Cây xoan là một loài cây thân gỗ lá sớm rụng thuộc họ Xoan (Meliaceae), có nguồn gốc ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Australia.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY XOAN
Sầu đâu, khổ luyện, mạy riển (Tày)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY XOAN
Vỏ rễ. Thu hoạch khi khai thác cây lấy gỗ. Cạo sạch lớp vỏ nâu bên ngoài, chỉ lấy phần vỏ lụa. Phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao hơi vàng.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY XOAN
Vỏ thân và vỏ rễ chứa alcaloid azaridin (margosin), sterol và tanin. Lá có alcaloid paraisin, flavonoid rutin. Hạt chứa dầu gồm các acid stearic, palmitic, oleic và linoleic.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY XOAN
Thuốc tẩy giun đũa, giun kim. Dùng lớp vỏ lụa bên trong vỏ rễ, sao vàng. Người lớn: Ngày 2- 3g bột, trong 3 ngày liền. Trẻ em tuỳ theo tuổi, từ 0,1- 1,5g mỗi ngày. Còn dùng nước sắc thụt âm đạo trị nhiễm ký sinh trùng. Độc tính rất cao, phải cẩn thận khi dùng.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY XOAN
Tên khoa học của cây xoan là MELIA AZEDARACH L thuộc họ MELIACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY XOAN
Cây gỗ, cao 10m hoặc hơn. Vỏ thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, hai lần lông chim lẻ. Lá chét có răng cưa, nhẵn ở hai mặt. Cụm hoa hình xim hai ngả, gồm nhiều hoa màu trắng, các nhị tập hợp thành ống hình trụ màu tím. Quả hạch hình cầu, khi chín màu vàng, có 4 hạt.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY XOAN
Hoa: Tháng 3- 4; Quả: Tháng 6- 8.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY XOAN
Cây được trồng phổ biến ở khắp nơi.
Trên đây là một số thông tin về cây xoan, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây xoan được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)