1. Ngủ sau nửa đêm
Các chuyên gia thuộc Bệnh viện Misao ở Gifu (Nhật Bản) phát hiện những người hay đi ngủ sau nửa đêm thường phát triển chứng xơ vữa động mạch cao hơn người lên giường trước nửa đêm. Những người ngủ muộn thường bị căng thẳng tinh thần và thức khuya hơn để uống rượu, hút thuốc hoặc ăn những loại thực phẩm nhiều đường và chất béo. Tất cả những thứ này đều có thể gây nên bệnh tim mạch.
Ngủ muộn là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch
2. Uống ít nước
Qua khảo sát 20.000 người khỏe mạnh (cả nam và nữ), các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Loma Linda ở bang California (Mỹ) nhận thấy những người uống hơn 5 ly nước mỗi ngày ít có nguy cơ bị đau tim hoặc mắc bệnh tim mạch so với những người uống ít hơn 2 ly nước mỗi ngày.
Uống 5 ly nước mỗi ngày giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch
Các chuyên gia Mỹ tin rằng tình trạng thiếu nước góp phần làm đặc lượng máu lưu thông trong cơ thể, qua đó làm tăng nguy cơ đau tim.
3. Mãn kinh sớm
Theo các chuyên gia thuộc Đại học Alabama (Mỹ), phụ nữ mãn kinh sớm đối mặt với nguy cơ đau tim khi về già cao gấp 2 lần so với phụ nữ bình thường. Nghiên cứu trên 2.500 phụ nữ mãn kinh trước năm 50 tuổi cho thấy họ dễ mắc bệnh tim hơn. Nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng là do nội tiết tố sinh dục nữ (oestrogen) có tác dụng bảo vệ tim, hàm lượng oestrogen giảm dần sau khi mãn kinh.
4. Tình dục thiếu an toàn
Chlamydia, một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục có thể gây nên bệnh tim mạch
Chlamydia, một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến ở cả nam lẫn nữ, có thể gây bệnh tim mạch. Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Ontario và Đại học Toronto (Canada) phát hiện vi khuẩn này có thể làm rối loạn hệ miễn dịch, gây viêm nhiễm cho tim và dẫn đến tình trạng xơ cứng động mạch, tác nhân gây đau tim. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể đóng vai trò quan trọng gây bệnh tim mạch và ung thư.