Cây hoàng bá thường có ở Đông Bắc Á Châu, được trồng nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ta di thực vào trồng từ cuối những năm 1960 ở Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Vĩnh Phú (Tam Đảo) và Lâm Đồng (Đà Lạt). Cây ưa khí hậu mát vùng núi cao từ 1300m trở lên. Thường rụng lá về mùa đông. Thu hoạch vỏ thân vào tháng 3-6. Cạo bỏ lớp vỏ bần, phơi khô, hoặc sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, ủ mềm, thái mỏng, phơi khô, tẩm rượu sao vàng hoặc sao cháy.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Hoàng nghiệt
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Vỏ thân. Thu hoạch vào tháng 4-7. Cạo lớp vỏ ngoài. Phơi hoặc sấy khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Vỏ thân chứa 1,6% berberin, palmatin, obakunon, obakulacton, chất béo và các sterol.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Kháng khuẩn. Chữa hoàng đản do viêm ống mật, viêm đường tiết niệu, đái đục, kiết lỵ, ỉa chảy, tiêu hoá kém, trĩ, đau mắt, viêm tai, di tinh, khí hư, sốt, ra mồ hôi trộm. Ngày 6-12g dạng thuốc sắc, bột hoặc berberin tinh chế. Đắp chữa mụn nhọt, vết thương.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Cây hoàng bá có tên khoa học là PHELLODENDRON AMURENSE Rupr thuộc họ RUTACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Cây gỗ cao 15m hay hơn, phân cành nhiều. Vỏ thân dày có màu vàng ở mặt trong, vị đắng. Lá kép lông chim lẻ, gồm 5-13 lá chét. Hoa đơn tính, màu vàng lục, mọc thành chuỳ ở đầu cành. Quả hình cầu, khi chín màu tím đen, có 2-5 hạt.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Tháng 5-11.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY HOÀNG BÁ
Cây nhập trồng ở nơi có khí hậu mát, vùng núi cao 1.500m.
Trên đây là một số thông tin về cây hoàng bá, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây hoàng bá được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)