Cây kim anh mọc hoang ở vùng núi thấp ở hai tỉnh Cao bằng và Lạng sơn. Cũng thường được trồng làm hàng rào. Người ta nhân giống Kim anh bằng hạt hoặc bằng các đoạn thân cành đem giâm. Cây mọc khoẻ, tái sinh tốt. Vào tháng 9-11, lúc quả sắp chín, người ta thu hái quả rồi cho vào túi vải, xóc và chà cho rụng hết gai. Bổ đôi, nạo cho sạch hạt và lông, sấy khô dưới độ ẩm 12%. Khi dùng, tán bột để làm hoàn tán hoặc nấu cao Kim anh.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY KIM ANH
Mác nam coi (Tày), thích lê tử, đường quán tử
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY KIM ANH
Quả. Thu hái vào mùa thu. Cạo sạch gai, bổ đôi, nạo hết hạt và lông trắng ở trong.Phơi hoặc sấy khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY KIM ANH
Quả chứa acid citric, acid malic, tanin, vitamin C, glucosid, saponin.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY KIM ANH
Kim anh là thuốc bồi dưỡng, nguồn cung cấp vitamin C, chữa di tinh, hoạt tinh, khí hư, đái són, đái dắt, tả lỵ lâu ngày, chảy máu, suy nhược thần kinh. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc, thuốc bột, viên, cao hoặc mứt đường.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY KIM ANH
Tên khoa học của cây kim anh là ROSA LAEVIGATA Michx thuộc họ ROSACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY KIM ANH
Cây nhỏ, sống dựa, mọc thành bụi. Thân cành có gai. Lá kép gồm 3 lá chét, mép khía răng nhọn, có lá kèm nhỏ. Hoa to, màu trắng, mọc riêng lẻ ở đầu cành. Quả giả (đế hoa lõm), hình trứng, có gai và đài còn lại, khi chín màu vàng nâu. Hạt (quả thật) nhiều, dẹt.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY KIM ANH
Hoa: Tháng 3 – 6; Quả: Tháng 7 – 9.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY KIM ANH
Cây mọc hoang ở đồi núi và là đặc sản của Cao Bằng, Lạng Sơn.
Trên đây là một số thông tin về cây kim anh, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây kim anh được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)