Cây hồi đặc biệt chỉ mọc trong một khu vực nhỏ chiếm khoảng 5.000km2 ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn một số ít ở hai tỉnh Quảng Tây và Quảnh Đông (Trung Quốc) giáp giới Việt Nam. Một số nơi khác cũng có trồng nhưng không đáng kể như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Trước đây người ta thường lẫn nó với cây hồi Nhật Bản Illicium anisatum Lour có chất độc, hoặc cây hồi núi Illcium griffithiicũng có chất độc.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY HỒI
Bát giác hồi hương, đại hồi, hồi sao, mác chác, mác hồi (Tày)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY HỒI
Quả chín. Thu hái vào mùa thu. Phơi khô (tránh làm gãy cánh). Để nguyên dùng hoặc cất lấy tinh dầu. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY HỒI
Quả chứa tinh dầu: 9- 10%, gồm anethol: 85- 90%, a-pinen, limonen, b-phellandren,a-terpineol, farnesol và safrol.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY HỒI
Dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, bụng đầy trướng, thấp khớp và làm thuốc gây trung tiện, lợi sữa,chữa ngộ độc thức ăn. Ngày dùng 1- 4g quả dạng thuốc bột hoặc 4- 8g thuốc sắc. Dùng ngoài quả ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức xương, đau khớp.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY HỒI
Cây hồi có tên khoa học là ILLICIUM VERUM Hook.f thuộc họ ILLICIACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY HỒI
Cây nhỡ, cao 6- 10m. Cành thẳng, nhẵn. Lá thường tụ tập ở những mấu, nom như mọc vòng. Phiến lá nguyên, dày, cứng, nhẵn bóng. Hoa màu hồng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả cấu tạo bởi 8 đại, có khi hơn, xếp thành hình sao, mỗi đại đựng 1 hạt. Toàn cây, nhất là quả có mùi thơm và vị nóng.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY HỒI
Hoa: Tháng 3- 6; Quả: Tháng 7- 9.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY HỒI
Cây được trồng nhiều ở Lạng Sơn.
Trên đây là một số thông tin về cây hồi, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây hồi được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)