Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 500% so với biến thể Delta?

Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron có dễ lây truyền hơn hoặc là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không.

Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Thông báo của WHO cũng xác nhận rằng hiện không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác, và việc tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần.

WHO khẳng định, biện pháp xét nghiệm PCR hiện tại vẫn có thể giúp các ca mắc biến thể Omicron, trong khi các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được tiến hành để hiểu biến thể Omicron sẽ tác động như thế nào đến các loại vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 hiện có. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó COVID-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.

Trước khi WHO đưa ra những thông tin chính thức về biến thể Omicron, một số nhà khoa học đã có những phát hiện về phiên bản virus đột biến này.

Theo Newsweek, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding – nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS)  cho biết, siêu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 500% so với biến thể Delta, và “đây là chỉ số đáng kinh ngạc nhất tới nay”.

Trong khi đó, phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

“Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất mà chúng ta thấy cho tới nay”, nhà virus học Lawrence Young, Giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh cho biết.  Theo Giáo sư Lawrence Young, Omicron chứa một số thay đổi  từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Biến chủng này “rất đáng lo ngại” bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine.

Nguyên nhân nào khiến Omicron xuất hiện?

Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO là từ Nam Phi vào ngày 24/11 với tên gọi là B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO đã xác định biến thể này là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron. Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có 32 đột biến trong protein gai và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao. Theo họ, biến thể này có thể đã xuất hiện ở một khu vực khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi, quốc gia có khả năng giải trình tự gene tốt.

Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh) nhận định, đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi ít có hoạt động giám sát bộ gene của virus và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông Head, sự xuất hiện của các biến thể mới là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), một số nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện ở vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi – nơi vốn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp. Họ cho rằng có thể đây là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”.

 Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, Jeremy Farrar, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.

Các nước nâng cao cảnh giác trước biến thể mới

Biến thể Omicron, phát hiện ở Nam Phi ngày 24/11 vừa qua, hiện đã được ghi nhận ở Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Nam Phi, Canada… Điều này thêm một lần nữa lại phủ bóng đen lo ngại lên khắp toàn cầu vì những ảnh hưởng từ đại dịch. Trước sự xuất hiện của Omicron, có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Vương quốc Anh; biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ; biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil; còn biến thể Beta và Omicron  được phát hiện tại Nam Phi.

Các nước châu Phi và Trung Đông gia tăng các biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron. Trong đó, nhà chức trách Maroc đã thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách trực tiếp đến Vương quốc Anh trong 2 tuần kể từ ngày 29/11. Maroc cũng quyết định hoãn Hội nghị đối tác châu Âu-Địa Trung Hải, nơi có sự tham gia của các quan chức thuộc Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu (ESC) và Hội đồng Kinh tế – Xã hội và Môi trường (EESC) của Maroc.Trước sự xuất hiện của Omicron, nhiều nước đã có động thái siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Trung tâm Quản lý Khủng hoảng và An ninh quốc gia Jordan nêu rõ hành khách đến từ Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Eswatini và Botswana bị cấm nhập cảnh vào nước này. Công dân Jordan và người thân đến từ các quốc gia nói trên chỉ được phép quay trở lại Jordan qua Sân bay quốc tế Queen Alia và sau khi thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, như xét nghiệm PCR, ký cam kết cách ly và trả trước chi phí cách ly 14 ngày.

Ngày 28/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định ngừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng ở 10 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong vòng hai tuần qua nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.

Đài truyền hình NTV của Nhật Bản ngày 29/11 đưa tin chính phủ nước này lên kế hoạch tạm đóng cửa biên giới đối với tất cả người nước ngoài. Nhật Bản hiện đã siết chặt các quy định nhập cảnh đối với những người vừa đi qua 9 nước châu Phi, bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe. Những người này sẽ phải cách ly trong 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Các nhà khoa học cho biết, các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi cho tới khi toàn thế giới được miễn dịch. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có hơn 50% dân số thế giới đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Điều này đồng nghĩa vẫn còn hơn 3,4 tỷ người chưa được bảo vệ và những người này có thể trở thành “những phòng thí nghiệm” di động để virus SARS-CoV-2 tìm cách phát triển các đột biến mới.

Xem thêm: