Cây sim là một loài thực vật có hoa thuộc họ Myrtaceae, có nguồn gốc bản địa ở khu vực nam và đông nam Á, từ Ấn Độ về phía đông tới miền Nam Trung Quốc, Đài Loan và Philippines, và về phía nam tới Malaysia và Sulawesi. Loài này thường mọc ở ven biển, trong rừng tự nhiên, ven sông suối, trong các rừng ngập nước, rừng ẩm ướt, và tại độ cao đến 2400 m so với mực nước biển
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY SIM
Hồng sim, dương lê, đào kim nương, co nim (Thái), mác nim (Tày)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY SIM
Búp non, lá, nụ hoa, quả chín. Búp thu hái vào mùa xuân. Nụ hoa, quả vào mùa hạ.Phơi hoặc sấy khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY SIM
Cả cây chứa tanin. Quả có protein, chất béo, glucid, vitamin A, thiamin, riboflavin và acid nicotinic.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY SIM
Chữa đau bụng, ỉa chảy, lỵ, ung nhọt, cầm máu. Dùng búp non hoặc nụ hoa, ngày 10-30 búp hoặc nụ tươi nhai nuốt nước, hoặc khô tán bột, sắc uống. Nước sắc đặc lá hoặc búp dùng rửa vết thương, chốc lở. Cũng dùng quả chín phối hợp tô mộc chữa bệnh.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY SIM
Cây sim có tên khoa học là RHODOMYRTUS TOMENTOSA (Ait.) Hassk thuộc họ MYRTACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY SIM
Cây bụi, cao 1-3m, phân cành nhiều. Cành non có cạnh, nhiều lông mềm sau hình trụ nhẵn. Lá hình trứng thuôn, mọc đối, phiến dày, có 3 gân chính, mặt dưới có lông tơ. Hoa màu hồng tím mọc riêng lẻ hoặc tập trung 2-3 cái ở kẽ lá. Quả mọng, khi chín màu tím sẫm, ăn được. Hạt nhỏ, nhiều.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY SIM
Hoa: Tháng 4 – 6; Quả: Tháng 7 – 8.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY SIM
Cây mọc hoang ở các vùng đồi hoặc nương rẫy bỏ hoang.
Trên đây là một số thông tin về cây sim, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây sim được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)