Triệu chứng, nguyên nhân của bệnh hở van tim

Bệnh hở van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp trong các bệnh lý tim mạch. Van tim của con người có chức năng giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim ra động mạch. Nếu van tim bị hở, quá trình lưu thông máu sẽ khó khăn hơn, bệnh cần được điều trị sớm để tránh tình trạng tử vong. Dưới đây là  Triệu chứng, nguyên nhân của bệnh hở van tim.

Những nguyên nhân gây hở van tim 

Nguyên nhân gây hở van tim hai lá là do sự bất thường trong cấu trúc của van và các bệnh tại tim, đôi khi là cả hai.

– Sa van hai lá: Các lá van và dây hỗ trợ chúng suy yếu, khiến lá van phình lên tâm nhĩ trái mỗi lần tâm thất co.

– Dây chằng van tim bị tổn thương: Chấn thương ở vùng ngực hoặc tuổi tác tăng cao làm các dây chằng bị tổn thương, bị kéo căng hoặc rách

– Bệnh thấp khớp cấp (thấp tim): Là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A. Đây là nguyên nhân chính làm hẹp hở các van trong tim.

– Viêm nội tâm mạc: Vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng màng tim có thể làm tổn hại đến các van tim.

– Dị tật tim bẩm sinh: như nứt kẽ lá trước của hai van 2 lá thường gặp trong tình trạng thông liên nhĩ lỗ thứ nhất.

– Nhồi máu cơ tim: gây tổn hại phần cơ tim liên quan đến van 2 lá.

– Bất thường của cơ tim: cơ tim giãn do huyết áp cao lâu dài

Một số các yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu có chứa ergo tamine, tiền sử gia đình có người bị hẹp hở van tim, tuổi cao.

Dấu hiệu bệnh hở van tim

Giai đoạn đầu khi bệnh hở van tim còn ở mức độ nhẹ thì người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì đặc biệt. Rất nhiều trường hợp là do tình cờ bệnh nhân đi khám sức khoẻ được phát hiện là có bệnh hở van tim. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có triệu chứng:

  • Khó thở: người bệnh sẽ thấy khó thở hơn (hay gặp ở bệnh nhân bị hở van tim 2 lá, hở van động mạch phổi), và máu cũng thiếu oxy. Đặc biệt người bệnh nhận rõ dấu hiệu này khi nằm xuống.
  • Mệt mỏi: Khi bị hở van tim, tim không tuần hoàn mang máu đi nuôi cơ thể nên người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Trong một số trường hợp nếu lao động quá sức, người bênh có thể ngất xỉu.
  • Tim đập nhanh: có nhiều người nhầm tưởng đây là dấu hiệu của bệnh rối loạn nhịp tim, nhịp tim đập nhanh không kiểm soát nhưng đây có thể là dấu hiệu của hở van 2 lá giai đoạn đầu.

Cách phòng chống các bệnh van tim

– Để phòng bệnh thấp tim tốt nhất là giáo dục chế độ vệ sinh phòng bệnh tốt. Khi phát hiện nhiễm trùng vùng họng (thường do liên cầu) cần được điều trị triệt để. Khi phát hiện bị thấp tim cần được quản lý theo dõi chặt chẽ ở các cơ sở y tế và tiêm phòng thấp tim đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

– Để phòng bệnh mạch vành (nguyên nhân gây suy tim, hở van tim) cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipide máu; hạn chế ăn mặn, hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật; hạn chế uống rượu-bia; không hút thuốc lá; tăng cường vận động thể lực theo khả năng(ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần), tránh stress, không để thừa – cân béo phì…

– Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường để không bị bệnh nhiễm trùng…

– Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng: ăn, uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi khoa học và hợp lý.