Giảm khả năng nghe sau đợt cảm cúm, bạn cần biết

Viêm tai giữa cấp tính là bệnh thường gặp, nhiều nhất ở trẻ em trong nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhất là khi bị sởi, cảm cúm… diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần.

Có 3 loại: Viêm tai giữa cấp tính xuất tiết dịch thấm, viêm tai giữa cấp tính xung huyết, viêm tai giữa cấp tính có mủ.

thinh-luc

Một số trường hợp sau viêm nhiễm đường hô hấp trên như cảm cúm (nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi…), nhất là khi bệnh nhân có uống thuốc nhưng không đầy đủ, thì bệnh có thể có biểu hiện khác như tắc hoặc bán tắc vòi nhĩ. Vòi nhĩ là đường thông khí từ vùng mũi họng đến hòm nhĩ, giúp cân bằng áp lực khí ở tai giữa với bên ngoài. Trong trường hợp vòi nhĩ bị tắc hoặc bán tắc sẽ gây ra triệu chứng lùng bùng tai, cảm giác bít tai giống y hệt như chúng ta đi máy bay lúc máy bay cất cánh hoặc đáp xuống vậy.

Để chẩn đoán bệnh lý này em cần làm một vài xét nghiệm cơ bản như nội soi Tai Mũi Họng, đo độ thông thoáng vòi nhĩ, đo nhĩ lượng đồ và thính lực đồ. Tình trạng này nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tốt, nghĩa là vòi nhĩ sẽ thông thoáng trở lại, những triệu chứng bít tắc tai, nghe kém, lùng bùng tai sẽ hết. Nếu không điều trị kịp thời và đúng mức, bệnh có thể diễn biến tiếp qua viêm tai giữa mạn do tắc vòi gây ra giảm thính lực dần, chảy tai, biến dạng màng nhĩ, viêm tai xương chũm…

Tùy từng giai đoạn mà có thái độ điều trị phù hợp. Trong giai đoạn sớm, chủ yếu điều trị triệu chứng cảm cúm kịp thời, nhất là điều trị phòng ngừa những biến chứng tai mũi họng sau giai đoạn viêm cấp tính của cảm cúm. Điều trị triệu chứng bao gồm:

– Điều trị nghẹt mũi: Giúp mũi thông thoáng và dẫn lưu cho các xoang viêm, không gây hẹp lỗ thông vòi nhĩ.

– Trị sổ mũi: Chảy mũi, hỉ mũi nhiều rất dễ ảnh hưởng lên tai do viêm nhiễm ngược dòng từ mũi họng lên tai.

– Chống viêm nhiễm: Viêm mũi do nhiễm siêu vi (cảm cúm) thường không cần dùng thuốc kháng sinh, tuy nhiên nếu có bội nhiễm cần dùng kháng sinh kèm với các thuốc khác.

Các phương pháp hỗ trợ:

– Rửa mũi với các dung dịch nước biển sâu hoặc các dung dịch rửa mũi có rất nhiều trên thị trường hiện nay.

– Không nên sử dụng nhiều và lâu dài các thuốc co mạch như Ephedrin, Naphtazoline… dễ gây lệ thuộc thuốc và những biến chứng khác.

– Xông thuốc: Thảo dược hoặc các thuốc xông.

– Khí dung mũi với máy khí dung.

– Nâng đỡ cơ thể bằng các loại vitamin và các vi lượng: vitamin C, polyvitamin, magne B6, kẽm…