt nữa người, suy tim) do tăng huyết áp gây nên.
– Người bệnh cao huyết áp cũng cần quan niệm rằng cần phải chấp nhận việc điều trị tốn kém lâu dài để đổi lấy một cuộc sống an toàn. Tăng huyết áp thường không triệu chứng do đó nhiều người chỉ nhận ra bản thân họ bị tăng huyết áp khi họ bị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quî). Không thể căn cứ vào triệu chứng nhức đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ áp bởi vì nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện khi huyết áp tăng cao đột ngột và các triệu chứng này có thể gặp ở bệnh lý khác( ví dụ nhức đầu do căng thẳng hay viêm xoang, chóng mặt có thể do tụt huyết áp…).
– Tốt nhất nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ với những người chưa tăng huyết áp và khi nghi ngờ tăng huyết áp cần đo huyết áp nhiều lần. Nếu huyết áp vẫn cao thì nên bắt đầu biện pháp điều chỉnh cách sống (tập thể dục, cai thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn) và xem xét điều trị thuốc.
Triệu chứng, biểu hiện bệnh cao huyết áp
Phần lớn tăng huyết áp không có triệu chứng. Các dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, mửa, mỏi mệt…không phải là biểu hiện chỉ của mỗi tăng huyết áp.
Khi có triệu chứng tăng huyết áp, thường lúc này đã là biến chứng hoặc tình trạng tăng huyết áp đã nặng.
Theo Suckhoedoisong