Sa van hai lá và những điều bạn cần biết

Đối tượng mắc bệnh

Sa van hai lá chủ yếu do nguyên nhân bẩm sinh nhưng thường được phát hiện muộn. Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới, đặc biệt ở những người có lồng ngực hẹp, lõm hoặc có cấu tạo xương bất thường.

nhoi-mau-co-tim

Sa van hai lá phổ biến ở nữ giới

Các triệu chứng thường biểu hiện ở tuổi thiếu niên hoặc từ 20 – 40 tuổi. Người ta cho rằng, khoảng 10 – 15% số phụ nữ trẻ mắc chứng sa van hai lá.

Triệu chứng

Phần lớn các trường hợp sa van hai lá không có triệu chứng. Các biểu hiện thường gặp bao gồm đánh trống ngực, khó thở và đau nhói ở ngực. Suy tim xuất hiện khi sa van gây hở van nặng, tuy nhiên ít gặp.

Chẩn đoán

Nghe tim có thể phát hiện được một số dấu hiệu đặc trưng của sa van hai lá như tiếng clic và tiếng thổi tâm thu. Việc chẩn đoán còn phải dựa vào X quang tim phổi, điện tâm đồ và siêu âm tim. Tuy nhiên, đa số trường hợp có thể chẩn đoán được sa van hai lá mà không cần các xét nghiệm cận lâm sàng.

Điều trị

Sa van hai lá nhìn chung không cần điều trị. Nếu triệu chứng xuất hiện gây khó chịu cho người bệnh, các thuốc chẹn bêta giao cảm có thể làm giảm cảm giác đánh trống ngực và tức ngực. Những người bị sa van hai lá nặng được khuyến cáo không nên tham gia các hoạt động thể lực gắng sức. Nên sử dụng kháng sinh trước các thủ thuật răng miệng hay phẫu thuật để dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Nếu van hai lá hở nhiều có nguy cơ gây suy tim thì cần thiết phải xem xét điều trị phẫu thuật sa van hai lá: sửa van hai lá hoặc thay van hai lá nếu không sửa được. 

Biến chứng

Sa van hai lá rất ít khi gây biến chứng nặng, tuy nhiên có thể gặp nguy cơ huyết khối và rất hiếm là đột tử. Sa van hai lá cũng đi kèm với nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và các vấn đề khác liên quan với hở van hai lá trong đó có suy tim. Khi có biến chứng thì điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật như đã trình bày ở phần trên.

Phòng ngừa

Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa nào được biết. Chứng sa van hai lá khá phổ biến nhưng không nên quá lo ngại.